
Bộ GD-ĐT đang kêu gọi các trường tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trong đó nêu rõ yêu cầu khuyến khích tổ chức bán trú cho học sinh. Tuy nhiên, các thông tư, quy định về tổ chức trường lớp, chuẩn xét duyệt trường chuẩn quốc gia hiện nay lại chưa hề có tiêu chí nào đề cập đến việc tổ chức hệ thống nhà ăn, phòng nghỉ. Điều này khiến các trường hoang mang, mạnh ai nấy làm khiến chất lượng ăn và ngủ của học sinh chịu nhiều ảnh hưởng.

Học sinh bán trú Trường THCS Kim Đồng quận 5 TPHCM trong giờ ăn trưa. Ảnh: MAI HẢI
Mỗi nơi một kiểu
Hiện nay, trong hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ có bậc mầm non xây dựng hệ thống quy định về tổ chức trường lớp bán trú. Còn lại các bậc tiểu học, THCS, THPT đều tổ chức bán trú theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”.
Nguyên hiệu trưởng (xin được giấu tên) một trường tiểu học ở quận 11 cho biết, mặc dù đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia nhiều năm liền nhưng đến nay, học sinh trường ông vẫn phải ăn tại những dãy bàn dã chiến kê cặp theo hành lang lớp học. Có năm, sĩ số học sinh tăng đột biến, nhân viên bảo mẫu phải tận dụng khoảng trống bên hông cầu thang, trước khu vực nhà để xe kê bàn cho các em ăn tạm. Đó là chưa kể những hôm thời tiết dông gió bất thường, học sinh phải ngồi ăn ngay trong lớp học. Ước mơ về một dãy nhà ăn dành riêng cho học sinh sau những giờ học căng thẳng hơn chục năm qua chỉ nằm trên giấy do không “đào” đâu ra diện tích xây dựng cho các em.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM. Anh Nguyễn Quang, phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1), cho biết: “Trường có đầy đủ phòng chức năng, từ Anh văn, vi tính đến một số môn năng khiếu nhưng nhà ăn thì không có. Đến bữa trưa, dưới sự điều khiển của giáo viên chủ nhiệm, học sinh xếp thành hai hàng di chuyển ra khu vực sảnh trước dùng cơm trưa. Ăn xong lại di chuyển về lớp học và nghỉ trưa ở đó”.
Đồng tâm trạng, chị Minh Nguyệt, phụ huynh có con đang học lớp 2, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh), cho biết: “Do sĩ số học sinh toàn trường đông, nếu ào ra ăn trưa cùng một lúc sẽ không có phòng chức năng nào chứa đủ. Do đó, nhà trường đã khéo léo tận dụng diện tích trống trước cửa lớp học, dọc theo khu vực hành lang làm chỗ kê bàn cho các em ăn bán trú”. Đến giờ ngủ, trường nào sử dụng loại bàn gỗ dài 1,2m theo kiểu truyền thống sẽ ghép hai, ba dãy lại với nhau thành một cụm, làm giường cho khoảng 3 học sinh nằm. Nơi nào dùng bàn học đơn, loại bàn và ghế dính liền, có thể gấp gọn thì di dời toàn bộ bàn, ghế ra khu vực hành lang lớp học, lấy diện tích đất trải chiếu cho học sinh nằm. Lớp nào sĩ số học sinh quá đông phải tận dụng cả bục giảng giáo viên làm chỗ ngủ.

Phụ huynh vất vả tìm cho con một chỗ học bán trú. Ảnh: MAI HẢI
Thiếu văn bản hướng dẫn
Trao đổi với PV Báo SGGP, cô Nguyễn Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Bình Thạnh), bày tỏ: “Vừa qua, chuẩn bị cho năm học mới 2013 - 2014, trường đã đầu tư kinh phí hơn 60 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa để ngăn vách làm thêm phòng ngủ, mua sắm các vật dụng bán trú cho học sinh. Tuy nhiên, do thiết kế xây dựng hiện nay của các trường có tổ chức bán trú chưa có hạng mục nhà ăn, phòng ngủ nên chúng tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT có thêm hướng dẫn về vấn đề này nhằm giúp các trường có thêm điều kiện chăm sóc và quản lý tốt học sinh”.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, Phó Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện nay trong các văn bản quy định tổ chức trường, lớp của Bộ GD-ĐT chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức nhà ăn, phòng nghỉ cho học sinh. Đơn cử công văn số 7291/BGDĐT-GDTrH do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 1-11-2010, hướng dẫn thực hiện dạy học 2 buổi/ngày ở bậc trung học chỉ nêu yêu cầu “khuyến khích các trường tổ chức bán trú cho học sinh” nhưng trong phần quy định về cơ sở vật chất chỉ đề cập đến hệ thống phòng học thông thường, thư viện, sân chơi, bãi tập mà không thấy nói đến phòng ăn.
Trước đó, ngày 26-2-2010, thông tư số 06/2010/TT-BGDĐT ban hành quy chế công nhận trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia cũng không có bất cứ quy định nào về tổ chức bán trú. Tại điều 4, tiêu chuẩn 1 của văn bản chỉ quy định trường học có tối đa 45 phòng học. Điều 8, tiêu chuẩn 4 quy định về cơ cấu các khối công trình cũng chỉ liệt kê các khu chức năng của trường học bao gồm: khu phòng học, phòng bộ môn, khu phục vụ học tập (thư viện, phòng truyền thống), khu luyện tập thể dục thể thao, phòng làm việc của Công đoàn, phòng hoạt động của Đoàn Thanh niên, khu văn phòng, khu sân chơi, khu để xe và nhà vệ sinh, hoàn toàn không có phòng ăn và nhà nghỉ.
Trước thực trạng này, bà Nguyễn Thị Huyền Nhung, cán bộ quản lý thuộc Sở KH-ĐT TPHCM, cho biết: “Khi phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng trường học, chúng tôi đã nhìn thấy bất cập này nhưng không thể thiết kế thêm do chưa có quy định. Nếu cơ quan chủ quản của ngành giáo dục có thêm các hướng dẫn về thiết kế trường học 2 buổi/ngày, tin chắc rằng các trường sẽ tổ chức tốt hơn khâu bán trú”. Đối với bậc THPT, do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh nam và nữ không thể ngủ chung trong cùng một diện tích nhỏ hẹp nên cần một thiết kế không gian riêng.
Giải pháp hiện nay các trường đang sử dụng chỉ mang tính tình thế. Về lâu dài cần một chuẩn thiết kế chung cho tất cả các bậc học nhằm đảm bảo chất lượng sinh hoạt và sức khỏe học tập của học sinh. Đây cũng là mong muốn chung của rất nhiều phụ huynh, giáo viên và học sinh toàn TP.
THU TÂM