Tiếp lửa Thiện Nhân

Vươn về phía ánh sáng
Tiếp lửa Thiện Nhân

Những ngày qua, Lửa Thiện Nhân - bộ phim tài liệu về cậu bé Thiện Nhân vừa lọt lòng mẹ đã bị bỏ rơi trong rừng, bị thú hoang ăn mất nhiều bộ phận cơ thể, vừa ra rạp đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận.

Bé Thiện Nhân (thứ ba trái sang) cùng bạn bè, người thân tham gia buổi công chiếu

Vươn về phía ánh sáng

Đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ: “Khi bắt tay thực hiện bộ phim này, chính tôi cũng chưa định hình rõ nét đường dây kịch bản như thế nào để hấp dẫn nhất. Tôi chỉ biết Thiện Nhân là một câu chuyện đẹp, đầy ắp tình người cần được lan tỏa, không chỉ với khán giả trong nước mà còn đến được cả với bạn bè quốc tế. Bởi lẽ, những triết lý về cái ác, điều thiện, tình thương yêu, lòng nhân ái thì dù ở phương Đông hay phương Tây cũng đều như nhau. Đó chính là niềm tin dẫn dắt tôi thực hiện bộ phim. Và tôi cũng tin rằng, mỗi khán giả xem phim dù có thể chưa giúp được gì cho nhau, nhưng ít nhất cũng sẽ mang đến cho nhau những ứng xử tử tế hơn, tốt đẹp hơn”.

Để có được những thước phim chân thực nhất về cuộc sống của mẹ con chị Mai Anh, bên cạnh những tư liệu quý giá của gia đình cung cấp, đạo diễn đã phải 3 năm đeo bám đối tượng. Và cuối cùng, sau 3 năm đằng đẵng, Lửa Thiện Nhân đã ra mắt và ngay lập tức gây xúc động với khán giả bởi tất cả những hình ảnh, dù là tái hiện cũng hết sức chân thực. 77 phút của phim là 77 phút khán giả khóc, cười cùng các nhân vật. Những giọt nước mắt có khi làm đau thấu tâm can, lại có khi làm rưng rưng hạnh phúc. Lần đầu tiên, nhiều khán giả được chứng kiến trọn vẹn hành trình gian khó đầy ắp những nỗi đau của Thiện Nhân, từ khi em sinh ra với cơ thể đầy kiến bu, thú vật ăn mất một chân và bộ phận sinh dục, đến những ngày đầu tiên được nhận nuôi, ghẻ lở đầy người, em ăn nhiều đến mức cả nhà phải giấu đồ ăn vì sợ em quá no. Mỗi cuộc phẫu thuật, mỗi chuyến đi, đến Thái Lan, Đức, Mỹ, Italia đều đem lại những cảm xúc dâng trào. Vui khi bé đứng được thẳng, vui khi bé có thể tè “bắn hết vào mặt mẹ”…

Đạo diễn Đặng Hồng Giang tâm sự, những thông tin, sự kiện, hình ảnh trong giai đoạn “nóng” nhất của câu chuyện đều diễn ra khi anh còn đang học ở nước ngoài. Khi về nước, tiếp xúc với nhiều thông tin từ báo chí, từ những phóng sự, phim ngắn của các đồng nghiệp về câu chuyện Thiện Nhân, đã có lúc anh cảm thấy bối rối bởi có quá nhiều thông tin, góc cạnh xoay quanh chú bé và các nhân vật chính của câu chuyện. 

Những cánh cửa tiếp nối

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở câu chuyện của Thiện Nhân, bộ phim đã không có sức lan tỏa như thế. Lửa Thiện Nhân đã nối dài tới nhiều số phận bất hạnh khác nhau, từ TPHCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Hòa Bình… đến rất nhiều tỉnh thành khác. Từ câu chuyện của “chú lính chì” Thiện Nhân, hàng ngàn trường hợp khuyết tật bộ phận sinh dục khác đã được các bố mẹ gửi đến chị Mai Anh, nhiều và đau đớn đến nỗi người mẹ này không dám gặp các bệnh nhân, vì chị muốn nén lại cảm xúc của mình. Người mẹ này tâm sự, hành trình chữa bệnh cho Thiện Nhân và sau này là nhiều em bé khác mà “Quỹ Thiện Nhân” giúp đỡ là một hành trình vô cùng mệt mỏi. Nhưng mỗi lần thấy chùn bước, chị lại thấy có người đẩy mình đi. “Tôi đã nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều người và hành trình ấy cứ tiếp tục mãi. Đã có khoảng 1.000 hồ sơ gửi đến chúng tôi và đó là những nỗi tuyệt vọng của các ông bố bà mẹ khi nghĩ về việc không có người nối dõi”, chị Mai Anh, mẹ nuôi của Thiện Nhân xúc động cho biết.

Điều lạ là tất cả những người trong câu chuyện về bé Thiện Nhân và đạo diễn Đặng Hồng Giang có tư tưởng giống nhau về “thiên định”, về tình nhân ái. Trong hành trình đi về phía ánh sáng của Thiện Nhân, không chỉ cậu đã gặp được những ông “bụt” như mẹ Mai Anh, GS Đinh Tuệ - Việt kiều tại Mỹ, ông Greig Craif (Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á) - người bị coi là “điên” khi kiên quyết tìm mọi cách chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhi; là bác sĩ Roberto DeCastro - người đến từ Italia với đôi bàn tay “vàng”, coi Việt Nam là nhà và sẵn sàng mổ miễn phí cho các bé; là nhà báo Lee người Singapore làm mọi cách để quyên góp hơn 100.000 USD cho Thiện Nhân và các bé bị khuyết tật bộ phận sinh dục có kinh phí chữa bệnh…

Ông trời không bao giờ đóng cửa với bất kỳ ai. Nếu cửa này đóng sẽ lại mở ra một cánh cửa khác, một lối thoát khác. Tới thời điểm này đã có 147 bé được phẫu thuật tạo hình lại bộ phận sinh dục thành công. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc 147 gia đình đã tìm lại được sự bình yên trong cuộc sống, để nước mắt của nhiều ông bố, bà mẹ không còn âm thầm chảy lặn vào trong và những đứa trẻ có thể ngẩng cao đầu khi đến lớn. Bác sĩ Roberto - người được yêu mến gọi là “ông bụt”, hứa năm nay sẽ tiếp tục sang Việt Nam, tiếp tục khám và phẫu thuật cho các bé; các bác sĩ Việt Nam hứa sẽ nhanh chóng nắm bắt lấy những thành tựu kỹ thuật tuyệt vời ấy... Và đó chính là sự nối dài của ngọn lửa thiện nhân.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục