Tọa đàm Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030

Sáng 23-5, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030Tọa đàm do Báo Người Lao Động phối hợp với Bộ VH-TT-DL tổ chức.

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL Lê Minh Tuấn phát biểu tại tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030". Ảnh: THÚY BÌNH
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL Lê Minh Tuấn phát biểu tại tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030". Ảnh: THÚY BÌNH

Tham dự tọa đàm có: ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL; NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM; Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM; bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM... cùng đông đảo các văn nghệ sĩ, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật tại TPHCM. Tham dự trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa và Nghệ thuật đương đại - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và đại diện các đơn vị biểu diễn nghệ thuật khu vực phía Bắc.

Thanh THuy.JPG
NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM thông tin về các hoạt động văn hóa của TPHCM, những dự án, kế hoạch, đã và đang được thành phố từng bước thực hiện, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh: THÚY BÌNH

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam". Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ ban hành cũng đã xác định: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”. Chiến lược này xác định 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, đồng thời đề ra mục tiêu triển khai các lĩnh vực này đến năm 2030.

Duong Cam Thuy.jpg
Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM Dương Cẩm Thúy chia sẻ về sự đầu tư và phát triển lĩnh vực điện ảnh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo đánh giá của Bộ VH-TT-DL, năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp chỉ 2,68% GDP thì năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Giai đoạn 2018 - 2022, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (khoảng 44 tỷ USD). Số lượng các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam.

NSND My Uyen.jpg
NSND Mỹ Uyên trăn trở với hoạt động của các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa trong tiến trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh: HOÀNG TRIỀU.

Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia phát triển trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và trên thế giới, thì công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay mới phát triển ở tầm trung. Trong khi đó, tiềm năng, thế mạnh của 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa của nước ta rất dồi dào, nếu có thể biến nguồn lực này thành giá trị kinh tế thì sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của đất nước.

DD Pham Hoang Nam.jpg
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam tâm tư với các giải pháp mang tính thực tiễn để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam từ nay đến năm 2030. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tại tọa đàm, hàng loạt vấn đề nóng được đặt ra, từ công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và giao lưu, hợp tác quốc tế đến đẩy mạnh truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại và đầu tư tài chính để xây dựng những sản phẩm, dịch vụ đỉnh cao trong các ngành công nghiệp văn hóa…

Tất cả nhắm đến mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và hình thành nên một số trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm, như tại TP Hà Nội, TPHCM, TP Đà Nẵng… Và quan trọng nhất là phải xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thương hiệu quốc gia, đẳng cấp quốc tế, đủ sức cạnh tranh và tự tin tham gia thị trường công nghiệp văn hóa trong nước và thế giới.

Tin cùng chuyên mục