Tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định ông Vũ Huy Hoàng

Sáng nay 23-11, Quốc hội đã nghe và thông qua các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định ông Vũ Huy Hoàng

(SGGPO). - Sáng nay 23-11, Quốc hội đã nghe và thông qua các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Ảnh: VGP

Phê phán và tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định ông Vũ Huy Hoàng

Tại Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã quyết nghị phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn. Quốc hội cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Quốc hội yêu cầu có sự giám sát chặt chẽ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường của dự án Formosa Hà Tĩnh, theo dõi và có biện pháp phục hồi môi trường biển, thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân trong vùng bị thiệt hại ở các tỉnh miền Trung; bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết của chủ dự án trước khi đi vào sản xuất.

Trong lĩnh vực Công thương, Quốc hội quyết nghị việc rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước. Cùng với đó là xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt đến thực hiện đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện và đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.

Xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trước năm 2019

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, thời gian vừa qua, các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế, trong đó có việc để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản khá lớn. Do vậy, để sớm khắc phục vấn đề này, Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã yêu cầu Chính phủ chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới. Đến nay, một số địa phương nợ đọng lớn đã chủ động có phương án xử lý cơ bản số nợ. Các địa phương tự cân đối ngân sách phải chủ động sử dụng ngân sách địa phương để cơ bản xử lý dứt điểm số nợ đọng trước tháng 6-2018.

Quốc hội cũng yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân người đứng đầu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định, có hành vi tham nhũng, trục lợi trong thực hiện chương trình.

Nghị quyết cũng đưa ra một số chỉ tiêu quan trọng như: phấn đấu đến năm 2020 cả nước có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, thu nhập bình quân khu vực nông thôn cả nước tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; có 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 40%...

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục