Tổng Bí thư Tô Lâm: Luật pháp ra đời không phục vụ riêng nhóm nào, mà cho toàn dân

Dự cuộc thảo luận tại tổ Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý các cơ quan xây dựng pháp luật phải thay đổi tư duy làm luật từ quản lý sang phục vụ.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Đề xuất quy định bảo hộ công dân trong trường hợp đa quốc tịch

Chiều 17-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

DSC_3369.jpg
Quang cảnh buổi thảo luận Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, chiều 17-5. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Tại tổ Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, góp ý vào dự thảo Luật Ngân sách nhà nước, ĐB Hoàng Văn Cường đánh giá cao tinh thần đổi mới của luật lần này, đó là chủ trương tăng cường vai trò của địa phương trong tự chủ để tạo ra nguồn lực đầu tư, không trông chờ vào ngân sách Trung ương.

Theo ĐB Hoàng Văn Cường, Thủ đô Hà Nội đã có Luật Thủ đô để thực hiện. Đây là Thủ đô của 100 triệu dân, đất nước có vị thế, nhưng nhìn vào diện mạo Thủ đô không hơn nhiều nước. Do đó, ĐB Hoàng Văn Cường đề nghị cần có sự thay đổi căn bản diện mạo Thủ đô. Trong đó, tập trung vào giải quyết những vấn đề bức xúc như môi trường (trong đó có đường sắt đô thị).

DSC_2952.JPG
ĐB Hoàng Văn Cường phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: ĐỖ TRUNG

"Trong bản quy hoạch Thủ đô, chúng tôi đã tính toán, đưa ra mức đầu tư là 9,5 triệu tỷ đồng, với mức ngân sách bỏ ra khoảng 27,5%. Nguồn ngân sách này, Hà Nội phải tự tạo ra ngân sách để đầu tư và trong Luật Thủ đô cũng đã quy định rõ điều này", ĐB Hoàng Văn Cường cho biết và đề nghị cần giữ lại các cơ chế quy định như Luật Thủ đô đã có để Hà Nội phát triển.

Tham gia góp ý vào dự án Luật Quốc tịch Việt Nam, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, hiện nay trong dự thảo vẫn chưa thể hiện rõ cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch. Nếu không thể hiện rõ thì tính khả thi sẽ hạn chế và khó trọng dụng được nhân lực chất lượng cao, khó đáp ứng được yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Do đó, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị, tiếp tục làm rõ cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch; đề nghị rà soát các luật liên quan khi có điều khoản mở rộng đối tượng nhập quốc tịch để liên thông, đồng bộ, thống nhất.

ĐB Đỗ Đức Hồng Hà cũng đề nghị số hóa thủ tục hành chính để đơn giản hóa thủ tục, quy trình nhập quốc tịch; cần có lộ trình cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng liên quan.

DSC_2966.JPG
ĐB Đỗ Đức Hồng Hà phát biểu góp ý tại buổi thảo luận. Ảnh: ĐỖ TRUNG

ĐB Trần Thị Nhị Hà tán thành việc dự thảo luật thừa nhận đa quốc tịch, phù hợp với quốc tế và thông lệ pháp lý của nhiều quốc gia. Đây là chính sách nhân văn để duy trì mối quan hệ giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài với Tổ quốc. Tuy nhiên, ĐB cho rằng trong dự thảo đang thiếu quy định về bảo hộ công dân trong trường hợp đa quốc tịch. Do đó, ĐB đề nghị bổ sung nguyên tắc xác định quốc tịch hiệu lực trong trường hợp đa quốc tịch, làm cơ sở để Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo hộ công dân khi có rủi ro pháp lý ở nước ngoài...

Thay đổi tư duy làm luật

Sau khi nghe 10 đại biểu có ý kiến góp ý, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, thể chế pháp luật là động lực, nền tảng để phát triển, bởi ai cũng phải làm việc theo pháp luật. Do đó, xây dựng, hoàn thiện pháp luật để quản lý xã hội, quản lý hành vi.

DSC_3017.jpg
ĐB Trần Thị Nhị Hà đóng góp ý kiến. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo Tổng Bí thư, sửa hết các luật thì không có thời gian, chính vì vậy mới "vừa chạy vừa xếp hàng". Với mục tiêu cải cách, Tổng Bí thư yêu cầu phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động và kiến tạo cho sự phát triển. Việc xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, có tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển.

Cùng với đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, việc thi hành pháp phải nghiêm minh, công bằng, thực chất gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp, xã hội.

"Luật pháp ra đời không phục vụ cho một nhóm nào, không phục vụ cho lợi ích của nhóm nào, mà phục vụ cho toàn dân, cho xã hội, cho mọi đối tượng. Cùng với đó, phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm và xóa bỏ cơ chế xin cho, triệt tiêu các lợi ích cục bộ", Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý các cơ quan soạn thảo, xây dựng pháp luật. Cũng theo Tổng Bí thư, có được tư duy như vậy, khi đi vào các luật cụ thể mới có được tầm nhìn.

DSC_2958.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm lắng nghe các đại biểu thảo luận góp ý cho các dự án luật. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo thông tin của Tổng Bí thư, hiện nay các cơ quan chức năng đang xây dựng thêm các nghị quyết về giáo dục đào tạo, về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, trên tinh thần phải khẩn trương. Đi vào góp ý cụ thể, Tổng Bí thư định hướng, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, cần thể hiện được niềm vinh dự, dân tộc Việt, sự đoàn kết, tập hợp lực lượng, vai trò của từng cá nhân trong luật.

"Quốc tịch hay hộ chiếu là những điều thiêng liêng", Tổng Bí thư khẳng định. Đồng thời lưu ý, trong dự án Luật Quốc tịch Việt Nam cần huy động được sức mạnh, tôn vinh được những người đóng góp cho đất nước (người nước ngoài). Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng lưu ý, mặc dù xây dựng Luật Quốc tịch sửa đổi, có nhiều điều khoản "thông thoáng", nhưng cần có các quy định để trừng trị những đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của Luật Quốc tịch để làm giả giấy tờ và các loại tội phạm khác liên quan.

Liên quan tới các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Tổng Bí thư Tô Lâm nhìn nhận, đây là những nội dung rất khó khăn và cần được tháo gỡ.

DSC_3215.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo Tổng Bí thư, nhiều năm chúng ta có tiền nhưng không tiêu được, nhu cầu phát triển đất nước rất lớn, phải đi vay vốn ở nước ngoài trong khi chúng ta có tiền không tiêu được. Tổng Bí thư đặt câu hỏi và dẫn chứng, nếu theo Luật Đấu thầu, quy trình cũng mất bằng năm (phải trải qua mấy tháng chọn nhà thầu, mấy tháng mở thầu, mấy tháng chấm thầu…). "Tôi đã nói, muốn sửa Luật Đấu thầu phải có tổng kết lại, xem kết tội mấy ông đấu thầu, tội nặng lắm, tội này là tội làm chậm tiến độ phát triển, tội chất lượng kém, tội hư hỏng cán bộ", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tiếp tục góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Tổng Bí thư dẫn chứng, trong đấu thầu lĩnh vực y tế, nếu cứ đấu thầu như hiện nay, người bệnh không có điều kiện tiếp cận với sự tiến bộ của y tế thế giới. "Bệnh viện vẫn cấp thuốc nhưng thuốc đó không ai uống, rất lãng phí. Người dân không tiếp cận được được sự tiến bộ của y học quốc tế", Tổng Bí thư nêu thực trạng và đề nghị các cơ quan làm luật phải gỡ được những vướng mắc ở các luật liên quan để khơi thông nguồn lực phát triển đất nước.

Tin cùng chuyên mục