Tổ ấm sinh viên Lào trên đất Đà Nẵng

Không máu mủ, ruột rà, khác biệt về ngôn ngữ… nhưng tình thương của những người mẹ Việt vẫn luôn đong đầy, dạt dào. Có thêm những đứa con là sinh viên người Lào, những người mẹ thêm phần trách nhiệm nhưng chưa bao giờ thấy đó là gánh nặng.

Bữa ăn đầu tiên

Thời tiết Đà Nẵng dạo này trở lạnh, nhưng trong căn nhà của bà Phạm Thị Hồng (62 tuổi, trú đường Nguyễn Trãi, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trở nên ấm áp lạ thường. Tiếng cười, giọng nói đan xen tiếng Việt - Lào. Sự xuất hiện của hai em Inthakoumman Phetsanida và Lathongsy Maiaylak (18 tuổi), sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, làm không khí gia đình trở nên rộn ràng.

Ngắm nhìn 2 đứa con gái mới nhận, bà Hồng cho rằng đây là duyên phận. Trước khi nhận đỡ đầu các em, UBND phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) đến vận động nhưng bà từ chối vì ngại ngôi nhà của mình chuẩn bị sửa lại, không đạt điều kiện để chăm sóc các em thật tốt. Tuy vậy, khi biết các em bằng tuổi cháu ngoại, lại mới vào đại học năm đầu tiên nên bà đồng ý.

h4b-536.jpg
Em Inthakoumman Phetsanida và Lathongsy Maiaylak (18 tuổi, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) giúp mẹ Hồng nấu ăn. Ảnh: NVCC

Bữa cơm đầu tiên, hai em đến nhà sớm hơn dự kiến. Trùng hợp ngày đó, bà Hồng có lịch đi nấu đồ ăn chay cho khách. “Vì thời gian hơi gấp, tôi sợ các con lạ vị, ăn không quen nên hỏi thăm trước. Ai ngờ các con không nghĩ ngợi mà gật đầu, đáp lại “ăn gì cũng được mẹ ơi!”. Bữa ăn hôm đó chỉ có đậu khuôn sốt cà chua, ram chả chay, rau củ kho..., thế nhưng các con lại bảo lạ và ngon nên tôi an tâm phần nào”, bà Hồng nhớ lại.

Mỗi khi rảnh rỗi, hai em Inthakoumman và Lathongsy thường xuyên giúp mẹ Hồng làm việc nhà. Lúc thì quét nhà, lúc nấu ăn, có khi giúp mẹ cho chim ăn ở trước hiên nhà. Nhờ đó, hai em Inthakoumman và Lathongsy nhanh chóng hòa nhập với gia đình. Ôm bà Hồng nũng nịu, em Inthakoumman kể lại những ngày tháng khi một thân một mình đến nơi đất khách quê người. Lần đầu tiên gặp mẹ Hồng, em run lắm. Để giúp em học tốt tiếng Việt, mẹ Hồng dắt em và Lathongsy đi đây đi đó để tự tin giao tiếp hơn, thậm chí cả lúc đi làm.

“Con gái thì ai cũng thích đẹp, thế là mẹ dẫn em đi chợ Cồn để mua sắm. Đến đâu mẹ cũng giới thiệu khu này khu kia. Chợ ở đây không khác mấy chợ quê em. Đến khu trang sức, 3 mẹ con loay hoay từ vòng đeo tay đến mắc cài trên đầu. Tối hôm đầu tiên, em và Lathongsy mang hai bộ pyjama mà mẹ mua để ngủ. Rồi thi thoảng mẹ Hồng dắt em đến nhà hàng xóm, nhà bạn mẹ để chào hỏi… Vì vậy, em không cảm thấy cô đơn nơi đất khách”, em Inthakoumman kể.

Với em Inthakoumman, những ngày ở Đà Nẵng, lạ môi trường, lối sống… nên rất nhớ nhà. May thay, khi gặp mẹ Hồng, có một mái nhà để em trở về, có một chỗ dựa để em tìm đến lúc khó khăn. Cái ơn này với em lớn lắm!

Trải lòng với mẹ bằng… tin nhắn

Ấn tượng đầu tiên khi đến nhà bà Nguyễn Thị Huệ (51 tuổi) và ông Bùi Nguyên Vinh (60 tuổi, cùng trú đường Nguyễn Phú Hường, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) chính là cái tên gọi vừa lạ vừa dí dỏm bà gọi hai con trai là sinh viên Lào. Theo bà Huệ, lúc đầu bà nhờ các con đọc chậm rãi để học theo. Ngược với tên người Việt, tên của em Ladthazad Sysavath và Supthavy Kytthavone (18 tuổi, sinh viên Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng) lại đứng trước họ… “Nhưng tên dài quá, thế là tôi đặt tên mới cho 2 đứa. Cái tên Việt gần với phát âm tên tiếng Lào của các con. Thế là, ngày nào cũng “Úp” và “Lát” ơi/này…”, bà Huệ kể.

Làm mẹ muốn hiểu con thì không cách nào tốt bằng phải thường xuyên nói chuyện. Tuy nhiên, bà Huệ dùng phương ngữ nên các em đôi khi không hiểu. Vì vậy, ngoài việc sử dụng cử chỉ, sản phẩm thực tế để các em hiểu, bà Huệ và 2 em thường xuyên nhắn tin với nhau qua Zalo. Dần dần điều này trở thành thói quen không thể thiếu. “Cả hai vợ chồng tôi đều làm công tác xã hội. 2 đứa con lớn bận rộn công việc nên thường ngày ngôi nhà vắng hoe. Từ khi nhận đỡ đầu sinh viên Lào, ngôi nhà như có thêm sức sống. Ngày nào mấy mẹ con cũng trò chuyện qua Zalo. Đôi khi chỉ là câu hỏi thăm “Mẹ/con đang làm gì đấy?”; “Con đi học về trễ, ba mẹ đừng đợi”. Có lúc, con chụp hình đang học ở trường kèm theo câu “Con đói quá mẹ ơi”, thương lắm”, bà Huệ nói.

Trong suy nghĩ của Ladthazad, mẹ Huệ chăm sóc em tốt lắm. Những ngày em đi học, ba mẹ thường nấu ăn hoặc mua để sẵn để khi em về nhà là có thể ăn ngay. Ba mẹ không bao giờ để em và Supthavy đói bụng, kể cả thời điểm không phải bữa chính. “Em thích và nhớ nhất món cá chuồn chiên mà mẹ Huệ chế biến. Nhìn mẹ nấu, em muốn học thêm nhưng khó quá. Xa gia đình qua Việt Nam học tập, em rất mừng vì có thêm người mẹ thứ hai. Mỗi lần đến nhà mẹ, em được học hỏi rất nhiều thứ, từ tiếng nói đến văn hóa, lối sống của người Việt”, em Ladthazad bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục