Từ ngày 1-1-2015, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có hiệu lực. Nhiều chuyên gia pháp lý đã bàn sâu những điểm mới của luật này, với những điểm tiến bộ rõ nét, như quy định nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn, nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, đồng thời nâng chất lượng gia đình cũng như chất lượng sinh sản. Hay quy định nam nữ có quyền thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cũng như yêu cầu về bình đẳng giữa nam và nữ…
Các quy định này một mặt bảo đảm tính đồng bộ với các quy định khác hiện hành (như Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự…, nhất là về độ tuổi thành niên, độ tuổi có đầy đủ năng lực hành vi…), mặt khác thể hiện những quan điểm có tính chiến lược về yêu cầu nâng cao chất lượng, sự bền vững của hôn nhân và gia đình.
Ở góc độ xã hội, nhiều người nhìn nhận Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có nhiều điểm thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Đó là quy định về mang thai hộ (tất nhiên có những ràng buộc nhất định, như phải cùng hàng chị hoặc em của người nhờ mang thai hộ; người được nhờ mang thai hộ nếu có chồng thì phải được chồng đồng ý bằng văn bản; trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên…), nhằm mục đích nhân đạo, áp dụng cho các cặp vợ chồng khó khăn trong việc sinh con.
Trên thực tế, đây là một vấn đề không còn tính cá biệt mà đã mang tính xã hội rộng rãi, do đó, quy định này không chỉ gỡ khó cho những cặp vợ chồng có nhu cầu mà còn góp phần quan trọng vào việc hạn chế tình trạng mang thai thuê hoặc các hình thức tương tự, vốn xảy ra nhiều rắc rối pháp lý cho những người có liên quan, đồng thời có thể gây ra những thiệt thòi cho phụ nữ và trẻ em.
Hay quy định tại Điều 8: “Không cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính, nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân của họ” cũng là một bước tiến dài về mặt pháp lý, từ đó góp phần quan trọng vào việc tạo ra nhận thức mới của người dân về vấn đề này. Thời gian qua, dư luận xã hội vẫn ít nhiều cho rằng hôn nhân đồng giới có gì đó “dị hợm”, “bất bình thường”, “phi tự nhiên”…
Tuy nhiên, hiện nay điều này đang dần được thay đổi; hiện xã hội có không ít người “có vấn đề” về giới tính, trừ những người lệch lạc giới tính do bị ảnh hưởng, hoặc cố ý lừa gạt người khác, thực chất có khá nhiều người bị khuyết tật về giới tính. Tức là, họ không xác định được giới tính hoặc giới tính họ bị ghi sai (do không phù hợp về hình thức bên ngoài với các đặc điểm sinh học bên trong); xét cho cùng đó là một sự thiệt thòi của họ. Do đó, không cấm hôn nhân đồng giới là một tiền đề quan trọng để có thể tiếp tục xem xét công nhận hình thức hôn nhân này trong thời gian tới, khi mà điều này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện.
Ngoài ra, một số quy định khác cũng thể hiện tính nhân văn rõ nét. Chẳng hạn, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn như trước đây, thì luật mới cho phép cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ (Điều 51). Rõ ràng đây là một sự hỗ trợ cần thiết để “giải thoát” khỏi hôn nhân không hạnh phúc.
Hay quy định về áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình được nêu rõ, chỉ được áp dụng tập quán trong trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận nhưng không được trái với các nguyên tắc, vi phạm các điều cấm tại luật này. Trước đây, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 chỉ quy định: “Vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng quan hệ hôn nhân và gia đình tiến bộ”.
Quy định này thiếu cụ thể, tạo nhiều kẽ hở, bất cập, gây khó khăn cho tòa án khi xét xử các vụ án về hôn nhân gia đình mà phải áp dụng các phong tục tập quán. Do đó, với một số khu vực, một số dân tộc, khi xử lý vấn đề hôn nhân và gia đình có thể gặp nhiều khó khăn. Nay với quy định này, việc áp dụng pháp luật được chặt chẽ hơn, triệt để hơn.
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có nhiều tiến bộ. Nhưng để luật thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự tuyên truyền rộng rãi, nhất là các điểm mới, các điểm tiến bộ rõ nét. Đồng thời, các cơ quan chức năng, cá nhân có trách nhiệm về xử lý các vấn đề liên quan đến luật này cần nắm chắc luật, áp dụng chính xác để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan.
TRỊNH MINH GIANG