Khi những đứa con tuổi teen ngồi xuống, nhìn sâu vào mắt cha mẹ, nói một lời yêu thương nào đó, rồi tỉ mẩn rửa từng ngón chân, từng gót chân đã chai sần, nhăn nheo in dấu thời gian khắc nghiệt của cha mẹ, đó không chỉ là bài học kỹ năng mềm mà là trải nghiệm đặc biệt. Tôi có thể cảm nhận điều ấy khi nhìn những ông bố mắt đỏ kè cố ngăn dòng nước mắt, những bà mẹ mặt đẫm nước. Và lũ trẻ con, chúng cười khi nước mắt tuôn rơi. Niềm vui và nỗi xúc động dâng trào của họ lan sang tôi, rưng rưng…
Bằng tuổi những bạn trẻ ấy, rất lâu rồi, có lần tôi bấm móng chân cho mẹ trong kỳ nghỉ hè thời sinh viên. Bấm móng chân để sửng sốt khi biết mẹ bị một móng chân cái bay mất từ bao giờ, hằn sâu thay vào đó là vết sẹo.
“Do là lần đem than tổ ong vào bếp nhà người ta, không biết nhà có chó đang đẻ, nó ngoạm lấy chân mẹ không sao dứt ra được”. “Máu chảy nhiều không mẹ? “Nhiều, suýt ngất”. “Sao mẹ không kể?”. “Chuyện nhỏ mà, kể chi?”. Lúc ấy, đứa con gái yếu đuối của mẹ phải cúi mặt giấu nước mắt vì chỉ nghĩ việc máu phun ra từ chân mẹ và mẹ tập tễnh bước thấp bước cao xoay chuyển hàng trăm viên than tổ ong với vết thương ấy, cũng đủ để khiến tôi chùng lòng. Mẹ tôi là thế, luôn giấu nỗi đau của mình.
Nếu như tôi không ngồi xuống cắt móng chân cho mẹ mình, một việc nhỏ thôi, hẳn tôi không biết đến có một nỗi đau mẹ từng chịu và xem đó là chuyện nhỏ. Đó chỉ là một trong số vô cùng nhiều những “chuyện nhỏ” không hề nhỏ khác mẹ đi qua trên con đường mưu sinh nuôi nấng con mình. Để rồi, khi gặp những khó khăn, tôi có thể thấy an lòng hơn khi nghĩ rằng, mình là con gái của mẹ, nhất định phải mạnh mẽ vượt qua.
* * *
Tôi nhớ tới cậu thanh niên da đen trùi trũi chăm bệnh mẹ chung phòng với mẹ tôi. Mẹ cậu là bệnh nhân lưu lại lâu nhất vì bị tai nạn đa chấn thương, sức khỏe yếu. Cậu nói, mẹ em là một chiến binh kiên cường, 2 lần vào phòng mổ rồi đấy. Lần mổ tay chân, lần mổ lá lách, còn lần nữa...
Nói đến đó cậu nhỏ cúi xuống thật gần hôn lên trán mẹ. Trong bệnh viện, cậu là người duy nhất biểu lộ tình cảm như vậy. Nụ hôn của cậu dành cho mẹ khiến tôi cay mắt. Tôi chưa bao giờ hôn mẹ tôi một lần như cậu.
Cậu nói sến vậy đó nhưng có cách nào hơn. Mẹ thở còn muốn không ra hơi, sức đâu mà nói chuyện. Nhưng chắc chắn bà nghe được, biết được cậu hôn bà mà an tâm hơn. “Khi xưa bà nói đời này chỉ có mày hôn tao. Lúc nào cũng mày tao nhưng mà bà thương em lắm”, cậu kể.
Và những ngày cuối cùng của mẹ, có lần tôi cúi xuống hôn lên gò má mẹ. Nụ hôn đầu tiên tôi dành cho mẹ, không lạ lẫm mà đầy xót xa. Mùi mồ hôi, mùi hàng chục loại thuốc đã đi vào cơ thể mẹ hòa lẫn nhau thành thứ mùi hăng hăng. Cho tới giờ, mùi hăng hăng trộn lẫn ấy vẫn như một thứ mùi nhớ ám ảnh tôi theo năm tháng.
* * *
Mỗi sáng tôi vẫn đi tắt qua một con hẻm nhỏ để đưa con trai đi học. Vẫn nhìn thấy cụ bà ngồi phía dưới hàng rào hoa bìm bìm mặt không vui không buồn nhìn người qua kẻ lại. Cụ ngồi đúng chỗ ấy, thi thoảng di chuyển qua lại thật chậm, kiểu như để sưởi nắng, cũng có thể để ngó nghiêng người ta cho vui mắt vậy thôi. Quen thuộc đến độ, tôi nhớ được luôn những chùm hoa giả phía trước xe lăn của cụ, thi thoảng lại đổi màu.
Ngày kia, tôi tình cờ nhìn thấy anh con trai trước khi đẩy xe đi làm, nán lại thay bó hoa nhỏ. Tôi bất giác mỉm cười khi nhìn anh làm việc ấy rất nhanh nhảu, kiểu như đã quá quen, rồi đưa tay xoa xoa vai áo mẹ. Một hành động nhỏ thôi, chút xíu thời gian, chẳng đáng kể gì trong chuỗi 24 giờ mà có giá trị như một giai điệu thật đẹp, trong lành cứ thế lan tỏa.
Những việc tưởng như bé nhỏ thôi mà như bạn tôi kể - chụp hình cho bố mẹ kỷ niệm ngày cưới, chở mẹ đi cà phê… thực ra với rất nhiều người đó lại là niềm hạnh phúc lớn lao. Tôi luôn nhìn các cụ già đi đứng nói cười bên con cháu mình, đôi lúc tự hỏi ở tuổi ấy, mẹ mình sẽ ra sao nhưng chịu không thể tưởng tượng ra. Mẹ luôn dừng lại trong ký ức tôi, ở tuổi 63, chưa kịp già.
* * *
Thực tình, có những việc nhỏ thôi, mà đi cả đời vẫn có những người vẫn canh cánh ước ao được làm. Và dù những việc nhỏ thôi, mà có sức lan tỏa yêu thương mạnh mẽ, rộng khắp.
Nếu bạn nghĩ đến những điều to tát dành cho bậc sinh thành, trước hết, trái tim bạn hãy hướng tới những việc nhỏ thôi, khi còn chưa muộn.