Tồn đọng thịt heo, hệ lụy dây chuyền

Việc giải cứu đã diễn ra thời gian dài nhưng đến nay, đàn heo vẫn còn tồn đọng rất nhiều. Về vấn đề này, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ.
Lượng heo còn tồn rất lớn
Lượng heo còn tồn rất lớn
Gia cầm rớt giá 
 
Phóng viên:
Việc giải cứu đã thực hiện qua nhiều tháng nhưng đàn heo tồn đọng vẫn tăng, ông đánh giá việc này như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Ngọc:
Trước kia, mỗi ngày cả vùng Đông Nam Bộ xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc khoảng 15.000 con. Cứ tính mỗi ngày tồn đọng thì một tháng tồn khoảng 450.000 con. Chưa kể số heo tồn sẽ đẻ thêm heo con khiến tăng chồng tăng. Qua theo dõi các địa phương tham gia chiến dịch giải cứu heo thì ngoài một số có tác dụng, còn lại thì cách làm vẫn chưa hiệu quả. Trong đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã trực tiếp mua heo của hội viên với giá cao hơn thị trường, sau đó giết mổ và mở cửa hàng bán lẻ tới tay người dùng với giá rẻ hơn thị trường 30%-40% là cách làm hay, đã thu hút được sự quan tâm của người dùng. Tại TPHCM, trước đây, mỗi ngày chỉ tiêu thụ trung bình khoảng 10.000 con heo thì 2 tuần gần đây, lượng heo tiêu thụ tăng vọt. Lò giết mổ An Hạ ở huyện Củ Chi, trước đây giết mổ tối đa 4.000 con heo/ngày thì nay lên xấp xỉ 6.000 con. Tuy nhiên, số lượng heo tiêu thụ tăng thêm ở TPHCM hay Đồng Nai không đáng là bao so với tổng đàn và cũng chưa thể giải quyết hết lượng heo còn tồn rất lớn ở các địa phương. 

Từ khi có chiến dịch, nhiều nơi tăng sử dụng thịt heo, liệu có thể làm cho sản phẩm khác rớt giá không?

Việc giải cứu heo đã làm cho thị trường thực phẩm chăn nuôi tiếp tục xảy ra bất ổn nghiêm trọng. Đến lượt các sản phẩm gia cầm như thịt gà, thịt vịt, trứng... giảm giá thê thảm. Khi mọi sự chú ý tập trung vào con heo thì thịt gia cầm lại trở thành thứ yếu trong bữa ăn gia đình, bếp ăn tập thể. Mặt hàng này vô tình trở thành tâm điểm cung vượt cầu, giá giảm. Trước đây, thịt heo cao giá nên các bếp ăn phải sử dụng thịt gia cầm, có giá trung bình 20.000 - 30.000 đồng/kg tùy thời điểm. Nhưng nay, bếp ăn có thể lấy thịt heo sỉ ở chợ đầu mối nông sản có giá tương tự thịt gia cầm. So với thịt gia cầm, thịt heo vẫn ngon hơn nên các bếp ăn không mặn mà dần với sản phẩm gia cầm. Một số địa phương còn có biện pháp kêu gọi các tổ chức giết mổ, bán thịt heo trực tiếp vào các khu công nghiệp với giá rẻ hơn thị trường 30% - 40% càng khiến cho sản phẩm gia cầm rớt giá. Ở các vùng nông thôn, giá thịt heo còn rẻ hơn nữa nên nhiều gia đình chung tiền mua heo về làm thịt, chia nhau ăn trong một thời gian nên thịt gà, thịt vịt, trứng gia cầm vô tình trở thành “nạn nhân”.

Cần quy hoạch sản xuất bài bản

Vì sao tổng đàn heo vẫn tồn đọng nhiều dù đã giải cứu, thưa ông?

- Do cách làm chưa hiệu quả. Thời gian qua, so với tiêu thụ tăng thêm được 5% - 10% hoàn toàn không có ý nghĩa nhiều để giải cứu đàn heo vốn đang dư thừa. Nói là “giải cứu” nhưng thực tế đến nay, tổng đàn heo vẫn chưa được cải thiện, cung vẫn vượt xa cầu. Bên cạnh đó, cùng với các thông tin cơ quan, tổ chức đang tìm cách giải cứu thịt heo thì trên các diễn đàn mạng, thông tin trên báo đài cũng đưa giá heo tăng trở lại. Đây là thông tin không chính xác vì thực tế, giá heo hơi trên cả nước vẫn không được cải thiện nhiều. Giá heo hơi chỉ giao động từ 17.000 - 25.000 đồng/kg chứ hoàn toàn không tăng lên 30.000 đồng như thông tin trên mạng. Cần tuyên truyền đúng bản chất, để người chăn nuôi không mơ mộng nữa. Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi vẫn có tâm lý tiếp tục chờ hy vọng thị trường Trung Quốc nhập khẩu thịt trở lại. Để một con heo ra thị trường cũng mất hơn 4 tháng nên nhiều người chăn nuôi vẫn tăng đàn heo nái.

Theo ông, cần biện pháp nào để bảo đảm sản xuất bền vững?


- Hiện nay giải cứu chỉ mang tính chất hô hào, động viên là chính. Người chăn nuôi thường không nắm rõ thị trường nên phải tuyên truyền chính xác hơn. Bộ NN-PTNT cần có văn bản gởi cơ quan địa phương cấm không cấp phép chuồng trại mới, thay vì chỉ khuyến cáo hạn chế mở. Nên giảm giá thịt nhiều hơn cho các bếp ăn tập thể, bếp ăn khu công nghiệp để tiêu thụ nhiều hơn. Đặc biệt, nhà nước hỗ trợ cho vay lãi suất bằng 0 đối các tổ chức thu mua thịt heo cấp đông dùng nấu cho bếp ăn tập thể. Nếu triển khai đồng loạt các biện pháp này thì khoảng chừng 2-3 tháng sẽ có hiệu quả và gia cầm không bị rớt giá theo.

