Tình quân dân nơi vùng biên

Tình quân dân nơi vùng biên

Mưa đầu mùa ở Đăk Nông như những nhát chổi quét trắng xóa từ phía Đông sang bên Tây, làm cây rừng ôm chặt lấy nhau, cong lưng trong làn nước trắng xóa.

Lần này lên Tây Nguyên, đại tá Lê Văn Thông, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Đăk Nông nói với tôi: “Muốn hiểu mưa Tây Nguyên phải lên Cư Jút, Đăk Min, Đăk Buk So. Mưa ở đó mới có hồn. Nó hào hoa, phong độ mang theo tất cả sự hùng vĩ, bao la và tâm hồn của Tây Nguyên”.

Hình như đã đọc được những suy nghĩ của tôi, anh Thông mời chào: “Nếu cậu thích, xin mời lên biên giới, tha hồ mà nghe mưa kể chuyện về những người chiến sĩ biên phòng đang cùng đồng bào Mơ Nông, Mường, Dao, Tày, Nùng, Kinh… xây dựng và bảo vệ biên cương tươi đẹp”.

Tình quân dân nơi vùng biên ảnh 1

Bộ đội biên phòng với già làng Điểu Gay ở bon N’Drung.

Đường lên huyện Tuy Đức quanh co như một con sông nhạc, đầy những giai điệu dạt dào, vời vợi và chót vót. Tôi còn nhớ có ai đó nói những con đường ở Tây Nguyên là những cung bậc tình yêu.

Quả đúng vậy, cảm giác lắc lư, ngất ngây làm cho tâm hồn tôi hòa vào đất trời, cây lá. Rừng núi Tuy Đức xanh thẫm, rất nhiều chỗ có vẻ còn nguyên sơ như thời Đam Sam và Sinh Nhã yêu nhau.

Tuy Đức là một vùng đất mới, màu mỡ, mơn mởn nhưng cũng không dễ để biến nơi đây thành một vùng trù phú và phát triển. Đã bao năm nay, núi tựa đầu vào mây, rừng cười đùa trong mưa lũ như muốn thách thức con người chinh phục được chúng. Và đó cũng là lý do để người Kinh, người Mường, người Nùng… lũ lượt kéo nhau về Tuy Đức cùng người Mơ Nông làm bạn với núi rừng.

Gần đến đồn biên phòng Tuy Đức thì trời lại mưa. Cơn mưa chiều đỏng đảnh vừa òa khóc lại ngưng, làm cho cảnh núi rừng loang lổ màu tối sáng. Một lúc sau, trời đen kịt lại. Nước từ trên cao đổ xuống ầm ầm làm như đất trời lại chuẩn bị một lần khai thiên, lập địa khác. Năm ngoái, một cô giáo ở xã Đăk Buk So đã kể cho tôi nghe ngày cô mới đặt chân lên vùng đất treo lưng chừng này. Hôm ấy trời mưa rất to. Cô phải đi bộ hơn 5 km đường nhầy nhụa mới vào được đến trường là một dãy nhà tranh nhỏ nằm lọt thỏm giữa một bon nghèo của người Mơ Nông.

Mới 5 giờ chiều, mà cô ngỡ như đang lúc nửa đêm. Mây vẫn vũ, mang theo hàng núi nước đặt ngay trên nóc nhà tranh mỏng manh. Và mưa lại ập xuống. Tiếng sấm sét thi nhau nổ ùng oàng như pháo kích. Căn nhà nhỏ của cô nước tràn vào như thác. Không gian lúc thì đen ngòm, lúc thì lập lòe như ma chơi. Cô ôm mặt khóc nấc, khi các bạn mình đang thi nhau tát nước từ trong nhà ra sân.

Lần này gặp tôi, cô giáo Nguyễn Thị Đảm tươi như đóa hoa Pơ Lang mới nở. Cô khoe với tôi là đang chuẩn bị tổ chức lễ cưới với một chàng biên phòng. Đó là một sĩ quan trẻ, người đã giúp cô làm quen với những cơn mưa rừng.

Tôi đã nghe nhiều người kể về Thượng tá, đồn trưởng Nguyễn Văn Thọ. Anh được đồng đội và nhân dân trong vùng gọi là: “Già làng biên phòng” ở Tuy Đức. “Già làng” không chỉ vì anh đã có cả 20 năm gắn bó với núi rừng biên giới này, mà “già làng” còn ở nghĩa anh thân thiết, am hiểu bà con dân tộc ở đây như những người ruột thịt trong gia đình mình.

 Nguyễn Văn Thọ lừng lững như một cây gõ lớn trong rừng. Làn da nhuộm đầy màu nắng, đôi mắt long lanh, bờ môi lúc nào cũng như muốn cười, trông anh đúng là giống một già làng Mơ Nông hơn là một sĩ quan biên phòng. Suốt núi rừng biên giới này, chẳng nơi nào là không có bước chân của anh.

Tôi hỏi Nguyễn Văn Thọ: “Trực ở Tuy Đức mãi thế này, vợ con nhớ lắm phải không?”. Anh cười khì khì, nói cái giọng rặt Thanh Hóa: “Nhớ thì làm được gì”. Chẳng cứ gì Nguyễn Văn Thọ, mà tất cả sĩ quan đã xây dựng gia đình của đồn Tuy Đức, vợ con cũng phải để ở phía sau hết. Nhớ nhà, các anh lại ngắm mưa, hay rảo bước tuần tra biên giới. Có người nhớ quá, thì vào bon thăm đồng bào Mơ Nông. 

