Thủy điện tích nước trái phép, làm khổ dân

Dù chưa đủ điều kiện và chưa được cấp thẩm quyền cấp phép nhưng Thủy điện Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) vẫn tự ý tích nước. Bị phát hiện, công ty cam kết dừng tích nước, nhưng sau đó vẫn phớt lờ để tiếp tục tích nước, gây thiệt hại lớn nhà cửa, hoa màu của người dân...

Tích nước khi chưa đủ điều kiện 

Thủy điện Plei Kần do Công ty cổ phần Tấn Phát (tỉnh Kon Tum) làm chủ đầu tư với diện tích đất sử dụng là 128,6ha, công suất 17MW. Dự án thi công trên địa bàn thị trấn Plei Kần, xã Đắk Nông (huyện Ngọc Hồi) và xã Đắk Rơ Nga (huyện Đắk Tô), cùng thuộc tỉnh Kon Tum. Việc xây dựng đến nay cơ bản đã xong.

Theo UBND xã Đắk Rơ Nga, vào ngày 22-9, người dân thôn Đắk Dé, Đắk Kon (xã Đắk Rơ Nga) phản ánh việc công ty tích nước vận hành thử Nhà máy thủy điện Plei Kần làm cống qua đường đi khu sản xuất của dân bị ngập. Kết quả kiểm tra cho thấy, cống qua đường vào khu sản xuất thôn Đắk Kon đã bị ngập cao hơn 1m, làm ảnh hưởng đến việc đi lại sản xuất, vận chuyển nông sản.

UBND xã đã gọi điện nhắc nhở nhiều lần nhưng công ty vẫn cố tình tích nước. Một ngày sau, UBND xã Đắk Rơ Nga chính thức phát văn bản yêu cầu công ty tạm dừng ngay việc tích nước và khẩn trương triển khai nâng cấp, sửa chữa đoạn bị ngập.

Thủy điện tích nước trái phép, làm khổ dân ảnh 1 Nhà ông Trần Hồng Tuấn (ở xã Đắk Rơ Nga) vẫn còn ngập do thủy điện tích nước
Đến ngày 5-10, một cuộc họp bàn để giải quyết những vướng mắc liên quan được tổ chức. Cuộc họp đi đến thống nhất, công ty sẽ ngừng việc tích nước, giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan. Trước mắt, bắt đầu từ ngày 7-10, công ty sẽ gia cố tuyến đường, trường hợp phương án trên không khả thi thì sẽ mở tuyến đường mới.

Trong thời gian mở tuyến mới thì công ty vẫn đảm bảo cho nhân dân đi lại, sản xuất. Tuy nhiên, đến ngày 19-10, khi UBND xã phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ngọc Hồi tổ chức kiểm tra đường đi khu sản xuất thôn Đắk Kon thì công ty vẫn tiếp tục tích nước và chưa khắc phục tuyến đường, người dân không thể đi lại.

Ông Nguyễn Văn Quân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tấn Phát, thừa nhận việc thủy điện tự ý tích nước và ông gọi đó là tích nước kỹ thuật. Việc tích nước này nhằm mục đích để cho nước vào máy xem có lỗi gì không, kể cả việc thử các cửa tích nước để đảm bảo an toàn vận hành sau này. Ông Quân cũng phân trần, việc tích nước không phải liên tục qua các ngày mà mỗi ngày chỉ khoảng 2 - 3 tiếng. 

Trong khi đó, ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương Kon Tum, cho biết, thủy điện này chưa đủ điều kiện để tích nước và cũng chưa được UBND tỉnh cấp phép tích nước. 

Đề nghị đền bù 

Ông Lâm Thế Hiển, Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Nga, cho biết, phía bên đoạn đường Đắk Kon bị ngập, hư hỏng là khu sản xuất 300ha của khoảng 60 hộ dân. Đường bị ngập, hư hỏng, dân qua khu vực này gặp khó nên hoạt động sản xuất của bà con bị ngưng trệ.

Theo ông Vy Văn Huy (xã Đắk Rơ Nga), gia đình trồng 7ha cao su và đã cho thu hoạch 6 năm. Một tháng qua, thủy điện tích nước làm đường ngập nên không chở mủ được. Vì kẹt tiền nên ông đành liều mạng lội suối dùng bè chở mủ cao su về bán.

Ông Phạm Trung Thê (xã Đắk Rơ Nga) thông tin thêm, thời điểm đó, thủy điện đã tháo nước nên nước đã cạn, người dân còn liều mình lội, chứ trước đó nước cao hơn hiện tại khoảng 2m thì chẳng ai dám liều mình vượt suối qua khu sản xuất. Bà con đã khắc phục tạm bợ bằng cách làm cầu tre nhưng khi thủy điện tích nước lại cuốn bay mất. Có 5 chiếc cầu tạm đã bị nước cuốn bay như thế. Cũng theo ông Thê, gia đình ông có 10ha cao su, cà phê và cây ăn trái ở khu vực 300ha. Cà phê chín nhưng không có đường vào nên cũng không hái được, cà phê rụng đầy xuống đất, gây thiệt hại lớn.

Ngoài ra, một số nhà cửa và cây cối ở khu vực khác nằm ngoài phạm vi đền bù thủy điện cũng vì tích nước mà bị ảnh hưởng. Ghi nhận tại nhà rẫy của ông Trần Hồng Tuấn ở xã Đắk Rơ Nga nằm dọc đường chính, nước đã rút khỏi nhà; riêng hồ cá, sân nhà vẫn đang bị ngập. Ông Tuấn cho biết, đợt tích nước vừa rồi của thủy điện gây ngập nhà, ngập cây cối, hồ cá, ước tính thiệt hại khoảng 700 triệu đồng. Cũng theo ông, có khoảng 100 hộ khác gần khu ông cũng bị ảnh hưởng. 

Liên quan đến vụ việc, ngày 20-10, liên ngành do Sở Công thương chủ trì đi kiểm tra hiện trường Thủy điện Plei Kần. Theo đó, công trình đang tích nước vận hành thử nghiệm. Một số vị trí khu vực lòng hồ thì mực nước cao hơn mốc đền bù giải phóng mặt bằng lòng hồ khoảng 20cm và theo vệt bùn còn đọng lại trên tường, cây cối cao hơn mực nước hiện tại khoảng 2m.

Đoàn kiểm tra đề nghị công ty cùng đơn vị tư vấn phối hợp chính quyền kiểm tra, rà soát, xác định lại cao trình bồi thường giải phóng lòng hồ và xác định khối lượng phát sinh để bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, công ty phải thực hiện các giải pháp để người dân đi lại, vận chuyển nông sản, phối hợp với địa phương lựa chọn phương án làm đường… 

Tin cùng chuyên mục