Thượng Tá Huỳnh Quang Tâm: Khoảnh khắc tạo nên đam mê cả đời

Chỉ một lần tận mắt chứng kiến các anh chiến sĩ chiến đấu với giặc lửa, cứu người, cứu tài sản… Huỳnh Quang Tâm đã ước mơ được gia nhập lực lượng đặc biệt này để được sống và chiến đấu như họ. Và 30 năm qua, dù trải qua bất cứ hoàn cảnh nào, Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Cảnh sát PC&CC TPHCM chưa một lần hối hận vì quyết định vào lực lượng Cảnh sát PCCC.
Thượng Tá Huỳnh Quang Tâm: Khoảnh khắc tạo nên đam mê cả đời

Chỉ một lần tận mắt chứng kiến các anh chiến sĩ chiến đấu với giặc lửa, cứu người, cứu tài sản… Huỳnh Quang Tâm đã ước mơ được gia nhập lực lượng đặc biệt này để được sống và chiến đấu như họ. Và 30 năm qua, dù trải qua bất cứ hoàn cảnh nào, Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Cảnh sát PC&CC TPHCM chưa một lần hối hận vì quyết định vào lực lượng Cảnh sát PCCC.

Ước mơ 30 năm trước

Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Cảnh sát PC&CC TPHCM.

Giấc mơ đẹp với màu áo của lực lượng Cảnh sát PC&CC của Tâm bắt đầu vào một buổi tối cách đây gần 30 năm.

Ngày đó, sau buổi học thêm buổi tối ở Trường Mạc Đĩnh Chi, Tâm đi bộ lững thững về nhà. Đi được một đoạn bỗng phía trước ồn ào đông người tụ tập, khói bốc lên dày đặc một quãng đường. Gió thổi mạnh, đám cháy dường như càng lúc càng to khiến người dân xung quanh náo loạn, la hét. Chưa đầy vài phút đồng hồ, hàng chục xe cứu hỏa lao nhanh đến. Xe chưa kịp dừng, các anh lính cứu hỏa đã nhảy ra khỏi xe cầm vòi chữa cháy lao nhanh về phía ngọn lửa.

Thượng tá Huỳnh Quang Tâm đang tặng bình chữa cháy cho người dân.

Tâm nhớ lại: “Tôi đứng bên đây đường mà còn có cảm giác nóng bỏng rát mặt. Vậy mà các anh cứ tiến nhanh, tiến thẳng vào đám cháy. Từ nhiều hướng, nước tuôn xối xả vào ngọn lửa đang cháy ngùn ngụt như thiêu, như đốt. Hơn chục công nhân mắc kẹt trong đám cháy đã được các anh lính chữa cháy cõng ra khỏi hiện trường. Gần 10 phút sau các anh đã khống chế được “giặc lửa”. Ngay lúc ấy, trong đầu tôi chỉ tràn đầy hình ảnh dũng cảm và nhiệt tình của những chiếc áo có màu sắc đặc trưng của lính chữa cháy. Ngay khoảnh khắc ấy, tôi đã xác định rõ ước mơ của mình!”.

Sau đó ít lâu, trong bữa cơm đầm ấm của gia đình, Tâm đã rụt rè bộc bạch ước mơ nhỏ nhoi nhưng vô cùng cháy bỏng của mình với cha mẹ. Thượng tá Tâm cho biết: “Tôi đang có kết quả khá tốt trong học tập, nếu thi vào các trường khác thì khả năng đậu rất cao. Ba má tôi hơi đắn đo. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng thuyết phục và nói rõ mơ ước của mình là thành lính chữa cháy để cứu người, giúp ích xã hội”. Dù rất lo lắng, sợ con vất vả, nguy hiểm nhưng cuối cùng bố mẹ Tâm cũng chấp thuận bởi sự quyết liệt của con trai.

Chữa cháy “4 lớp”!