Về chăn nuôi, trước mắt tuyên truyền các hộ nhỏ lẻ bán heo non khoảng 50kg để cắt lỗ. Giảm 30% - 50% đàn heo thì sẽ ổn hơn. Cải tạo chuồng cũ, nâng cấp mới cho hiện đại, nâng chất lượng hướng tới xuất khẩu. Thậm chí nghỉ chăn nuôi một thời gian để cân bằng cung - cầu. Về lâu dài, địa phương phải có quy hoạch cụ thể để cung ứng đủ thị trường trong nước. Đó mới là biện pháp căn cơ. 

Cảm ơn ông! 
                                     _____________________________
                                             Kỳ vọng thị trường TPHCM

Sau nhiều ngày “giải cứu”, giá heo hơi tại Đồng Nai đã tăng khoảng 4.000 đồng mỗi kg. Trong khi đó, giá thịt ở các chợ, siêu thị của tỉnh cũng giảm mạnh để chung tay giải cứu nông dân. Giá heo hơi tuy có tăng nhưng hiện vẫn ở dưới mức giá thành sản xuất. Và người nuôi heo đang kỳ vọng nhiều vào thị trường TPHCM để tiêu thụ hết lượng heo trong dân. 

Là thủ phủ của ngành chăn nuôi của cả nước, nên từ đầu tháng 5 đến nay, tỉnh Đồng Nai cũng là địa phương đi đầu trong việc “giải cứu” đàn heo của bà con nông dân. Trong 3 tuần qua, Sở Công thương, Sở NN-PTNT phối hợp cùng Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tiến hành mua heo hơi của các hộ gia đình, với mức giá 30.000 đồng/kg rồi xẻ thịt, bán cho người tiêu dùng với giá thấp hơn thị trường 30% - 40%.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đang dao động ở mức từ 18.000 - 27.000 đồng/kg tùy theo từng loại heo. Cụ thể, giá bán heo hơi loại 1 có giá từ 26.000 - 27.000 đồng/kg; heo hơi loại 2 có giá từ 22.000 - 23.000 đồng/kg và heo quá khổ (trên 140kg) có giá từ 18.000 - 22.000 đồng/kg. Như vậy, so với mức giá ở thời điểm đầu tháng 5, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh hiện đã tăng khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg. 

Theo Ban chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ heo tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 16 cửa hàng thịt heo sạch, bình ổn giá được mở nhằm tiêu thụ heo cho người chăn nuôi. Trong số này, chỉ riêng các cửa hàng mà Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai mở bán đã tiêu thụ được hơn 2.100 con heo. Tuy nhiên, do các chợ và các trung tâm thương mại đã giảm giá bán thịt tương ứng với mức giá tại các cửa hàng nên lượng tiêu thụ heo của các điểm bán cũng đã giảm. Cụ thể, trong 10 ngày đầu, các điểm bán tiêu thụ khoảng 180 - 200 con heo/ngày thì hiện nay đã giảm khoảng 30%, xuống mức từ 120 - 130 con/ngày.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho hay, trước khi thực hiện chiến dịch hỗ trợ người chăn nuôi heo, thì cả tỉnh có khoảng 300.000 con heo, và lượng heo đến kỳ xuất chuồng còn lại trên địa bàn tỉnh là hơn 100.000 con. Trong đó, chủ yếu là heo của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm khoảng 80% lượng heo tồn, còn lại là heo đang tồn trong các hộ chăn nuôi. 

Trong một diễn biến khác, theo ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Thương mại - Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, bên cạnh việc tiếp tục mở thêm các điểm bán thịt sạch, đưa heo từ những huyện còn tồn nhiều đến bán bình ổn tại huyện Nhơn Trạch (huyện có hộ chăn nuôi heo thấp, không có heo tồn), hiện Ban chỉ đạo đang phối hợp với các doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh lên danh sách các bếp ăn tập thể để kết nối kêu gọi tiêu thụ thịt heo giúp người dân. Cũng theo ông Thủy, sau buổi làm việc với các cơ quan chức năng của TPHCM, hiện lượng heo Đồng Nai đưa về tiêu thụ tại thành phố đã tăng thêm khoảng 1.000 - 1.500 con/ngày. 

Để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, Sở Công thương TPHCM cũng đã làm việc với các doanh nghiệp có khả năng thu mua cấp đông, các DN chế biến, các khu chế xuất, khu công nghiệp để tìm giải pháp tăng khả năng tiêu thụ thịt heo. Hiện nhiều hệ thống siêu thị đã cam kết tiếp tục tham gia “giải cứu” người chăn nuôi heo tại Đồng Nai. Theo đó, từ nay cho tới ngày 30-5, Lotte Mart tiếp tục triển khai chương trình “Chung một tấm lòng” bán hàng không lợi nhuận, giảm giá hầu hết các sản phẩm thịt heo từ thịt tươi cho đến các món ăn đã được chế biến từ thịt heo; từ nay tới ngày 25-5, hệ thống siêu thị Co.opMart vẫn áp dụng chương trình giảm giá 10% - 20% cho các mặt hàng thịt heo. 

Rõ ràng, nếu có được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn ở TPHCM thì trong khoảng một tháng nữa, đàn heo tồn ở Đồng Nai sẽ được giải phóng hết, hộ chăn nuôi bớt nhọc nhằn.

Tin cùng chuyên mục