Ông Hà Đình Nếch, Trưởng bản làm du lịch ở bản Kho Mường (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), kể: “Các di tích thắng cảnh sau khi đưa vào kinh doanh khai thác đã bị làm biến dạng, mất đi vẻ đẹp nguyên sơ vốn có. Có không ít du khách Việt Nam khi đến các điểm tham quan di tích của đất nước mình lại làm hủy hoại vẻ đẹp thiên nhiên và tàn phá di tích”.
Thực vậy, tại nhiều khu du lịch ở nước ta, vẫn thường thấy có những du khách trong nước có hành vi phản cảm, thể hiện sự thiếu ý thức giữ gìn môi trường du lịch.

Tại Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình), một số du khách đã trèo lên cây vặt quả, bẻ cành chỉ để thỏa tính tò mò, sau khi xem quả, chụp ảnh, họ liền vứt ngay.

Ở các điểm dừng chân, du khách vứt nhiều vỏ lon bia, chai nước, bao ni lông, vỏ kẹo, đầu mẩu thuốc lá… Tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), sau khi ngồi nghỉ, ăn uống, du khách xả rác rất bừa bãi.

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên rừng Khe Rỗ (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang), nhiều du khách đốt lửa nướng thịt cá, khói bốc lên mù mịt khắp cánh rừng nguyên sinh. Tàn cuộc vui, các khúc gỗ cháy dở bị vứt lại chỏng chơ.

Xung quanh đền Chúa mẫu Thượng Ngàn trên đỉnh Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) có một vườn trúc đẹp, nhưng nhiều du khách đến đây lại dùng dao, đồ sắc nhọn mang theo để khắc tên mình hoặc vẽ, chặt chém vô tội vạ lên những thân trúc, khiến rừng trúc trở nên xấu xí.
N

gay quả chuông và tấm bia cổ ở chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) cũng bị du khách vẽ nhem nhuốc, làm xấu nét cổ kính của ngôi chùa.
DƯƠNG HẢI