Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể TPHCM đã hưởng ứng tích cực, phát động nhiều phong trào thi đua ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Trong đó không thể không kể đến những công trình sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật trên mọi lĩnh vực, ngành nghề, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng, mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho địa phương, đơn vị.
Y tế thông minh
Cuối năm 2019, Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Quận Thủ Đức tiếp nhận bệnh nhân nam, 69 tuổi (ngụ quận Thủ Đức) nhập viện trong tình trạng huyết áp tụt, mạch chậm và ngưng tim ngay khi nhập viện. Các y, bác sĩ chuyên Khoa Tim mạch BV Quận Thủ Đức lập tức thăm khám, đưa ra chẩn đoán và thực hiện phẫu thuật. Sau 60 phút xử lý khẩn trương, tích cực, ca phẫu thuật thành công. Bệnh nhân hồi phục sau 6 ngày điều trị.
Đó chỉ là một trong rất nhiều ca bệnh phức tạp mà BV Quận Thủ Đức áp dụng kỹ thuật hiện đại để cứu sống người bệnh. Giám đốc BV Quận Thủ Đức Nguyễn Minh Quân cho biết, khi mới thành lập, BV thiếu cả về đội ngũ y bác sĩ lẫn cơ sở vật chất. Đầu năm 2008, BV bắt đầu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh. Đến nay, nhiều mô hình mới được áp dụng, từ “Bệnh án điện tử”, “Trạm cấp cứu vệ tinh 115”, “Phòng khám đa khoa vệ tinh” đến mô hình “Y tế thông minh”.
“Là BV tuyến quận nhưng BV Quận Thủ Đức luôn nỗ lực áp dụng những kỹ thuật khám, chữa bệnh hiện đại để đáp ứng nhu cầu của người bệnh; đồng thời giảm tải cho những BV tuyến trên. Đến nay, chúng tôi đã thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên khoa sâu như mổ tim hở, kỹ thuật đặt Stent-Graft điều trị phình động mạch chủ, tim mạch can thiệp, can thiệp mạch máu não, kỹ thuật trao đổi ôxy qua màng ngoài cơ thể…”, ông Nguyễn Minh Quân cho biết thêm. Hiện lượng người bệnh tới BV Quận Thủ Đức khám, điều trị lên tới 6.500 - 7.000 lượt/ngày. Đặc biệt, BV Quận Thủ Đức là BV tuyến quận - huyện đầu tiên được xếp hạng I trên cả nước với 800 giường lưu trú, 49 khoa - phòng khám và điều trị trên 4.500 lượt người/ngày.
Nhắc đến ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong phẫu thuật, phải kể đến BV Nhân dân 115. Đây là đơn vị đầu tiên của Việt Nam ứng dụng phần mềm Rapit của Trường Đại học Stanford (Hoa Kỳ) trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Chính kỹ thuật này đã mở ra cơ hội vàng cho người bệnh đột quỵ đến muộn. Tính đến nay, BV Nhân dân 115 đã cứu sống hơn 500 người và 50% trong số đó đã quay trở lại cuộc sống bình thường. Một thành tích vang dội khác của BV Nhân dân 115 là đã thực hiện thành công ca phẫu thuật u não đầu tiên tại châu Á bằng hệ thống Robot Modus V Synaptive vào năm 2019. Bên cạnh đó, BV còn sử dụng hệ thống Robot phẫu thuật tỉnh (không gây mê) cho người bệnh xuất huyết não. Phương pháp này cho phép phẫu thuật viên có thể giao tiếp được với người bệnh trong suốt thời gian phẫu thuật, bảo tồn tối đa các chức năng thần kinh của người bệnh.
“Trước đây với lượng xuất huyết não trên 60ml, tỷ lệ tử vong lên đến 90%, tỷ lệ tàn phế sau điều trị rất cao. Nay nhờ phương pháp mổ tỉnh sử dụng hệ thống robot đã cứu sống và trả lại cuộc sống bình thường cho nhiều người bệnh, rút ngắn thời gian nằm viện từ 15 ngày xuống còn 4,2 ngày”, TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết. Theo GS Amin Kassam, Phó chủ tịch Viện Phát triển thần kinh Aurora (Mỹ), việc triển khai thành công phẫu thuật thần kinh bằng hệ thống Robot Modus V Synaptive là bước đi lịch sử của Việt Nam. Thành tựu này đã tạo hiệu ứng lan tỏa ứng dụng AI trong điều trị cho người bệnh.
Không chỉ vậy, trong những năm qua, BV đã đi sâu vào mổ bệnh lý như: mổ các loại u não, u tủy, phát triển kỹ thuật mổ động kinh, mổ co cứng do di chứng…, đồng thời phát triển các kỹ thuật mới mang tầm vóc khu vực.
Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, trong 5 năm qua, BV Nhân dân 115 và BV quận Thủ Đức nói riêng, ngành y tế TP nói chung, đã có những thành tựu to lớn trong khám, chữa bệnh. Nhất là trong đợt phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế TPHCM đã gây được tiếng vang lớn trong và ngoài nước, góp phần quan trọng vào công tác khám, điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 hiệu quả, xứng đáng là đơn vị xung kích của y tế Việt Nam. Bản thân ông Nguyễn Tấn Bỉnh cũng đã có nhiều đóng góp cho ngành y tế thành phố. Ông đã chỉ đạo triển khai mô hình phòng khám dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại trạm y tế, triển khai nhiều ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị, triển khai mô hình “Y tế thông minh”, xây dựng “Cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành y tế thành phố”. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Tấn Bỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM triển khai nhiều hoạt động, biện pháp đáp ứng kịp thời yêu cầu ngăn chặn dịch bùng phát trong cộng đồng.
Vì một thành phố thông minh
Cái tên Hoàng Trung Hiếu (nghiên cứu sinh Phòng Công nghệ phần mềm, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM) không mấy xa lạ đối với cộng đồng nghiên cứu khoa học tại TPHCM. Những công trình nghiên cứu của Hiếu đều tập trung vào ứng dụng AI với mong muốn tạo ra những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng. Trong đó, nổi bật là công trình “Xử lý hình ảnh camera giao thông” và “Phân đoạn đối tượng trong video cho phép tách tự động các đối tượng (xe, phương tiện giao thông, người, đồ vật…) từ video”. Hệ thống trên giúp theo vết các phương tiện giao thông, dựa vào hình dáng và các đặc điểm nhận dạng, tự động phát hiện các sự cố, hành vi bất thường xảy ra trên đường, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, có ý nghĩa lớn trong phục vụ thành phố thông minh. Hoàng Trung Hiếu còn có công trình “Phương pháp mới trong phân loại ảnh nội soi đường ruột”. Hệ thống giúp sàng lọc và phát hiện các bệnh thường gặp, các điểm giải phẫu trong ảnh nội soi và hỗ trợ đưa ra đề xuất các hình ảnh ở khu vực có nguy cơ bị bệnh cao cho bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh.
Với suy nghĩ phải luôn sáng tạo dù ở bất kỳ vị trí công việc nào, anh Nguyễn Hồng Thảo (công nhân Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé) đã có hơn 20 sáng kiến kỹ thuật, giúp người lao động cải thiện điều kiện làm việc và giúp công ty tiết kiệm hơn 200 triệu đồng/năm. Thảo cùng đồng nghiệp đã thiết kế những dụng cụ hữu ích phục vụ công tác lưu thông hàng hóa tại Cảng Bến Nghé như: thiết kế, cải tiến quy trình thay cáp thép nâng hạ ngáng cầu Gantry-QC; chế tạo cổng trục đẩy hàng bằng tay tải trọng nâng 2 tấn; chế tạo barrier bán tự động dùng cơ cấu truyền động dây đai trang bị cho cổng ra vào Cảng Bến Nghé. Không chỉ là “mồi lửa” cho phong trào sáng kiến tại đơn vị, Thảo còn là người tích cực trong truyền kinh nghiệm, hướng dẫn, bồi dưỡng đồng nghiệp để cùng nâng cao trình độ, tay nghề.
Khi những người trẻ áp dụng công nghệ tiên tiến để có những sáng kiến phục vụ xã hội thì những thế hệ nông dân đi trước bằng kinh nghiệm lại mày mò, tích lũy để sáng tạo theo cách của riêng mình. Một trong những người ứng dụng khoa học kỹ thuật gỡ khó cho nhà nông và làm nên nét mới của nông nghiệp đô thị phải kể đến ông Tống Hữu Châu, chủ trại cá Châu Tống (quận 12, TPHCM). Ông Châu đã phát triển trại cá cảnh của mình theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất cá giống theo phương pháp sinh sản nhân tạo. Ngoài xây dựng hệ thống cấp, thoát nước tự động hoặc bán tự động, ông còn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất và giao dịch. Chính những ứng dụng kỹ thuật mới đã giúp trại cá của ông Châu được xuất khẩu cá chép sang nhiều nước trên thế giới và là đơn vị thí điểm xây dựng mô hình thực hành quản lý tốt GMP’S. Không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương, doanh thu mỗi năm từ trại cá hơn 2,5 tỷ đồng, ông Châu còn là thầy giáo của nhiều nông dân, giúp nhiều hộ chuyển đổi nghề nghiệp và nâng cao tay nghề trong nuôi cá cảnh xuất khẩu.
Nhờ ứng dụng và đầu tư công nghệ, Công ty CP Thực phẩm Cholimex đã mở rộng sản xuất, vươn lên trở thành doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam về gia vị, nước chấm và thực phẩm đông lạnh. Hiện Cholimex có hơn 100 nhà phân phối chuyên nghiệp với hơn 80.000 điểm bán hàng, 3.500 điểm tại nhà hàng và 2.500 siêu thị lớn đang phân phối sản phẩm. Đây cũng là đơn vị 23 năm liền được bình chọn “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, nằm trong 100 thương hiệu mạnh được người tiêu dùng bình chọn. Đến nay sản phẩm của công ty đã xuất khẩu qua hơn 30 quốc gia, giúp thương hiệu hàng Việt Nam vươn tầm thế giới. |