Tình trạng di cư tự do đã giảm mạnh

Tập hợp thống kê từ các địa phương, trong cả giai đoạn 2015 – 2020 chỉ còn 3.293 hộ di cư tự do, giảm 10 lần so với cùng thời gian giai đoạn trước 2015. Nhiều huyện, xã trước đây là điểm nóng nay không có dân di cư mới đến.

Trong báo cáo vừa được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết, nhằm giải quyết tình hình di cư tự do, các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất đã được lồng ghép và quan tâm bố trí khoảng 2.637 tỷ đồng từ ngân sách trung ương (trong tổng số 2.784 tỷ đồng thực hiện).

Trên thực tế, tình trạng di cư tự do đã giảm mạnh. Tập hợp thống kê từ các địa phương, trong cả giai đoạn 2015 – 2020 chỉ còn 3.293 hộ di cư tự do, giảm 10 lần so với cùng thời gian giai đoạn trước 2015. Nhiều huyện, xã trước đây là điểm nóng nay không có dân di cư mới đến.

Nhìn chung, các địa phương đã bố trí, sắp xếp ổn định đời sống cho người dân di cư (6.566 hộ, đa số các hộ chưa được giải quyết là di cư đến trước năm 2015).

Tuy nhiên, đến năm 2020, vẫn còn 20.294 hộ chưa được bố trí, sắp xếp vào nơi quy hoạch và giải quyết chính sách, trong đó Tây Nguyên có 18.382 hộ, chiếm 90,6%. Tỷ lệ nghèo còn cao, với thu nhập bình quân của người dân vùng di cư chưa bằng 50% bình quân chung của cả nước. Công tác tuyên truyền, vận động người dân còn hạn chế; việc quản lý địa bàn, quản lý dân cư ở một số địa phương chưa chặt chẽ; đời sống của một bộ phận người dân di cư tự do còn gặp nhiều khó khăn, việc phục hồi sản xuất chưa bền vững; thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu nước và điện sinh hoạt, thiếu các điều kiện sinh kế, thu nhập thấp; tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép ngày càng diễn ra phức tạp; việc kinh phí thực hiện chương trình, dự án còn hạn chế và manh mún, chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu vốn. Chính sách hỗ trợ di dân chậm được đổi mới.

Nhận định rằng để quản lý tốt tình trạng di dân tự do, cần gắn công tác này với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chính phủ cho hay, việc xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 – 2020 đã làm thay đổi hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế nông thôn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tin cùng chuyên mục