Tình trạng xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng đang gia tăng !

Nhìn người, ngẫm ta
Tình trạng xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng đang gia tăng !

Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông liên tục đăng tải thông tin về khiếu nại của người tiêu dùng (NTD) liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng. Từ sản phẩm sử dụng hàng ngày như vòi nước, máy hút bụi, điện thoại di động, đến các mặt hàng liên quan đến sức khỏe như mỹ phẩm, sữa, nước giải khát, hạt nêm và những sản phẩm “độc quyền” như điện, nước… Đáng buồn là dường như thực trạng này có dấu hiệu gia tăng, trong khi các cơ quan chức năng lại chưa thật sự “sẵn sàng” để bảo vệ quyền lợi NTD.

Nhìn người, ngẫm ta

Tình trạng xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng đang gia tăng ! ảnh 1

Lực lượng chức năng bắt quả tang việc tiêu thụ mắt kính giả tại TPHCM. Ảnh: C.T.V.

Cần nhắc lại trường hợp một NTD tại Hàn Quốc khi phát hiện đầu chuột trong gói snack tôm của Công ty Thực thẩm hàng đầu của Hàn Quốc - Nongshim vào đầu năm 2008, người này ngay lập tức khiếu nại đến hãng đòi bồi thường và nhà sản xuất đã phải thu hồi toàn bộ sản phẩm snack tôm có liên quan. Mặc dù Công ty Nongshim phải chính thức xin lỗi khách hàng và thu hồi sản phẩm snack của công ty trên toàn quốc nhưng các cơ quan chức năng của Hàn Quốc (Cơ quan Quản lý thực và dược phẩm Hàn Quốc - KFDA) cũng vào cuộc và tiến hành thanh tra nhà máy sản xuất sản phẩm này tại Trung Quốc.

Vụ việc này cho thấy, trong nhiều trường hợp, việc xâm phạm quyền lợi NTD không chỉ liên quan đến một người dù khiếu nại thường xuất phát từ một cá nhân. Do vậy, xã hội rất cần những NTD dũng cảm đứng ra đấu tranh đòi quyền lợi cho mình. Trong khi đó, tổ chức chuyên bảo vệ quyền lợi của NTD như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam cho đến nay vẫn đóng một vai trò hết sức hạn chế trong việc bảo vệ NTD.

Công bằng mà nói, hội đã hết sức cố gắng trong việc tiến hành các hoạt động hòa giải, khiếu nại thay mặt cho NTD, nhưng do thiếu kinh phí lẫn đội ngũ cán bộ làm việc nên không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Ngay cả khi tiếp nhận vụ việc, cùng lắm tổ chức này cũng chỉ dừng lại ở mức độ hòa giải giữa các bên bởi vì họ không có đủ chuyên viên am hiểu pháp lý và tư cách pháp lý để theo đuổi các vụ kiện tại tòa án. Do vậy, có thể xem vịệc bảo vệ quyền lợi của NTD đang bị bỏ ngỏ. Đây là một thực trạng đáng buồn khi mà chúng ta đang “hô hào” bảo vệ quyền lợi cho NTD.

Tự bảo vệ là chính

Về góc độ quản lý Nhà nước, theo Nghị định 06/2006/NĐ-CP ngày 9-1-2006 của Chính phủ và Quyết định số 27/2006/QĐ-BTM của Bộ Thương mại ngày 28-8-2006, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương là cơ quan được Nhà nước giao trách nhiệm thống nhất quản lý và bảo vệ quyền lợi NTD trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, Ban Bảo vệ NTD mặc dù có chức năng thụ lý khiếu nại, tố cáo đối với hành vi, vi phạm pháp luật về bảo vệ NTD nhưng chỉ có quyền đề xuất Cục trưởng giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Điều này đã làm giảm đáng kể vai trò của Ban Bảo vệ NTD trên thực tế.

Ngoài ra, có người còn nghi ngờ tính khả thi của quyết định giải quyết tranh chấp của Cục Quản lý Cạnh tranh hiện nay vì không rõ cơ quan nào sẽ đứng ra thi hành quyết định nếu đơn vị vi phạm không chấp hành. Điều quan trọng nhất là hiện nay có bao nhiêu NTD biết Cục Quản lý cạnh tranh có chức năng này? Ngoài ra, đối với sản phẩm liên quan đến sức khỏe NTD như thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm thì trách nhiệm của các bộ ngành liên quan như y tế, nông nghiệp… vẫn chưa được làm rõ.

