Tiết chế để tránh những hậu quả khôn lường

Tết là khoảng thời gian rất đặc biệt đối với người Việt. Mỗi dịp tết đến, xuân về cũng là dịp chúng ta thực hành nghi lễ truyền thống, cầu ước những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và cả xã hội. Việc đi lễ chùa, tham gia các lễ hội truyền thống trở thành nét sinh hoạt văn hóa ngàn đời, ăn sâu vào tâm thức của mỗi người với “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Bối cảnh xã hội hiện nay đã có nhiều thay đổi nhưng nhiều thói quen ngày tết vẫn còn được lưu giữ, thực hành. Bên cạnh những thói quen, thực hành tốt, tôn vinh giá trị truyền thống dân tộc cũng có không ít điều không còn phù hợp với nhịp sống, yêu cầu của xã hội đương đại. Chính vì thế, không chỉ năm nay mà trong nhiều năm qua, gần như năm nào Chính phủ cũng có công điện về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp tết.

Vẫn biết, đối với con người, động lực tinh thần là rất quan trọng. Khi tinh thần tốt, vui vẻ, chúng ta dễ đạt được thành công trong cuộc sống và ngược lại. Đó là lý do mỗi cá nhân, một cộng đồng hay cả xã hội luôn mong muốn có những khoảnh khắc giúp tinh thần có được sự thăng hoa, làm bệ đỡ tích cực cho cuộc sống. Nhưng điều cần lưu ý và phê phán là hiện tượng “trục lợi tâm linh”, dùng mọi biện pháp để lôi kéo, thu hút, có hành vi tạo ra mê tín dị đoan, thậm chí là lừa đảo người dân thực hành nghi lễ không cần thiết...

Sự mê tín biến thành cuồng tín của một bộ phận người dân không chỉ gây bất an cho xã hội mà còn gây tốn kém, lãng phí công sức, tiền bạc. Nếu giao phó toàn bộ công việc quản lý lễ hội cho ngành văn hóa thì các công cụ quản lý sẽ không đủ mạnh để có thể phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực.

Thực trạng báo động này đòi hỏi các cơ quan chức năng, nhất là ở địa phương, cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh, mang tính làm gương để trả lại môi trường trong lành cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.

Chúng ta vẫn đọc thấy những con số thống kê không vui về số lượng người tử vong vì tai nạn giao thông, các vụ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng và rất nhiều hành vi trục lợi, mê tín dị đoan trong mỗi dịp lễ tết. Trong không khí mọi người đều hướng đến những giá trị tốt đẹp, một năm mới nhiều niềm vui và hạnh phúc, những con số đó thực sự là những thông tin rất buồn, nhất là khi chúng ta luôn mong đợi một cái tết đoàn viên, an vui, đầm ấm, hạnh phúc cho mỗi gia đình và toàn xã hội.

Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30-1-2024 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024 chính là lời nhắc nhở mỗi người về thông điệp quan trọng của tết. Ở đó, ứng xử có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, tạo dựng một tinh thần lạc quan, tích cực làm tiền đề cho quyết tâm hành động để đạt hiệu quả cao nhất trong một năm dài trước mắt.

Tin cùng chuyên mục