Tín hiệu tích cực từ Đông Nam Á

Theo Viện nghiên cứu Carnegie Endowment (Mỹ), hoạt động du lịch và sản xuất kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á đang phục hồi sau những gián đoạn liên quan đến đại dịch Covid-19. Đây là tín hiệu lạc quan cho khu vực này trong năm 2022.
Nhiều hứa hẹn với du lịch Thái Lan trong năm 2022
Nhiều hứa hẹn với du lịch Thái Lan trong năm 2022

Quan trọng với cả thế giới

Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất được khôi phục. Ở Indonesia, nhịp độ xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh trở lại. Tại Thái Lan, 91.260 khách du lịch đã đến nước này vào tháng 11-2021. Thái Lan thường đón hơn 3 triệu du khách mỗi tháng trước khi có đại dịch. Tuy khoảng cách còn lớn nhưng có dấu hiệu cho thấy khách du lịch đến Thái Lan đang chi tiêu nhiều hơn, tạo nên sự chuyển biến tích cực cho các luồng thu nhập của nước này…

Viện Carnegie Endowment nhận định, tốc độ tăng trưởng của khu vực sẽ dần phục hồi trở lại trong năm nay. Nhiều quốc gia trong khu vực đã tăng cường tiêm vaccine Covid-19, hạn chế việc phong tỏa và thực hiện các biện pháp ngăn chặn nhẹ nhàng hơn. Kết quả là khu vực tư nhân đang hoạt động trở lại, các chuỗi cung ứng vốn gặp khó khăn đang phục hồi, cho phép nền kinh tế bình thường hóa và doanh thu của chính phủ tăng lên.

Đông Nam Á là trung tâm sản xuất quan trọng đối với hàng điện tử và hàng hóa thâm dụng lao động. Với vai trò quan trọng của Đông Nam Á trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kết quả hoạt động của khu vực này trong năm 2022 không chỉ có ý nghĩa quan trọng với 655 triệu người trong khu vực mà còn với toàn thế giới.

Vẫn còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, Viện Carnegie Endowment cũng cho rằng, Đông Nam Á không nên hài lòng, bởi còn nhiều thách thức. Thứ nhất, du lịch sẽ chưa bình thường hoàn toàn trong năm 2022, ngay cả khi khu vực này thúc đẩy việc mở cửa trở lại. Điều này đặc biệt đúng với khách du lịch Trung Quốc, chiếm khoảng 1/3 tổng số du khách trước đại dịch, hiện chưa thể đi đâu. Biến thể Omicron đã làm chệch hướng việc mở cửa, dù là tạm thời, bởi nhiều nước đã trì hoãn việc cấp thị thực kèm điều khoản miễn cách ly cho du khách, khiến con đường hướng tới mở cửa đón khách quốc tế trở lại vẫn còn đầy chông gai.

Thứ hai, trong khi Đông Nam Á đang phải giải quyết tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng để hướng tới bình thường hóa sản xuất và xuất khẩu, thì nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, nhất là ở Trung Quốc. Sự giảm tốc ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong năm 2022.

Thứ ba, các điều kiện tài chính của bên ngoài (do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dẫn đầu) đang bị thắt chặt và tác động đến khu vực với việc các ngân hàng trung ương Đông Nam Á tăng lãi suất. Khu vực có thể chấp nhận việc tăng nhẹ lãi suất, nhưng một chu kỳ dữ dội hơn nhiều có thể làm chệch hướng đáng kể quá trình phục hồi, nhất là khi các khoản nợ tăng.

Thứ tư, nhu cầu trong nước tăng trong năm 2022 sẽ đẩy mức tiêu thụ năng lượng của Đông Nam Á cao hơn, gây áp lực lên khả năng cân bằng giữa nhu cầu cung cấp năng lượng ngắn hạn và các mục tiêu dài hạn về tăng trưởng bền vững hơn thông qua năng lượng sạch.

Cuối cùng, chính trị trong nước và địa chính trị là một mối quan tâm của khu vực trong năm nay. Philippines sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 5, trong khi Malaysia có thể tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trong năm nay. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc mang đến cả thách thức và cơ hội cho Đông Nam Á, nhất là khi mối quan hệ giữa hai cường quốc vẫn mang tính đối đầu mạnh mẽ.

Viện nghiên cứu của Mỹ kết luận, sự thận trọng là điều khôn ngoan. Đông Nam Á có thể sẽ phải đối mặt với môi trường bên ngoài nhiều thách thức hơn, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư phải cảnh giác để điều hướng sao cho phù hợp hơn.

Tin cùng chuyên mục