
Với hơn 80% số phiếu được kiểm tại vòng bầu cử Tổng thống Philippines, ứng viên đảng Tự do Benigno Aquino, 50 tuổi đang dẫn đầu và bỏ khá xa 2 đối thủ nặng ký khác với tỷ lệ 40,2%. Với tỷ lệ này, người dân Philippines hy vọng ông sẽ hoàn thành mục tiêu tranh cử của mình là chống đói nghèo và chống tham nhũng, những yếu tố cướp đi tiềm năng phát triển đất nước. Bài viết sau được tổng hợp từ các báo Philippines.

Ông Benigno Aquino III.
Con nhà tông...
Sinh năm 1960, ông Aquino III là con trai duy nhất của cố Thượng nghị sĩ Benigno Servillano “Ninoy” Aquino Jr. và cố Tổng thống Maria Corazon “Cory” Sumulong Cojuangco Aquino. Giới quan sát nhận định sự “long lanh” của lý lịch gia đình ông là một trong những yếu tố giúp ông Aquino chiếm được nhiều cảm tình của các cử tri.
Cha ông là một người có uy tín và được coi là biểu tượng vĩ đại của nền dân chủ Philippines trước khi bị ám sát năm 1983. Sau đó, mẹ ông vốn chỉ là một người nội trợ đã trở thành một nhân vật hàng đầu trong cuộc nổi dậy của dân chúng lật đổ chế độ độc tài Marcos năm 1986.
Chính ông Aquino cũng từng thừa nhận mình tham gia tranh cử cũng một phần bởi tình cảm yêu mến của dân chúng dành cho cha mẹ ông. “Họ đã gieo vào tôi những suy nghĩ, thôi thúc tôi hành động để bênh vực những người bị thiệt thòi trong cuộc sống, những người không có quyền lực. Tại sao tôi lại phải đi chệch hướng đi của cha mẹ tôi?”, ông Aquino nói.
Chính vì vậy, khi đoàn xe của ông Aquino hướng tới cuộc diễu hành ở TP Zamboanga - lãnh địa của các nhà chính trị liên minh chống lại Aquino - gần như tất cả người dân TP này đều đổ ra đường đón chào ông. Những biểu ngữ, băng rôn màu vàng, những dải hoa treo xuất hiện khắp nơi. Đường phố Zamboanga tràn ngập người dân, từ người lớn đến trẻ em, đủ mọi tầng lớp đều ùa ra đường phố thể hiện sự ủng hộ ông Aquino bằng cách mặc những bộ đồ màu vàng của phái Aquino.
Đoàn diễu hành của ông Aquino buộc phải di chuyển chậm chạp trong hơn 3 tiếng đồng hồ do hàng ngàn người vây quanh, giơ tay tạo thành hình chữ L nổi tiếng có nghĩa là laban (chiến đấu), mà em ông từng làm khi đi tranh cử. Rất nhiều hoa giấy và những mảnh giấy nhỏ được gió thổi cuốn lên từ các tòa nhà công sở, những tiếng reo hò và hô vang không ngớt “Noynoy!” (tên thân mật của ông Aquino).
Bản thân ông Aquino cũng được dư luận đánh giá cao bởi “những tố chất lãnh đạo sẵn có” mà người dân đang chờ đợi. Ramon del Rosario Jr., Chủ tịch Hiệp hội thương mại Makati, nhận xét: “Ngay từ lần đầu tiên gặp Noy năm 1986, tôi đã nhận thấy ở ông sự trung thực, chín chắn, kiên định và hết sức nguyên tắc. Ông sẽ là một vị tổng thống mạnh mẽ và đáng tin cậy của Philippines”.
Đa phần những cử tri ủng hộ Aquino khi được hỏi đều thống nhất rằng ông là một ứng cử viên chính trực vốn sinh ra để làm thay đổi tình trạng trì trệ đang tồn tại và cứu vãn nền dân chủ ở Philippines.
Chống tham nhũng là mục tiêu hàng đầu
Trong những bài phát biểu vận động tranh cử của mình, ông Aquino đã chỉ ra rằng tham nhũng và đói nghèo là những nguyên nhân chính khiến người dân Philippines mất lòng tin vào chính phủ. Ông cam kết nếu đắc cử, ông sẽ dốc sức, thẳng tay diệt trừ nạn tham nhũng, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế và việc làm, nâng cấp giáo dục và y tế...
Từ một nước giàu có đứng thứ 2 châu Á vào những năm 1950, sau đó Philippines đã ngày một tụt lùi và trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế ít năng động nhất châu lục. Dưới thời cựu Tổng thống Marcos, các ngành công nghiệp chủ chốt đã trở thành các ngành độc quyền do bạn bè và các đồng minh của ông này điều hành, tạo ra sự bè phái, cục bộ làm kìm hãm sự phát triển kinh tế của Philippines.

Ông Aquino (bìa trái) được chào đón nồng nhiệt khi đi vận động bầu cử.
