Đến nay chỉ có một số đồng minh thân cận của Mỹ như Australia hay Nhật Bản theo Mỹ, còn các quốc gia khác hoài nghi về tuyên bố của Mỹ rằng việc sử dụng các sản phẩm của Huawei tạo ra rủi ro gián điệp. Tính đến cuối tháng 3, tập đoàn công nghệ Trung Quốc này cho biết họ đã vận chuyển hơn 70.000 trạm phát mạng 5G đến các thị trường trên toàn thế giới và ký 40 hợp đồng thương mại với các nhà mạng. Huawei cũng chuyển 59 triệu điện thoại thông minh ra nước ngoài. Huawei đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc của Mỹ và tung hàng loạt chiến dịch truyền thông chưa từng có để “minh oan” cho chính mình.
Là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn số 3 thế giới, doanh thu của tập đoàn này vẫn tăng vọt với các lô hàng điện thoại, thiết bị 5G và các sản phẩm khác. Theo Bloomberg, doanh thu quý 1-2018 của Huawei tăng 39% so với cùng kỳ năm 2018, lên 179,7 tỷ nhân dân tệ (27 tỷ USD), lợi nhuận ròng khoảng 8%, cao hơn năm ngoái.
CNBC cho rằng thực sự cuộc chiến của Mỹ chống Huawei là cuộc đua mạng 5G và Tổng thống Donald Trump không muốn Mỹ đứng ở vị trí thứ hai sau Trung Quốc về 5G. Tuần trước, ông Trump đã đưa ra các sáng kiến tăng tốc độ triển khai các mạng không dây 5G trên khắp nước Mỹ, nhưng xem ra Mỹ vẫn thiếu chiến lược rõ ràng để có thể vượt qua Huawei. Theo Nigel Inkster, cựu quan chức tình báo Anh và cố vấn cao cấp tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ, chiến lược rõ ràng về 5G của Chính phủ Mỹ hiện chỉ mới bắt đầu trong khi họ vẫn đang tranh luận về thách thức từ an ninh của Huawei. Trong bài phát biểu tuần trước, ông Trump nhấn mạnh rằng, khu vực tư nhân cần dẫn đầu trong việc xây dựng mạng lưới 5G trên khắp nước Mỹ. Các nhà khai thác di động bao gồm Verizon và AT&T đã bắt đầu triển khai các mạng 5G tại các thành phố được chọn, với thành công hạn chế. Trong khi đó Trung Quốc đã thực hiện một cách tiếp cận tập trung vào 5G, bơm đầu tư vào công nghệ như một sáng kiến của chính phủ. Thừa nhận về sức mạnh của công nghệ 5G, Anthony Glees, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an ninh và Tình báo tại Đại học Buckingham (Anh) cho rằng, 5G là một trọng tâm của Trung Quốc trong việc đưa sức mạnh công nghệ phủ sóng toàn cầu. Thông qua 5G, Trung Quốc tìm cách tối đa hóa các cơ hội mà họ có để mở rộng ảnh hưởng của mình trên thế giới và củng cố vị thế và quyền lực toàn cầu.
Đối với một số quốc gia, khả năng có được một trong những công nghệ thế hệ tiếp theo tốt nhất với mức giá rẻ hơn nhiều vẫn là một lựa chọn hấp dẫn hơn là các rủi ro tiềm ẩn. Reuters trích lời một bộ trưởng của Ba Lan nói rằng quốc gia Đông Âu này có thể không loại trừ tất cả các thiết bị Huawei khỏi mạng di động 5G như đã cam kết trước đây, do lo ngại về chi phí. Sự thay đổi này là đáng kể sau khi Ba Lan bắt giữ một giám đốc điều hành Huawei ở Ba Lan với cáo buộc gián điệp cho Trung Quốc vào tháng 1. Điều này cũng phản ánh tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà nhiều quốc gia phải đối mặt khi phải chọn đối tác để luôn cập nhật công nghệ 5G.