Ngớt mưa, thiếu tá Phan Trọng Tuệ, chính trị viên đồn Tuy Đức cùng anh em của đội công tác đã đưa tôi xuống địa bàn. Xã Đăk Buk So cách đồn biên phòng hơn 2km là mái nhà của 6 dân tộc anh em. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thành là người đồng hương với tôi. Anh đã đưa vợ con từ Hải Dương vào Tây Nguyên từ 15 năm trước.

Điều làm cho Nguyễn Văn Thành vui mừng là bà con trong xã đã thực hiện tốt phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị cao, như trồng cây khoai lang Nhật Bản để xuất khẩu, sắn cao sản, bắp lai, cà phê... Năm 2007 vừa qua, tổng sản phẩm xã hội của xã đã đạt gần 70 tỷ đồng, bình quân thu nhập là 6,3 triệu đồng/người/năm.

Gặp tôi, anh Thành hồ hởi: “Chúng tôi còn phải nhờ bộ đội biên phòng rất nhiều. Bộ đội biên phòng đã ra tận nương rẫy hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây trồng, bảo vệ rừng, chăn nuôi bò, heo, dê và đào ao thả cá”.

Chủ tịch Nguyễn Văn Thành nhớ lại cái ngày mà bà con Đăk Buk So còn bị cái đói hoành hành. Hồi đó có ai biết trồng cà phê, trồng điều, trồng hồ tiêu đâu. Nhiều người ngoài Bắc mới vào chỉ quen trồng lúa nước. Nhưng ở đây địa hình mấp mô, uốn lượn, lấy nước đâu mà tưới? Một năm trăn trở với một vụ lúa, đói là phải. Đúng lúc ấy thì bộ đội biên phòng về xã. Các anh giúp đồng bào người Kinh trồng cà phê, trồng hồ tiêu, trồng điều, giúp bà con Mơ Nông làm nhà, làm đường và tìm con giống.

Ngày này qua tháng khác, lúc nào cũng thấy màu xanh biên phòng trên nương rẫy và trong trong nhà dân. Có các anh, những ruộng bắp lai, đồi cà phê, vườn điều, vạt hồ tiêu cứ vươn lên xanh tốt và đơm hoa, trĩu quả. Có bộ đội biên phòng, người Mơ Nông đã làm ra hạt gạo để ăn, có con heo, con bò để nuôi. Một năm, hai năm…rồi ba năm, những ngôi nhà mới trong các bon đã mọc lên thay thế cho những túp lều cũ nát. Người già cười, trẻ con cười, cả bon đều cười vì cái bụng đã no, cái đầu đã sáng.

Sau cơn mưa, già làng Điểu Gay của bon N’Drung cứ bồn chồn ra ngó, vào trông. Vợ ông cũng sốt ruột không kém. “Sao mấy hôm nay không thấy mấy đứa con biên phòng vào bon với mình?”. Già làng muốn đãi các con biên phòng nồi khoai đầu mùa, vì chúng nó đã cùng gia đình ông vất vả nhiều ngày ngoài ruộng…

- Này, tụi thằng Trọng đến phải không kìa? – Vợ già làng chỉ tay ra con đường nhựa phía trước.

- Đúng tụi nó rồi. Bà đun nồi khoai lên thôi.

Mới gặp thiếu tá Phan Trọng Tuệ, già làng Điểu Gay nói ngay: “Các con à, bố trồng cây khoai lang mùa này thắng to rồi. Mai thằng Trọng rảnh, cho mấy đứa ra ruộng thu hoạch giúp bố nhé”.

Ngày xưa, nhà già làng Điểu Gay nghèo lắm. Nghèo đến nổi phải vào rừng đào củ thay cơm. Mấy đứa con của ông cũng phải theo cha mẹ đi rừng kiếm củi về bán. Thế mà từ khi có bộ đội biên phòng về bon, nhà ông và các hộ gia đình của bon N’Drung này đã được đổi đời. Những mùa lúa, mùa bắp, mùa hồ tiêu và bây giờ là mùa khoai lang xuất khẩu bội thu, đã giúp già làng có căn nhà gỗ khang trang này. Không chỉ vậy, ông còn mua được chiếc ti vi 21 inches, mua được chiếc xe máy gần 20 triệu đồng mới tinh.

Có bộ đội, có cô giáo người Kinh, lũ trẻ con được học cái chữ của Bác Hồ. Mấy đứa cháu ông, mới 8 - 9 tuổi đã biết đọc sách, đọc báo. Có đứa đã học ở trên trường của huyện, sau này còn đi học nữa để làm cô giáo, bác sĩ. Hồi này bị ốm đau, sinh đẻ, người dân không cần cúng con ma rừng nữa. Tất cả đều đưa đến Trạm y tế quân – dân y của xã. Ở đó, bộ đội sẽ khám, chữa bệnh giúp. Ai bệnh nặng quá, bộ đội vào tận nhà để khám và cho thuốc. Sao mà vui cái bụng quá…

Phú Hưng

Tin cùng chuyên mục