Tiền của người Mỹ đi đâu?

Một tuần kể từ lúc chiến sự nổ ra ở Libya, bà Merle Ratner - Điều phối viên “Chiến dịch giảm nhẹ nỗi đau và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam” (VAORRC) đã viết những dòng chia sẻ gửi đến bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng:

“Mỹ lại can thiệp vào chuyện nội bộ của một quốc gia bằng vũ lực. Lần này là đất nước Trung Đông Libya. Hàng triệu người trên toàn thế giới một lần nữa đứng lên góp lời phản đối cuộc chiến phi nghĩa. Khi bầu trời Libya rền vang tiếng bom rơi, đạn dội từ các trận không kích của liên quân thì những cuộc biểu tình cũng diễn ra rầm rộ tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ.

Phản đối chiến tranh ngoài lý do lo sợ cho dân thường Libya thiệt mạng oan uổng còn có một lý do liên quan trực tiếp đến người dân nước Mỹ. Họ đang đối mặt với chính sách thắt lưng buộc bụng đối với các dịch vụ xã hội. Cuộc chiến này sẽ càng làm cạn kiệt ngân quỹ quốc gia, làm giàu những kẻ đầu cơ trục lợi. Zack Cooper, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Đánh giá ngân sách và chiến lược ước đoán, với phương án lập vùng cấm bay hiện nay với 400 mục tiêu phòng không được bố trí, chi phí phải bỏ ra là 30-100 triệu USD/tuần.

Những đợt tấn công bởi tên lửa hành trình Tomahawk ngốn mất 200 triệu USD trong khi tờ National Journal của Mỹ cho rằng riêng phần của Mỹ là 112-168 triệu USD. Một số nhà phân tích quân sự cho rằng sự can thiệp của các nước ở Libya sẽ hao tốn hơn 1 tỷ USD (bên cạnh con số 9 tỷ USD Mỹ bỏ ra trên chiến trường Afghanistan mỗi tháng).

Tổng thống Obama đang đẩy người dân đứng trước nhiều mối lo ngại. Ông đã đề xuất cắt giảm 2,5 tỷ USD hỗ trợ chi phí sử dụng các thiết bị sưởi ấm của người thu nhập thấp hoặc lên kế hoạch giảm 10 tỷ USD trong chương trình Pell Grants nhằm hỗ trợ chi phí đại học của thanh niên nghèo trong 10 năm.

Ngoài ra, các thành viên Đảng Cộng hòa đã đưa ra những đề xuất cắt giảm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân: 758 triệu USD sẽ bị cắt bỏ khỏi chương trình chăm sóc y tế WIC dành cho phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ em nghèo; giảm 125 tỷ USD trong các cơ quan hành pháp toàn quốc; giảm 1,6 tỷ USD đối với các chương trình huấn luyện và tạo việc làm; giảm 1,3 tỷ USD trong quỹ của các trung tâm y tế cộng đồng…

Hầu hết thành viên Quốc hội Mỹ, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều tỏ thái độ bất bình khi Tổng thống Obama quyết định tham chiến nhưng chưa có được sự thông qua của Quốc hội. Và một khi liên quân không lùi bước, làn sóng phản chiến sẽ tiếp tục dâng cao và lan rộng, kết hợp cùng những hoạt động kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.

Hơn bao giờ hết, chính quyền B.Obama phải suy nghĩ lại về những ưu tiên trong quyết sách của mình vì trong mắt người dân, dường như nước Mỹ đang đi chệch hướng. Kéo quân phô trương sức mạnh quân sự trên vùng trời Libya chính là tội ác và sai lầm lớn. Đổ tiền vào những điều đó chẳng khác nào giật đi niềm hy vọng từ những người Mỹ đang lâm vào hoàn cảnh túng thiếu, cần sự hỗ trợ từ chính phủ”.

Như Quỳnh (dịch)

Tin cùng chuyên mục