Hai năm học Trường Cao đẳng PCCC ở thủ đô Hà Nội là khoảng thời gian không dài đối với Tâm. Bởi lẽ, Tâm đã tập trung dồn hết tâm sức học tập để hoàn thành ước nguyện của mình. Ngày ra trường, cầm tấm bằng xuất sắc, Tâm được nhận ngay vào Đội PCCC quận 3. Với thành tích học tập ở trường, một năm sau, Tâm được phong quân hàm thiếu úy trước niên hạn và chính thức trở thành sĩ quan PCCC. Khi về công tác tại đơn vị nghiệp vụ chữa cháy, Tâm đã vận dụng được các kiến thức mà mình đã học trong nhà trường. Nhiệm vụ hoàn thành, công tác liên tục được nâng cao, cấp trên tin tưởng đề bạt Tâm làm Tiểu đội trưởng. Không lâu sau, Tâm được lãnh đạo tin tưởng chuyển về địa bàn quận 4 với chức danh Đội phó. Sở Cảnh sát PC&CC TPHCM được thành lập, Tâm được đề bạt chức danh Phó trưởng Phòng, rồi Trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC quận 4. Sau đó không lâu, Tâm lại được chuyển về làm Trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC quận 1.

Thượng tá Huỳnh Quang Tâm đang trao đổi và chỉ đạo phương án chữa cháy và cứu nạn tại một đám cháy ở quận 1.

Đây có lẽ là khoảng thời gian khiến anh ấn tượng nhất. Thượng tá Tâm cho biết: “Dù đã có hơn 15 năm công tác chiến đấu với ngọn lửa. Nhưng, tôi vẫn thấy lo lo khi nhận nhiệm vụ tại địa bàn trung tâm thành phố, nơi tập trung các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… quan trọng; nhà cao tầng, trung tâm thương mại cao cấp, khu vui chơi, giải trí… Nhiệm vụ mới đòi hỏi tôi phải thay đổi rất nhiều để phù hợp với địa bàn trọng điểm. Không những trong công tác chữa cháy mà còn quan tâm tập trung nhiều hơn nữa đến công tác tuyên truyền, xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ thật hiệu quả.

Từ thực tế chiến đấu, vận dụng việc học lấy dân làm gốc và nhất là phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy, lực lượng, phương tiện và vật tư hậu cần; trước đó tôi đã tham mưu cho UBND quận 4 mô hình chữa cháy 4 lớp và tiếp tục vận dụng mô hình này với địa bàn trung tâm thành phố (quận 1). Đó là việc xác định rõ đối tượng đầu tiên khi phát hiện vụ cháy và các giải pháp, thao tác để khống chế ngọn lửa. Để thực hiện thành công mô hình 4 lớp, Thượng tá Tâm và cộng sự phải dành nhiều thời gian đi cơ sở để thống kê và tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ, trang bị vật tư kỹ thuật. Lớp đầu tiên chính là hộ gia đình, đối tượng phát hiện cháy đầu tiên; kế đến là những người thường xuyên có mặt tại địa phương, từ anh lái xe ôm cho đến chị bán hàng; lớp tiếp theo là lực lượng dân quân, Bảo vệ dân phố và cuối cùng là Cảnh sát PCCC, Công an quận, Quận đội, Hội Chữ thập đỏ, ban, ngành, đoàn thể… ở địa phương. Tất cả đều được tập huấn và có sự phối hợp chặt chẽ khi có sự cố. Chính nhờ vận dụng hiệu quả mô hình 4 lớp, hơn 80% vụ cháy đã được người dân phát hiện và tự dập tắt. Và, cũng nhờ vậy tình hình cháy, nổ tại địa bàn do Thượng tá Tâm quản lý đều giảm rõ rệt; số vụ cháy, thiệt hại người, tài sản… năm sau thấp hơn năm trước. Giờ đây với cương vị mới, Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Cảnh sát PC&CC TPHCM vẫn không quên ước mơ ngày trước…

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục