(SGGP).- Ngày 2-6, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Hội Cựu chiến binh khối Dân - Chính - Đảng TP, Công đoàn viên chức TP và Đoàn TNCS khối Dân - Chính - Đảng TP đã tổ chức tọa đàm “Hành trình theo chân Bác” nhằm giáo dục đoàn viên, hội viên và thanh niên lòng yêu nước, lòng kính yêu Bác Hồ.
Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí xúc động khi nhiều đại biểu kể lại những bài học quý giá học được từ Bác Hồ và việc vận dụng những bài học ấy vào chính cuộc sống và công việc của mình. Những bài học không xa vời, giáo điều mà rất gần gũi với thực tiễn cuộc sống đã dẫn dắt nhiều người trở thành những người đóng góp tích cực cho xã hội, hoàn thành nhiệm vụ của người công chức trên tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân.
Câu chuyện của anh Phan Đăng Tiếp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Kho bạc Nhà nước TP, kể về niềm tự hào được là anh bộ đội Cụ Hồ. Anh nói: “Chúng ta may mắn không phải lựa chọn con đường đi của mình mà Bác Hồ đã chọn cho chúng ta. Giờ đây chúng ta có nhiệm vụ tiếp bước con đường của Bác”. Đối với anh, bài học anh học được từ Bác chính là tính phục tùng kỷ luật và chấp hành sự phân công của Đảng. Nhưng đã có lần anh không chấp hành sự phân công. Đó là vào những năm đầu 1980, anh vừa tốt nghiệp trường sĩ quan và được phân công về làm trợ lý cán bộ Quân khu 2. Đó là vị trí nhiều người mong muốn, nhưng anh đã xin về đơn vị cơ sở với lý do muốn áp dụng những điều mình đã học ở nhà trường vào phục vụ nhân dân.
Anh Tiếp nói: Tôi đã không chấp hành sự phân công của cấp trên nhưng tôi nhớ lời Bác dạy rằng: “Việc gì có lợi cho dân cho nước dù khó mấy cũng phải làm, việc gì không có lợi cho dân cho nước dù dễ mấy cũng không được làm”. Do đó, tôi thấy mình về cơ sở sẽ có lợi cho dân cho nước hơn.
Nhà báo trẻ Trần Triều của Báo Phụ Nữ TPHCM đã học được từ nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh những bài học hết sức giản dị và thiết thực cho công việc làm báo. Đối với Trần Triều, bài học về lòng trung thực của một nhà báo và tinh thần làm việc không mệt mỏi vì một xã hội tốt đẹp. Bài học của anh bắt đầu từ câu chuyện Bác Hồ là một lãnh tụ nhưng khi bài viết có sai chi tiết nhỏ Bác vẫn viết lời đính chính trên báo, trong khi hiện nay một số tờ báo đôi khi viết sai không viết lời đính chính mà chỉ “nói lại cho rõ”.
Còn chị Lê Thị Thu Hương, Cục phó Cục Thuế TPHCM, khẳng định bài học mà ngành thuế học được ở Bác chính là “thu thuế, thu được lòng dân”. Theo chị, nếu như mỗi cán bộ thuế tận tâm phục vụ công việc với thái độ công tâm, trong sáng thì việc thu thuế sẽ làm cho mỗi người dân nhận thức được đó là quyền lợi và nghĩa vụ đóng góp cho đất nước.
Chị Lương Thị Cúc, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Ủy ban Nhân dân TP học từ Bác bài học gần gũi với dân để hiểu những khó khăn mà người dân đang gặp phải. Theo chị, là một cán bộ không chỉ phải dành nhiều thời gian cho công việc mà còn phải gần gũi nhân dân, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân mới xứng đáng là người phục vụ tận tụy nhân dân. “Học ở Bác chính là học sự quan tâm, chăm lo cho nhân dân”, chị nói.
Cùng cảm nghĩ như chị, anh Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Đoàn Thanh niên Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài cũng học được ở Bác thái độ ân cần, tôn trọng nhân dân. Bài học Bác dạy: “Làm công chức không phải làm quan mà là công bộc phục vụ nhân dân” anh luôn ghi nhớ khi làm việc, đặc biệt khi tiếp xúc với nhân dân. Theo Nguyễn Thanh Bình đây là bài học vô cùng thiết thực cho các bạn công chức trẻ ngày nay.
Việt Trung