
Người ta nói nhiều đến Gặp gỡ cuối năm, Thượng đế thì cười… Riêng tôi, cái tôi thích nhất lại là những tác phẩm anh Khải viết trực tiếp về đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Phật, nghĩa là đề tài tôn giáo, cụ thể là hai cuốn: Xung đột (1959-1961), và Điều tra về một cái chết (1985). Tôi đọc Xung đột từ khi mười hai tuổi, và, tôi bị tác phẩm ấy hớp hồn!

Nhà văn Nguyễn Khải nhận giải thưởng văn chương ASEAN.
Năm 1963, trong hàng chục cuốn truyện bố mua về cho tôi đầu kỳ nghỉ hè có hai tập Xung đột của Nguyễn Khải do NXB Văn học ấn hành. Tập 1 ra trước tập 2 đúng hai năm, sách mỏng, chỉ có 152 trang 13 x 19; tập 2 ra năm 1961, 212 trang. Tác phẩm viết về những người theo đạo Thiên Chúa. Phần lớn họ là những con người lương thiện, hiền hậu, chăm làm, giàu lòng nhân ái, giàu đức tin và… rất dễ bị các thế lực hắc ám lung lạc! Trong cái làng Hỗ công giáo toàn tòng ấy, sao mà có những kẻ ác như thế! Họ ác thế mà tại sao những người dân lương thiện trong đó có không ít cán bộ như chị Nhàn, phó Chủ tịch xã cũng có lúc bị mê hoặc, nghe theo?
Văn chương Nguyễn Khải sắc sảo, giàu chất chính luận kiểu Lỗ Tấn; khi cần thì chỉ vài dòng khắc họa tính cách nhân vật, vài dòng miêu tả bối cảnh sự kiện cũng đủ lột tả sự quyết liệt như chính mối xung đột trong làng Hỗ những năm sau cải cách ruộng đất, bước vào thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp. Đó là giai đoạn nhiều niềm vui mới và không ít bi kịch. “Mọi trật tự cũ bị tháo tung ra, và một trật tự mới đang được tổ chức lại. Những thói quen cũ bị sụp đổ, và những thói quen mới đang hình thành. Phá hủy và dựng xây, chấm dứt và mở đầu...”. Nếu tôi nhớ không lầm thì đến năm 1957, Xung đột là tiểu thuyết duy nhất, đầu tiên, viết về đời sống dân sự ở miền Bắc sau chiến tranh, được in từng kỳ trên báo suốt hơn một năm. Năm 1959 tập 1 in thành sách. Nhấn mạnh điều này để thấy Nguyễn Khải là một trong những người tiên phong viết tiểu thuyết về cuộc sống dân sự đầy vật lộn cam go sau chiến tranh. Chính anh đã khai sinh dòng tiểu thuyết viết về những chuyện thường ngày, bám sát các sự kiện nóng hổi, đầy chất trí tuệ, chính luận của văn học Việt Nam.
…Năm 1983, lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Khải tại thành phố Hồ Chí Minh, trong phòng làm việc của anh Hà Mậu Nhai, khi tôi đến NXB Văn nghệ nhận tiền nhuận bút. Từ đó, tôi thường có dịp gần gũi anh. Nghe tôi nói về tuổi thơ say mê khi lần đầu đọc Xung đột, Nguyễn Khải cười rất vui và từ đấy anh thường chia sẻ với tôi nhiều tri thức anh có được về nhà thờ, về các tôn giáo. Hồi đó tôi làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh, xe cộ để đi công tác rất dồi dào. Tháng nào tôi cũng đi về các tỉnh bốn năm chuyến, từ 15 đến 20 ngày. Mỗi lần đi xa, tôi thường rủ những bạn đồng nghiệp mà mình quý mến. Một trong những người đó là anh Khải. Giữa năm 1983, tôi mời anh Khải cùng đi huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nơi có vô số nhà thờ… Nửa năm sau, anh Khải cho xuất bản tiểu thuyết Thời gian của người. Năm 1984, tôi mời anh Khải đi lên Công ty Cao su Tây Ninh. Giám đốc công ty là ông Huỳnh Lân, Tỉnh ủy viên tỉnh Tây Ninh, đích thân đưa anh Khải và tôi lên thăm Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Gần một năm sau anh xuất bản tiểu thuyết Điều tra về một cái chết.
Tháng 10-1979, nhà văn Nguyễn Khải chuyển cả gia đình vào sống tại quận 4 thành phố Hồ Chí Minh. Câu ca Đầu đường đại tá bơm xe… xuất hiện vào thời này. Anh thường bò trên phản mà viết. Cuối năm 1983, ở cuộc họp cộng tác viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, anh nói với tôi: “Triệu Xuân biết không, đêm qua mình thức viết đến hai giờ, đói quá, mờ mắt, phải buông bút đi nằm. Giá mà có được một lát thịt bò bít tết và mẩu bánh mì lúc đó thì mình đã viết xong cái mạch cảm hứng đang trào đến!”.
Anh Khải đã sống và sáng tác hết mình. Những tác phẩm của anh để lại là tài sản quý giá của nền văn học, văn hóa Việt Nam.
Triệu Xuân