Tin vui cho kinh tế Nhật Bản

Theo hãng Reuters, trong phiên giao dịch ngày 22-2, chỉ số chứng khoán Nikkei đã đạt mốc cao nhất lịch sử, xô đổ kỷ lục xác lập cách đây 34 năm. Kỳ vọng về một năm nữa các doanh nghiệp Nhật Bản đạt lợi nhuận kỷ lục và trở lại lộ trình tăng trưởng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Hút nhà đầu tư

Ngay đầu phiên giao dịch chiều cùng ngày (theo giờ Nhật Bản) trên sàn chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei 225 đã tăng hơn 760 điểm, lên 39.029, vượt mốc kỷ lục 38.957,44 điểm ghi nhận vào tháng 12-1989.

w8c-8116.jpg
Nhật Bản chi nhiều tiền để xây dựng lại ngành sản xuất chip. Ảnh: REUTERS

Theo Bloomberg, các công ty Nhật Bản đã ghi nhận lợi nhuận hàng quý lập kỷ lục trong quý 4-2023, củng cố đà tăng của chỉ số Nikkei 225 lên gần mức đỉnh lịch sử. Thu nhập ròng tại các công ty trong chỉ số Topix 500 đã tăng 46% so với năm trước, lên mức kỷ lục 13,9 ngàn tỷ yen (93 tỷ USD) trong quý 4-2023. Ngoại trừ Softbank Group có thu nhập không ổn định do đầu tư mạnh vào các công ty công nghệ toàn cầu, lợi nhuận của các công ty trong chỉ số này vẫn tăng 25%.

Thu nhập tăng mạnh cho thấy mặc dù các chỉ số chính của chứng khoán Nhật Bản đã lên cao kỷ lục nhưng vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng tiếp. Các nhà đầu tư nước ngoài như BlackRock, Robeco Institutional Asset Management, Warren Buffett đều bày tỏ sự lạc quan đối với chứng khoán Nhật Bản. Kết quả khảo sát của hãng Reuters công bố ngày 22-2 cho hay, các nhà phân tích chứng khoán đã nâng dự báo cuối năm 2024 từ mức 35.000 điểm (thời điểm tháng 11-2023) lên 39.000 điểm.

Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda ở Tokyo, nhận định thị trường chứng khoán Nhật Bản có động lực để tăng cao hơn nữa và hướng tới mốc 40.000 điểm. Điều này phần nào cho thấy sức hút dòng tiền từ nước ngoài của thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Công nghiệp bán dẫn khởi sắc

Những nỗ lực của Nhật Bản trong việc xây dựng lại ngành công nghiệp bán dẫn đang thu được những kết quả tốt khi ngày càng có nhiều công ty chip từ lãnh thổ Đài Loan mở rộng hoạt động tại xứ phù tang. Theo Reuters, những chuyển động trên diễn ra trong bối cảnh các liên minh và ưu tiên trong ngành công nghiệp chip toàn cầu đang thay đổi, khi Mỹ nỗ lực kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn tinh vi và tăng cường quan hệ đối tác giữa các đồng minh.

Theo số liệu của Reuters, ít nhất 9 công ty chip của lãnh thổ Đài Loan đã thành lập cửa hàng hoặc mở rộng hoạt động tại Nhật Bản trong 2 năm qua. Nhiều công ty khác cũng đang xem xét việc tăng cường sự hiện diện hoặc thực hiện bước đột phá đầu tiên để tiến vào thị trường Nhật Bản.

Dù Nhật Bản vẫn tự hào là nhà sản xuất vật liệu và thiết bị bán dẫn hàng đầu thế giới, nhưng thị phần của nước này trên thị trường sản xuất chip toàn cầu đã giảm xuống còn 10% từ mức 50% vào những năm 1980 sau căng thẳng thương mại với Mỹ, cùng sự cạnh tranh từ các đối thủ Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan. Tuy nhiên, những năm gần đây, Nhật Bản đã chi những khoản tiền khổng lồ để xây dựng lại lĩnh vực sản xuất chip của mình, khi Tokyo nhận ra rằng chất bán dẫn rất quan trọng đối với an ninh kinh tế.

Ngày 24-2, tập đoàn chip khổng lồ của lãnh thổ Đài Loan TSMC sẽ khai trương nhà máy đầu tiên trên đảo Kyushu, phía Nam Nhật Bản. TSMC cũng đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai tại Nhật Bản, nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 20 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục