Dần phục hồi
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, nếu như cuối quý 2-2020, tăng trưởng tín dụng mới 3,65% thì đến cuối quý 3-2020 đã đạt 6,08% và đến ngày 21-12-2020 tín dụng đã tăng 10,14%. Dư nợ tín dụng tăng thêm hơn 200.000 tỷ đồng trong tháng 12-2020, tương đương tổng dư nợ tăng thêm của tháng 10 và 11-2020. Theo NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng này phù hợp với mức độ mức hấp thụ của nền kinh tế, tập trung ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và các lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ. Việc này đã góp phần quan trọng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Về cơ bản, năm 2020, cầu tín dụng yếu do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nên tăng trưởng tín dụng thấp hơn những năm trước. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, năm qua NHNN đã làm khá tốt nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ, tạo điều kiện tối đa về hạn mức tín dụng (room) cho ngân hàng có “sức khỏe” tốt và còn dư địa tăng trưởng tín dụng. Việc này đã góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2020 ở mức 11-12%.
Theo đó, NHNN đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng 2020 lần thứ 2 trong 2 tháng cuối năm cho một số NHTM, mức cao nhất lên tới 30%. Cụ thể, VIB được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 30% năm 2020. Chỉ tiêu đầu năm của ngân hàng này là 10,5% và được nâng lên 19-23% ở lần điều chỉnh đầu tiên. TPBank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 28%, tăng so với mức 11,5% đầu năm. HDBank được nâng từ 11% lên 25% và MBB được tăng từ 11,75% lên 23%. Vietcombank cũng được nâng trần tín dụng từ 10% lên 14%. Việc nới room giúp ngân hàng có thêm dư địa cho vay, thúc đẩy giải ngân cuối năm. Sau khi được nới room, Vietcombank đã giảm lãi suất cho dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của các doanh nghiệp cả nước từ 15-12-2020 đến 15-3-2021. Đến hết tháng 11-2020, tín dụng tại ngân hàng này tăng 10% và dự kiến đạt 13-14% cả năm. HDBank cho biết sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng đặt ra và sẵn sàng đón cầu cho vay dịp Tết Nguyên đán sau khi được nới room.
Kích cầu cho vay
Nhu cầu chi tiêu tăng cao dịp Tết Nguyên đán là cơ hội vàng để ngân hàng thúc đẩy cho vay. Đây cũng là lý do thời gian gần đây, các ngân hàng đồng loạt tung ra các gói dịch vụ tín dụng tiêu dùng hấp dẫn, với lãi suất từ 5-7%/năm.
Cụ thể, ABBank đang có gói 2.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng cá nhân lãi suất 7,6%-8,5%/năm, đáp ứng nhu cầu vay mua nhà, mua ô tô, xây sửa nhà mới, tiêu dùng hoặc bổ sung vốn kinh doanh. MSB cũng có gói tín dụng 7.000 tỷ đồng lãi suất từ 6,99%/năm cho khách hàng cá nhân. SHB có gói tín dụng 8.000 tỷ cho khách hàng cá nhân vay và sử dụng tài khoản thanh toán SHB với lãi suất vay mua nhà đất điều chỉnh từ 7,5%/năm còn 6,5%/năm và lãi suất vay mua nhà dự án, mua ô tô, tiêu dùng còn 6,8%/năm.
Không chỉ kích cầu tiêu dùng qua gói cho vay cá nhân, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh chương trình chi tiêu qua thẻ nhằm kích cầu mua sắm. Cụ thể, chủ thẻ JCB của Ngân hàng Bản Việt sẽ được giảm 250.000 - 600.000 đồng khi mua hàng tại trang web thế giới di động, điện máy xanh và Tiki đến hết ngày 31-1-2021. Tương tự, chủ thẻ thanh toán Sacombank mua sắm trên Vnshop được giảm 100.000 đồng/lần, tối đa 2 lần/tuần; mua vé máy bay, đặt khách sạn qua ứng dụng Sacombank pay được giảm 200.000 đồng. Ngoài ra, chủ thẻ Sacombank khi thanh toán trực tuyến hoặc cà thẻ qua máy POS được hoàn tiền 1% với giao dịch quốc tế và 0,5% với giao dịch nội địa.
Ngoài kích cầu tiêu dùng, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều gói hỗ trợ phục vụ mùa cao điểm kinh doanh cuối năm như: Vietcombank dành 2.500 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đón mùa kinh doanh Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lãi suất từ 5,8%/năm, thời hạn dưới 3 tháng. Từ ngày 21-12-2020, ACB có gói tài chính ưu đãi 10.000 tỷ đồng, lãi suất vay thấp hơn trước khi có dịch đến 4%. Với động thái đón đầu tín dụng của các ngân hàng, NHNN dự ước cả năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt khoảng 11% so với năm 2019; đồng thời dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 12%.