Tìm giải pháp đáp ứng nhu cầu học bán trú

Bước vào năm học mới, có một khó khăn cũ vẫn phải tiếp tục giải quyết là: tìm giải pháp đáp ứng được nhu cầu học bán trú.
Lớp học bán trú của học sinh 2 trường Lương Thế Vinh và An Hội ở điểm Trường dân lập Nguyễn Tri Phương
Lớp học bán trú của học sinh 2 trường Lương Thế Vinh và An Hội ở điểm Trường dân lập Nguyễn Tri Phương
Trong năm học 2017-2018, tại TPHCM, số học sinh tăng nhiều ở 2 bậc mầm non và tiểu học, tập trung tại các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Bước vào năm học mới, có một khó khăn cũ vẫn phải tiếp tục giải quyết là: tìm giải pháp đáp ứng được nhu cầu học bán trú.
Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Trần Văn Tịnh ghi nhận: “Hội đồng Trường Nguyễn Tri Phương đã nhiệt tình chia sẻ khó khăn cùng địa phương trên tinh thần xã hội hóa, giải quyết nhu cầu bức bách về chỗ học cho con em trên địa bàn. Nghĩa cử này rất đáng trân trọng”. 
Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực tăng cường đầu tư xây dựng trường lớp. Dự kiến trong năm học mới có thêm 1.479 phòng học mới đưa vào sử dụng. Chính quyền các địa phương đã có nhiều cách làm, kêu gọi xã hội hóa cùng chung tay tháo gỡ khó khăn với ngành giáo dục. Nhờ đó, tính đến thời điểm này, ngành giáo dục các quận - huyện đã cơ bản giải quyết đủ chỗ học cho toàn bộ số học sinh trong độ tuổi đến trường, sẵn sàng bước vào năm học mới. Một số địa phương tuy gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức học bán trú, vì số phòng học chỉ đủ đáp ứng cho học sinh học một buổi, nhưng đã rất năng động trong cách làm, đạt được kết quả đáng ghi nhận. 
Có thể kể đến cách làm hiệu quả của quận Gò Vấp. Ông Trần Văn Tịnh, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết: “Nghị quyết đại hội Đảng bộ quận đề ra nhiệm vụ đảm bảo 80% số học sinh tiểu học và THCS được học bán trú. Nhưng năm nay, số học sinh các phường 8, 9, 12, 14… thuộc tuyến 2 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh và An Hội tăng cao so với các năm, nhu cầu học bán trú vượt quá khả năng của nhà trường. Đây là bài toán khó! Lãnh đạo quận, phòng giáo dục và hiệu trưởng 2 trường đã cùng bàn cách tháo gỡ. Một giải pháp khả thi được đặt ra: UBND quận mời Hiệu trưởng Trường dân lập Nguyễn Tri Phương (đóng trên cùng địa bàn 2 trường Lương Thế Vinh và An Hội) để bàn việc hợp tác, chia sẻ khó khăn cùng ngành, tạo điều kiện cho toàn bộ học sinh có nhu cầu học bán trú được thỏa nguyện”. 
Cô Dương Hồng Thủy, Hiệu trưởng Trường dân lập Nguyễn Tri Phương, chia sẻ: “Thấy chuyện hợp tác, cho mượn cơ sở của trường, ai cũng tưởng chúng tôi sẽ thu khoản tiền cho thuê lớn lắm. Giờ thì các thầy cô giáo và phụ huynh cũng đã rõ, qua các thông báo công khai ở trường.
Năm học này, trường tổ chức dạy 14 lớp 1, với khoảng 600 học sinh, trong đó có 8 lớp bán trú và 6 lớp học một buổi. Đặc biệt, với các học sinh học một buổi, trường không thu một đồng nào và phụ huynh cũng không phải đóng một khoản nào; xem như trường cho mượn cơ sở vật chất. Đối với học sinh học bán trú, trường thu theo mức bán trú công lập 1.171.000 đồng/học sinh/tháng (gồm cả tiền ăn, tiền học tiếng Anh tăng cường, tin học và cả tiền phòng máy lạnh). Mức thu này chỉ để phục vụ chính học sinh và chi cho các bảo mẫu, giáo viên phục vụ bán trú. Các giáo viên dạy ở đây đều là biên chế của 2 trường An Hội và Lương Thế Vinh, nên vẫn lãnh lương bên trường của họ”. 
Đó là một cách làm năng động, có thể nhân rộng. Muốn duy trì việc hợp tác như vậy, lãnh đạo địa phương cần quan tâm hỗ trợ đầu tư thêm về cơ sở vật chất, sân chơi…, cũng như hỗ trợ điều kiện để trường hoạt động tốt và có lợi ích cho nhà đầu tư. Có như vậy, việc xã hội hóa giáo dục mới căn cơ và khả thi.

Tin cùng chuyên mục