Tìm cách giảm căng thẳng tại Venezuela

Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề chính trị và gìn giữ hòa bình, bà Rosemary DiCarlo, nhấn mạnh đối thoại và hợp tác là yếu tố hết sức quan trọng để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Venezuela.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại cuộc mít tinh ngày 24-1 kỷ niệm 61 năm lật đổ nhà độc tài Marcos Perez Jimenez
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại cuộc mít tinh ngày 24-1 kỷ niệm 61 năm lật đổ nhà độc tài Marcos Perez Jimenez

Vì hòa bình, thịnh vượng

Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ thảo luận về tình hình tại Venezuela vào ngày 26-1 (giờ New York), bà DiCarlo nhắc lại thiện chí của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres sẵn sàng giúp Venezuela giải quyết cuộc khủng hoảng, đồng thời nêu rõ mối quan tâm chính hiện nay là sự thịnh vượng của người dân Venezuela cũng như việc đảm bảo họ được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi. Quan chức LHQ này kêu gọi các bên tại Venezuela hợp tác và đối thoại nhằm chấm dứt tình hình đáng lo ngại hiện nay.

Cuộc họp trên được tổ chức chủ yếu theo yêu cầu của Mỹ và một số nước khác trong bối cảnh căng thẳng trên chính trường Venezuela đang ngày càng trở nên đáng báo động sau khi ông Juan Guaido, chủ tịch của quốc hội do phe đối lập kiểm soát, đã tự phong là “tổng thống lâm thời” của quốc gia Nam Mỹ này cho tới khi lập ra một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử ở nước này. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các phe phái chính trị ở Venezuela kiềm chế leo thang bạo lực, đồng thời cam kết đối thoại chính trị toàn diện và đáng tin cậy để giải quyết cuộc khủng hoảng. Bày tỏ quan ngại về những báo cáo thương vong trong các cuộc biểu tình tại thủ đô Caracas và các khu vực lân cận, người đứng đầu LHQ kêu gọi triển khai một cuộc điều tra minh bạch và độc lập về những thông tin trên.

Tránh can thiệp quân sự

Cuộc họp khẩn của LHQ cũng chứng kiến sự đối đầu trong quan điểm giữa Mỹ và Nga về tình hình Venezuela. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi LHQ công nhận ông Guaido là “tổng thống lâm thời” của Venezuela, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia đã bác bỏ quan điểm trên, chỉ trích Mỹ đang áp đặt “cách tiếp cận và phương pháp” riêng của nước này trong việc giải quyết các vấn đề hiện tại ở Venezuela.

Cảnh báo những lời đe dọa sử dụng vũ lực chống lại Venezuela sẽ làm tình hình thêm trầm trọng, ông Nebenzya cáo buộc Mỹ đang tìm cách gây ra một cuộc đảo chính tại Venezuela, cho rằng những hành động của Mỹ liên quan tình hình Venezuela là vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế. Đại sứ Nga bày tỏ Moscow “rất tiếc về việc Mỹ lôi kéo HĐBA LHQ vào vấn đề Venezuela theo một cách trái với đạo lý”. Nga cũng nói rằng nên tránh sự can thiệp quân sự vào Venezuela bằng bất cứ giá nào. Theo Reuters, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha ngày 26-1 đã ra “tối hậu thư” cho biết họ sẽ công nhận ông Guaido là tổng thống nếu Tổng thống Maduro không thực hiện cuộc bầu cử mới trong vòng 8 ngày. Nga tuyên bố “tối hậu thư” nói trên là vô lý và Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza gọi đó là “trò trẻ con”. Phát biểu trước HĐBA LHQ, ông Jorge Arreaza nói: “Châu Âu đang cho chúng tôi 8 ngày? Dựa vào đâu mà họ có quyền thiết lập một thời hạn hoặc tối hậu thư cho một nước có chủ quyền?”. Guinea Xích đạo và Nam Phi cũng phản đối cuộc họp của LHQ do Mỹ yêu cầu.

Về phần mình, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Mã Triều Húc cho biết Bắc Kinh phản đối mọi hành động của nước ngoài nhằm can thiệp vào tình hình nội bộ của Venezuela. Trong khi đó, theo hãng tin Sputnik (Nga), Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho rằng việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rời phòng họp trước khi kết thúc cuộc họp là bằng chứng cho thấy chiến thắng của Venezuela. Tổng thống Maduro khẳng định các nhóm nhân viên ngoại giao cuối cùng của Mỹ đã rời khỏi Venezuela. Ông cũng đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao Venezuela đàm phán với Mỹ về việc thành lập “văn phòng lợi ích chung” trong vòng 30 ngày. Venezuela nhắc lại rằng đề nghị đối thoại với chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn còn giá trị mặc dù chính quyền của ông ta đã chống lại Tổng thống Maduro.

Tin cùng chuyên mục