Thực hiện tốt “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2015 - 2016, TPHCM đã có thêm 402 tập thể và cá nhân ở các ngành, lĩnh vực, quận huyện được biểu dương trong lễ tôn vinh ngày 18-5. Nhận xét về những tấm gương này, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, khẳng định: “TP của chúng ta thân thiện hơn, hấp dẫn hơn, đáng sống hơn nhờ có sự đóng góp lặng thầm của những tập thể và cá nhân ấy”.
Giao lưu các điển hình thực hiện tốt Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Một lần bổ sung, một lần thông suốt”
Để cải cách hành chính trong đơn vị, chị Nguyễn Thị Hoàng Điệp, Bí thư chi bộ, Trưởng Phòng Pháp chế - Sở Xây dựng TP, đã cùng với tập thể phòng mạnh dạn đề xuất bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Là một công chức gương mẫu, sáng tạo, có nhiều đề xuất, cải tiến trong công việc, chị cũng là người phác thảo phương châm làm việc “Một lần bổ sung, một lần thông suốt”, trở thành mô hình được người dân đồng thuận và đánh giá cao.
Chị Điệp nghĩ đến cải tiến đó bắt đầu từ chính việc mình bị “hành” khi đi làm thủ tục nhà đất. Chị kể, cán bộ thụ lý hồ sơ cứ bắt bổ sung tới, lui mãi. Vừa ức, vừa thấu hiểu hơn nỗi khổ tâm của người dân, chị quyết tâm cải tiến bằng chính công việc tại sở của mình. Nghĩ ra biện pháp “Một lần bổ sung, một lần thông suốt” (hướng dẫn kỹ hồ sơ thụ lý từ ban đầu, không để người dân, doanh nghiệp đi lại nhiều lần; giải đáp các thắc mắc để người dân, doanh nghiệp không còn khiếu nại, bức xúc vượt cấp), chị Điệp “rủ rê” cán bộ công chức trong phòng cùng thực hiện. Thấy giải pháp hay, có thể thực hiện trong tầm tay, ai cũng vui vẻ tham gia. Đến nay, phương pháp này đã trở thành nhiệm vụ chung trong xử lý thủ tục hành chính ở Sở Xây dựng. Tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp năm 2015 là 97,8% đến nay đã tăng lên gần 99%, là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của đội ngũ cán bộ công chức Sở Xây dựng thời gian qua.
Theo chị Điệp, để làm theo Bác có hiệu quả, người cán bộ công chức chuyên môn phải lấy chất lượng phục vụ dân làm thước đo. Để làm được, cán bộ công chức đó trước hết phải nắm vững kiến thức chuyên môn; xử lý hồ sơ nhanh, không để doanh nghiệp, người dân chờ đợi; tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo chính xác; luôn giữ thái độ thân thiện, hòa nhã với người dân, doanh nghiệp.
Giúp hết mình, làm hết sức
Ngày 23-8-2015, khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã phẫu thuật thành công, mang lại cho bé Bảo Tâm, 16 tháng tuổi - bé gái có trái tim nằm ngoài lồng ngực - một cuộc đời mới.
Trường hợp của bé Tâm rất hy hữu bởi trên thế giới chỉ có 150 trường hợp người bệnh có trái tim nằm ngoài lồng ngực, chỉ được bao bọc bởi một lớp da mỏng, có thể gặp tổn thương và tử vong bất cứ lúc nào. Là con thứ hai trong gia đình có bố mẹ là công nhân, cuộc sống rất khó khăn nên việc bé Tâm được phẫu thuật là điều không tưởng. Thông qua chương trình nhân đạo “Sát cánh cùng gia đình Việt” của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH), được bạn nghe đài khắp nơi ủng hộ 500 triệu đồng, bé đã được đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM điều trị và phẫu thuật thành công.
Mẹ bé Tâm gọi người đầu tiên thực hiện chương trình kết nối, mang lại sự ủng hộ kỳ diệu ấy cho bé Tâm của VOH - nhà báo Trương Thị Hồng Thúy - là “người mẹ thứ hai của bé”.
Câu chuyện về bé Tâm là một trong hàng ngàn câu chuyện cổ tích có kết thúc rất đẹp mà chị Thúy và chương trình “Sát cánh cùng gia đình Việt” của VOH đã làm được. 5 năm thực hiện chương trình “Sát cánh cùng gia đình Việt” đã thu hút được gần 40 ngàn lượt ủng hộ, vận động được gần 35 tỷ đồng để thực hiện rất nhiều hoạt động mang ý nghĩa như xây cầu nông thôn, mổ tim cho các bệnh nhi, mổ mắt cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo, xây nhà tình thương, hỗ trợ vốn làm ăn cho các gia đình khó khăn… Trong đó, chị Hồng Thúy chính là linh hồn của chương trình.
Mỗi năm chị Thúy có hơn 200 chuyến công tác xa nhà, xa con thơ để đến khắp các vùng miền, mang lại hy vọng cho rất nhiều mảnh đời khó khăn. Tâm sự tại buổi giao lưu, chị Thúy cho rằng lan tỏa thông điệp yêu thương là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có vai trò của những người làm báo. “Rất nhiều mạnh thường quân đến ủng hộ chương trình là những người nghèo, nên dù có vất vả thế nào tôi cũng sẽ tận tâm với công việc đang làm. Làm theo Bác là đóng góp để lan tỏa thông điệp yêu thương ấy”, chị chia sẻ.
“Làm theo Bác không ở đâu xa mà là tận tâm, có trách nhiệm với công việc, nhất là những công việc liên quan đến an toàn, tính mạng của con người” cũng là suy nghĩ của anh Nguyễn Văn Hiệp, công nhân Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 6. Công trình thi công tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, đoạn cầu Sài Gòn (phường Thảo Điền, quận 2) là nơi anh Nguyễn Văn Hiệp đang cùng anh em công nhân hàng ngày miệt mài trên công trường. Những ngày này, mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt, hay mưa gió, nhưng khi thi công trên giàn cao, anh Hiệp vẫn cố gắng đôn đốc, động viên anh em hăng say làm việc để đảm bảo bàn giao công trình theo đúng tiến độ thành phố đề ra. Anh luôn cố gắng làm việc với tác phong thật nghiêm túc, tận tụy, bám sát công trường, đề cao tinh thần trách nhiệm, làm hết việc chứ không hết giờ, luôn chia sẻ động viên và sát cánh cùng anh em công nhân. Cho đến nay, công trình cũng không để xảy ra bất cứ tai nạn lao động đáng tiếc nào.
HỒNG HIỆP