Những trường hợp thiếu các thông tin chính thức của các cơ quan quản lý về chất 3-MCPD trong nước tương, vụ sữa tươi lại có thành phẩm chính từ sữa bột… đã làm cho quyền lợi của NTD bị xâm phạm nghiêm trọng. Gánh nặng như đang đè lên vai lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương trong việc kiểm tra chất lượng, xuất xứ hàng hóa và an toàn thực phẩm.

Trong rất nhiều trường hợp, đơn vị xâm phạm quyền lợi NTD tại Việt Nam thường thoái thác trách nhiệm của mình với rất nhiều lý do. Nếu bị đuối lý, cùng lắm nhà kinh doanh chỉ bồi thường sản phẩm mới hoặc hỗ trợ một phần nào đó cho NTD. Điều này dường như đã trở thành thông lệ và đó cũng chính là lý do để họ càng ngày càng coi thường khách hàng. Điển hình là trường hợp các nhà cung cấp dịch vụ internet, viễn thông. Tình trạng “internet rùa bò” hay các sự cố rớt mạng xảy ra như “cơm bữa” và khách hàng cứ khiếu nại dài dài nhưng cuối cùng thì “vũ như cẩn”, thiệt thòi luôn ở phía NTD.

Cho đến nay, những thông tin về việc xử lý các đơn vị xâm phạm quyền lợi NTD tại Việt Nam dường như chưa có. Do vậy, nhiều quan điểm lo ngại cho rằng các nhà kinh doanh, sản xuất vẫn sẽ tiếp tục coi thường quyền lợi NTD cho đến khi Nhà nước có một số thay đổi về hệ thống luật pháp và quyền lực của các cơ quan bảo vệ quyền lợi NTD hoàn thiện hơn. Tốt nhất trong tình hình này, NTD phải tự trang bị cho mình những kiến thức để bảo vệ mình.

Nhựt Phan – Minh Nguyễn

Những lời khuyên hữu ích cho NTD

1. Luôn kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trước khi mua; luôn yêu cầu người bán hàng cung cấp hóa đơn, phiếu bảo hành khi mua sản phẩm, dịch vụ;

2. Khi quyền lợi bị xâm phạm: tập hợp tất cả các tài liệu, thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ có liên quan. Ví dụ như: hóa đơn mua hàng, phiếu bảo hành, bảng báo giá, mẩu quảng cáo (báo, đài, TV)… và sao lưu toàn bộ các tài liệu này;

3. Liên hệ (điện thoại hoặc gửi thư khiếu nại) đến đơn vị có liên quan: cửa hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ; nhà nhập khẩu; nhà sản xuất. Nếu như đó là những nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chân chính, họ sẽ nhanh chóng trả lời và giải quyết thỏa đáng cho bạn;

4. Nếu bạn không hài lòng với việc giải quyết khiếu nại, hãy liên hệ tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bộ phận tiếp bạn đọc của các cơ quan truyền thông địa phương hoặc trung ương;

5. Liên hệ với luật sư của bạn hoặc các tổ chức trợ giúp pháp lý nếu như việc hỗ trợ của các cơ quan trên không mang lại kết quả mà bạn mong đợi;

Nhựt Phan

Một số vụ việc mà CLB Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Báo SGGP tiếp nhận gần đây:

- Bà Nguyễn Thị Minh Trang (ngụ tại quận Gò Vấp) kiện Siêu thị điện máy Nguyễn Kim ra tòa.

- Chị Lê Thị Trang (ngụ ấp Trung Đông, Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) khiếu nại Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về việc chuyển tiền cho người thân tại Hà Nội 8 ngày nhưng chưa nhận được.

- Bạn đọc Văn Kỳ Lân (ngụ huyện Hóc Môn) khiếu nại chai bia Bến Thành có bao ni lông và cặn bụi.

- Bạn đọc Trương Thành Trung (ngụ huyện Bình Chánh) khiếu nại việc xi măng trắng giả tràn lan.

Tin cùng chuyên mục