Nhiều nghi ngại
Tại phiên điều trần kéo dài hơn 2 giờ trong ngày 16-7, giờ địa phương, ông David Marcus đã đưa ra các lập luận bảo vệ đồng Libra với cam kết tuân thủ mọi quy định để ngăn chặn các hoạt động rửa tiền và tội phạm hình sự. Theo ông Marcus, Facebook đã làm việc với các cơ quan quản lý trên toàn thế giới, đồng thời khẳng định hệ thống tiền tệ Libra được công ty này phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của những người không hoạt động trong hệ thống ngân hàng truyền thống. Ông Marcus cho biết, Facebook sẽ không thu thập dữ liệu từ những giao dịch Libra mà không được sự cho phép từ người dùng.
Mặc dù vậy, nhiều Thượng nghị sĩ Mỹ vẫn cảnh báo về những rủi ro của dự án này, đồng thời chất vấn liệu Facebook có còn đáng tin cậy sau một loạt bê bối về bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của người dùng. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Martha McSally thuộc bang Arizona đặt câu hỏi: “Làm thế nào để người dùng tin rằng sự riêng tư của họ sẽ không bị xâm phạm trái phép?”. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kennedy thuộc bang Louisiana lại xoay quanh việc Facebook đã không hành động mạnh mẽ để ngăn chặn việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Phía đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Sherrod Brown cho rằng Facebook thật ảo tưởng khi nghĩ rằng mọi người sẽ tin tưởng, trao tiền cho mạng xã hội này.
Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến nhận định tích cực về đồng tiền số Libra. Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Idaho, ông Mike Crapo, thừa nhận, dù vẫn còn các yếu tố không chắc chắn, nhưng những mục tiêu mà Facebook hướng tới đối với hệ thống thanh toán quốc tế là rất đáng khen ngợi. Nếu được thực hiện đúng, Libra có thể mang lại nhiều lợi ích vật chất như mở rộng khả năng truy cập hệ thống tài chính cho những người không có tài khoản ngân hàng, cung cấp phương thức thanh toán rẻ hơn và nhanh chóng hơn. Dự kiến, ông David Marcus sẽ tiếp tục điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính thuộc Hạ viện sau buổi điều trần trên.
Cảnh báo rủi ro
Dự kiến ra mắt vào nửa đầu năm 2020, đồng Libra được Facebook thiết kế để trở thành công cụ hỗ trợ rổ tiền tệ quốc tế, tránh sự biến động mạnh của Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác. Loại tiền này sẽ cho phép công ty truyền thông xã hội theo dõi các giao dịch mua, bán của người dùng cùng tất cả các dữ liệu khác mà họ đã thu thập thông qua quá trình trao đổi, mua bán trực tuyến. Tuy nhiên, kế hoạch này liên tục vấp phải nhiều chỉ trích lẫn nghi ngại, do mạng xã hội lớn nhất thế giới này đang hứng chịu búa rìu dư luận vì thu thập thông tin cá nhân của người dùng, cũng như tràn lan tin tức giả mạo.
Giới chuyên gia kinh tế cũng liên tục cảnh báo rằng, tiền điện tử do các công ty công nghệ lớn phát hành có thể nhanh chóng thiết lập vị trí thống trị trong nền tài chính toàn cầu, đe dọa sự cạnh tranh và ổn định của các loại tiền tệ đang lưu hành. Trước khi diễn ra phiên điều trần tại Thượng viện, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo Facebook còn nhiều việc phải làm trước khi có thể nhận được sự chấp thuận pháp lý cần thiết trong xử lý các giao dịch tài chính và cần đáp ứng một tiêu chuẩn rất cao trước khi có được quyền truy cập vào hệ thống tài chính thế giới.
Ngày 17-7, đồng Bitcoin giảm hơn 10% giá trị, xuống một mức thấp trong hai tuần giữa bối cảnh Chính phủ Mỹ thắt chặt hoạt động rà soát về quy định với các đồng tiền số. Tại sàn giao dịch Bitstamp tại Luxembourg, đồng Bitcoin giảm 11,69% xuống 9.582,12 USD/Bitcoin. Đây là lần đầu tiên đồng Bitcoin giảm xuống dưới ngưỡng 10.000 USD/Bitcoin trong hai tuần. |