Ngày 4-8, chính phủ Ấn Độ trình Quốc hội dự thảo luật chống tham nhũng nhằm đẩy lùi vấn nạn đang trở thành nỗi bức xúc của người dân. Theo dự thảo luật mang tên “Lokpal Bill”, người dân Ấn Độ có thể tiếp cận với các thanh tra viên trong Cơ quan giám sát tham nhũng để tố cáo hành vi tham nhũng của các quan chức nhà nước, kể cả bộ trưởng cấp liên bang và các nhân viên cao cấp tại các văn phòng thường trú, những người được miễn trừ theo đạo luật chống tham nhũng hiện hành. Chính phủ sẽ lựa chọn thanh tra từ những người nắm giữ vị trí chủ chốt trong ngành tòa án hoặc những người tuyệt đối công minh được xã hội tin tưởng.
Dự thảo luật được công bố trong thời điểm ở Ấn Độ xuất hiện ngày càng nhiều các lời phàn nàn về tình trạng hối lộ tràn lan trong bộ máy công quyền.
Ấn Độ thu hút mạnh đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế thị trường có dân số 1,2 tỷ người, dân số trẻ và đô thị hóa rất nhanh. Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Ấn Độ dự báo khoảng 8,5% trong 2011, sau đó sẽ tăng lên khoảng 9%-10% trong những năm sau. Nhưng các chuyên gia phân tích đầu tư cho rằng tham nhũng đang trở thành nhân tố làm giảm mạnh đầu tư nước ngoài, khiến các nhà đầu tư trong nước nản lòng.
Thời gian qua, Ấn Độ phải đối mặt với nhiều vụ tham nhũng trong lĩnh vực công lên đến hàng tỷ USD. Điển hình là vụ tham nhũng khi tổ chức Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung (GC) vào tháng 10 năm ngoái, với chi phí dự kiến ban đầu chỉ 500 triệu USD, nhưng cuối cùng tăng gấp 10 lần, lên 5 tỷ USD.
Ngoài ra còn có các vụ lớn khác như vụ bộ trưởng viễn thông Andimuthu Raja bị phát hiện nhận hối lộ để bán rẻ giấy phép kinh doanh viễn thông, khiến nhà nước thiệt hại 40 tỷ USD; vụ quan chức bang Utar Pradesh ăn cắp hàng cứu trợ và ăn tiền của các công ty khai thác mỏ, dẫn đến tình trạng phá rừng tràn lan...
Arvind Kejrival, nhà phân tích kỳ cựu ở Ấn Độ cho rằng các vụ tham nhũng đã làm giảm lòng tin của dân chúng đối với chính quyền. Sự phẫn nộ của người dân được phản ánh mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông. Vì thế, hình thức tố cáo trên trang web đã ra đời nhằm giúp nạn nhân có thể đưa nhiều quan chức “nhúng chàm” ra ánh sáng.
Từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục quan chức bị buộc phải điều tra hoặc bị đưa ra xét xử do bị cáo buộc nhận các khoản “lót tay” và rút tiền từ công quỹ. Trước các phản ứng bất bình của người dân, Thủ tướng Manmohan Singh cam kết sẽ làm trong sạch chính phủ. Thế nhưng, các nhà phê bình cho rằng những cam kết như vậy chưa đủ để xoa dịu sự giận dữ gia tăng trong dân chúng.
Giải pháp khả quan nhất hiện nay là dự thảo luật chống tham nhũng mới phải sớm được Quốc hội thông qua, trừng trị thẳng tay các quan chức tham nhũng, tinh giản hóa nhiều thủ tục để những kẻ nhũng nhiễu dân không còn đất sống.
Thanh Hằng