Tội phạm, tham nhũng và trốn thuế đã làm thất thoát ở các nước đang phát triển gần 6.000 tỷ USD trong một thập kỷ qua và các quỹ trái phép tiếp tục gia tăng.
Trong một báo cáo đưa ra ngày 17-12, Tổ chức Liêm chính Toàn cầu (GFI), một tổ chức giám sát tài chính toàn cầu có nhiệm vụ vận động giải trình tài chính có trụ sở ở Washington, cho biết, Trung Quốc chiếm gần phân nửa trong số 858,8 tỷ USD tiền bẩn chảy vào thiên đường trốn thuế và các ngân hàng phương Tây trong năm 2010. Tổng lượng tiền bẩn đã tăng 11% so với năm trước. Trung Quốc mất 420,4 tỷ USD trong năm 2010 và hơn 1 thập kỷ qua đã mất tổng cộng 3,79 ngàn tỷ USD. Những thất thoát tài chính này cứ tăng dần.
Trong một báo cáo hồi tháng 10, GFI cho biết trong năm 2011, đã có 602 tỷ USD bị mang ra khỏi Trung Quốc. Nhà kinh tế học hàng đầu của GFI Dev Kar khẳng định thực tế này tiếp tục cho thấy nền kinh tế Trung Quốc như một quả bom nổ chậm. Lượng tiền bất hợp pháp khổng lồ bị thất thoát cũng khiến trật tự xã hội, kinh tế tại nước này bị ảnh hưởng.
Các nước đang phát triển khi nhận được 1 USD tiền viện trợ trực tiếp nước ngoài thì lại để 10 USD chảy ra khỏi biên giới và nằm yên trong các tài khoản ở nước ngoài. Các nước này đang bị thất thoát ngày càng nhiều tiền vào thời điểm mà các nước giàu và nghèo đang rất khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các dòng tiền bẩn đã tăng khoảng 13,3% mỗi năm kể từ 2001, khiến nhiều quốc gia đang phát triển phải lao đao. Thực trạng tồi tệ này xảy ra trùng hợp với thời điểm thế giới bước vào toàn cầu hóa tài chính và nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn - những thay đổi tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc chuyển luồng tiền đến các ngân hàng phương Tây và các thiên đường trốn thuế. Báo Huffington Post từng nhận định: “Sự thật là nạn tham nhũng ở các nước đang phát triển đang được nuôi dưỡng nhờ sự tiếp tay và bao che của các nước phát triển thông qua các tổ chức tài chính ngân hàng lớn”.
Nhận thức về tác động gây bất ổn của tiền tham nhũng, trong thời gian gần đây, giới chức Trung Quốc đã mạnh tay với nạn tham nhũng. Giới lãnh đạo Trung Quốc mới đây đưa ra cảnh báo mạnh mẽ Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức có thể làm sụp đổ chế độ nếu không mạnh tay hơn nữa để giải quyết vấn nạn tham nhũng. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ưu tiên đưa vấn đề tham nhũng vào nghị trình của mình, kêu gọi thực thi các biện pháp cứng rắn hơn đối với nạn tham nhũng đang tàn phá đất nước.
GFI kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới cải thiện các nỗ lực để ngăn chặn dòng tiền bẩn bằng cách công khai danh sách chủ sở hữu của tất cả các công ty, quỹ tín thác, công khai thu nhập tài sản của các quan chức chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các tài khoản bí mật ở ngân hàng, các công ty ma chỉ tồn tại trên giấy, cải cách hải quan và các quy định thanh toán xuất nhập khẩu, yêu cầu các công ty đa quốc gia báo cáo lợi nhuận của họ tại quốc gia đang kinh doanh để ngăn chặn trốn thuế và mạnh mẽ thực thi các luật chống rửa tiền.
HẠNH CHI