Tiêm nhắc vaccine phòng bệnh: Bước quan trọng để bảo vệ trẻ

Thống kê từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tại hầu hết các địa phương, tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ em chỉ đạt 40%-50% so với dự kiến. Trong đó, tỷ lệ tiêm nhắc vaccine phòng các bệnh nguy hiểm cho trẻ như bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt đang giảm một cách báo động.

Còn lơ là trong tiêm nhắc vaccine

Với suy nghĩ đã tiêm phòng đủ các loại vaccine phòng bệnh cho con từ trước 3 tuổi nên khi con gái đến 5 tuổi, chị Lê Thanh Hoàng (ngụ tỉnh Bình Phước) không để ý đến việc tiếp tục tiêm phòng cho con. Cho đến ngày con gái chị mắc bệnh ho gà biến chứng viêm phổi phải nhập viện điều trị thì chị mới biết rằng, một số vaccine phải tiêm nhắc ở những thời điểm phù hợp mới đạt được miễn dịch suốt đời. 

Không giống chị Hoàng, chị Xuân Anh (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) luôn chú trọng đến việc tiêm phòng cho con. Từ khi sinh ra đến nay, bé Quốc Bảo (6 tuổi) con chị Xuân Anh đều được mẹ đưa đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch tại các trung tâm chủng ngừa của thành phố. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, chị Xuân Anh không dám đưa con đi tiêm phòng do sợ bị lây nhiễm Covid-19.

“Mình tìm hiểu rất kỹ các mũi tiêm cần thiết cho bé và tuân thủ đầy đủ đúng lịch tiêm chủng mà các bác sĩ khuyến cáo. Nhất định khi dịch giảm bớt, mình sẽ đưa con đi chích nhắc đủ mũi để đảm bảo an toàn cho con”, chị Xuân Anh cho hay. 

Theo TS-BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt là 4 loại bệnh gây nguy hiểm cho trẻ em. Các bệnh này hầu như đã được khống chế thành công nhờ vaccine. Tuy nhiên, thực tế, nhiều phụ huynh chỉ chú trọng 3 mũi cơ bản khi trẻ dưới 1 tuổi mà bỏ qua các thời điểm tiêm nhắc quan trọng để phòng ngừa 4 bệnh nguy hiểm này, nhất là thời điểm trẻ 4-6 tuổi. 

Tại Việt Nam, nhiều phụ huynh chưa biết rõ tầm quan trọng của các mũi tiêm nhắc bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt cho trẻ ở độ tuổi này. Cụ thể, một khảo sát gần đây được thực hiện với hơn 900 phụ huynh, cho thấy có đến hơn 65% phụ huynh nghĩ những mũi tiêm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt trước 2 tuổi là đủ, hoặc không biết rằng kháng thể với các bệnh này không tồn tại suốt đời.

Chỉ có 24,2% phụ huynh đã cho con đi tiêm nhắc lại mũi phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt trong độ tuổi 4-6 tuổi. Hậu quả là từ năm 2015 đến nay, thống kê cho thấy, tỷ lệ ca mắc và tử vong của bệnh ho gà và bạch hầu ở Việt Nam đang tăng trở lại.

Tiêm nhắc vaccine phòng bệnh: Bước quan trọng để bảo vệ trẻ ảnh 1 Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vaccine nhắc lại để phòng bệnh 

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, trong năm 2020, khu vực Tây Nguyên ghi nhận tổng số 191 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Năm 2019, tỷ lệ ho gà cũng tăng đột biến lên hơn ngàn ca so với trước đây.

Đặc biệt, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, tỷ lệ trẻ em đi tiêm chủng các loại vaccine giảm rõ rệt, trong đó có vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt. “Việc tiêm nhắc bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt cho trẻ 4-6 tuổi không chỉ gia tăng hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho trẻ, mà còn giúp tránh lây nhiễm cho trẻ nhỏ hơn trong gia đình chưa tiêm ngừa, nhất là trẻ 0-6 tháng vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ”, TS-BS Phạm Quang Thái cho hay.  

Cần tuân thủ đúng lịch tiêm chủng

Mới đây, trong Tọa đàm báo chí trực tuyến “Tiêm nhắc bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt - bước quan trọng để bảo vệ trẻ 4-6 tuổi” do  Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức, các chuyên gia y tế cho rằng, tỷ lệ trẻ dưới 2 tuổi tại Việt Nam hàng năm được tiêm các mũi vaccine phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt khá cao, nhờ hiệu quả của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và mạng lưới tiêm chủng công lập cũng như tư nhân rộng khắp các tỉnh thành.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, khả năng bảo vệ đối với bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt từ các mũi tiêm này không tồn tại bền vững, giảm dần theo thời gian. Đặc biệt, trong giai đoạn trẻ 4-6 tuổi, kháng thể có được từ những mũi tiêm trong 2 năm đầu đời đối với các bệnh giảm đi đáng kể. Do đó, các chuyên gia nhận định, mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ 3 mũi cơ bản trước 12 tháng và một mũi nhắc trước 2 tuổi, trẻ vẫn có nguy cơ mắc các bệnh này khi lớn lên nếu tiếp xúc với nguồn lây. 

Đặc biệt, trẻ 4-6 tuổi thường bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với môi trường bên ngoài, ví dụ như trường học, các sân chơi. Đây cũng là lúc gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt nếu trẻ chưa có đủ kháng thể.

“Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ và Hội Y học dự phòng Việt Nam, phụ huynh nên tiêm nhắc vaccine phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt cho trẻ 4-6 tuổi để duy trì khả năng phòng bệnh tối ưu cho con đến tuổi thiếu niên”, TS-BS Phạm Quang Thái nhấn mạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm nhắc các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt sớm nhất có thể trong độ tuổi 4-6 tuổi. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành, khi đưa trẻ đi tiêm, phụ huynh cần chủ động đặt lịch hẹn trước để không phải chờ đợi lâu và tuân thủ các quy tắc 5K phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tin cùng chuyên mục