(SGGPO).- Hội nghị lần thứ 7 Hội đồng liên quốc gia về bảo tồn văn hóa phi vật thể UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp), đã chính thức xác nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vào lúc 18 giờ 10 phút giờ Việt Nam ngày 6-12, với số phiếu tuyệt đối 24/24.
Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một trong 37 hồ sơ được xem xét và bỏ phiếu chọn làm di sản phi vật thể tiêu biểu của nhân loại trong kỳ họp thứ 7 của Hội đồng liên quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại UNESCO. Để trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, các hồ sơ phải đáp ứng 5 tiêu chí nghiêm ngặt do UNESCO đề ra như tính cấp bách hay tính đại diện, có sự thực hành tốt nhất trong đời sống, có sức lan tỏa và khích lệ…
Đánh giá về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam, bà Cecile Duvelle, đại diện phụ trách báo chí UNESCO, cho biết: “Việt Nam đã rất tích cực từ lâu và năm nay đến lượt Việt Nam cho thế giới thấy những gì các bạn đã làm, những nỗ lực tổng thể, hoạt động của các ủy ban, các viện bảo tàng. Rõ ràng, Việt Nam là một hình mẫu cho thấy không phải quốc gia giàu có nhất mới đưa ra được những biện pháp bảo tồn tốt nhất. Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được làm rất tốt”.
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước với niềm tin cả dân tộc có cùng chung một giống nòi “con Rồng cháu Tiên”, cùng chung một nguồn cội (Tổ). Bởi thế, hàng ngàn năm qua, lễ giỗ Tổ được tổ chức đều đặn vào ngày mùng 10-3 Âm lịch. Với việc đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể, UNESCO không chỉ muốn vinh danh đời sống tâm linh của người Việt mà còn muốn khuyến khích các dân tộc khác, qua tấm gương của Việt Nam, thực hiện việc thờ cúng tổ tiên.
VĨNH XUÂN