Trong khi Tổng thống đương nhiệm Arroyo được ca ngợi về việc đưa nền kinh tế đến chỗ ổn định trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, thì giới phân tích chỉ ra rằng phần lớn sự tăng trưởng của nước này là nhờ số kiều hối được gửi về bởi những người Philippines làm việc ở nước ngoài (ước tính khoảng 9-11 triệu người, chiếm khoảng 10% tổng dân số nước này).
Dư luận trong nước từ lâu đã mất tin tưởng với chính quyền đương nhiệm khi chính quyền Tổng thống Arroyo bị sa lầy vào những cáo buộc về tham nhũng và gian lận trong bầu cử. Bộ máy tư pháp đang suy giảm và khoảng cách giữa số ít người giàu có và 30% dân số đang sống dưới mức nghèo khổ của Philippines đang gia tăng.
Sự mất lòng tin của người dân Philippines đã đạt đến đỉnh điểm sau vụ thảm sát man rợ tại tỉnh Maguindanao hồi tháng 11-2009. Chắc hẳn không ai có thể quên cái ngày mà những kẻ có vũ trang phục vụ cho gia đình Ampatuans, một gia đình quyền thế ở tỉnh Maguindanao, đã phục kích đoàn tùy tùng của một chính trị gia đối lập, giết hại 57 người, trong đó có gần 30 nhà báo. Cuộc tàn sát khủng khiếp này đã làm chấn động cả Philippines và trở thành tiêu điểm đưa tin toàn cầu. Người dân Philippines thực sự run sợ và không còn dám đặt niềm tin vào khả năng dẹp bỏ sự bất ổn của chính phủ Philippines.
Theo ông Aquino, “tham nhũng là mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ”. Vì vậy, từ khi còn là phụ tá cho người mẹ đang là tổng thống, ông và mẹ ông đã tâm huyết với sự nghiệp chống nạn tham nhũng. Còn nhớ năm 1987, một năm sau khi mẹ ông lên nắm chức Tổng thống, ông Aquino đã suýt bị giết trong một cuộc đảo chính nhằm lật đổ mẹ ông. Vụ tấn công bất thành đó vẫn còn để lại trong cổ ông Aquino một mảnh đạn và đó được coi như một sự nhắc nhở rằng: cái ác vẫn luôn tồn tại, song hành với sự tiến bộ của xã hội. Bất chấp tính mạng bị đe dọa, mẹ ông và ông vẫn quyết tâm đi theo con đường chống tham nhũng, chống bất công trong xã hội.
Khẩu hiệu chính cuộc vận động tranh cử năm 2010 của ông Aquino là: “Không có tham nhũng, không có nghèo đói”. Ông Aquino ước tính khoảng 6 tỷ USD ngân sách nhà nước mỗi năm sẽ được thu hồi nếu không có tệ nạn này. Quyết tâm của ông Aquino được thể hiện rõ qua những chi tiết rất nhỏ trong cuộc vận động tranh cử.
Trong khi 2 ứng cử viên Estrada và đặc biệt là nhà tài phiệt Villar thoải mái chi tiêu cho cuộc vận động tranh cử như các nhà tài trợ hào phóng cho các chương trình quảng cáo trên truyền hình thì truyền thông Philippines đã đăng tải một chi tiết rất đáng chú ý về sự giản dị của ông Aquino: Ông đã nổi giận “đùng đùng” và buộc các trợ lý phải trả lại những đôi giày quá đắt, chỉ dùng để đi vận động tranh cử.
Mục tiêu chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế cũng được thấy rõ trong cưỡng lĩnh tranh cử của ông Aquino. Ông nhấn mạnh: Tham nhũng đã cướp đi những quyền cơ bản nhất của cuộc sống người dân như chăm sóc y tế, giáo dục; ngăn cản đầu tư vào nền kinh tế… Ông Aquino cho biết, chính phủ của ông sẽ dành nhiều quan tâm về phát triển giáo dục, đầu tư vào con người; xóa đói, giảm nghèo và xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia. Chăm sóc sức khỏe công động, nâng cấp hệ thống y tế cũng là vấn đề ông Aquino quan tâm bởi theo ông người giàu hay người nghèo đều có quyền được hưởng những quyền lợi cơ bản như nhau.
Chính sự chính trực, hết lòng vì người dân mà ông Aquino đã chiếm được cảm tình của cử tri Philippines. Chris Tio, một doanh nhân ở tỉnh Cebu (phía Nam thủ đô Manila) tự nguyện bỏ công việc và gia đình, tình nguyện tham gia chiến dịch vận động tranh cử cho ông Aquino, đã xúc động khi đề cập vấn đề “đạo đức của Aquino”. Ông Tio nói: “Thượng nghị sĩ này là một người đặc biệt, chúng ta đang ủng hộ cho một con người hết lòng đấu tranh cho sự phát triển của dân tộc này. Chỉ có ông mới làm thay đổi được Philippines”.
Cuộc tổng tuyển cử năm 2010 mang lại những thay đổi lớn về các vị trí cầm quyền ở đất nước Đông Nam Á nên đã thu hút sự chú ý của cả người dân Philippines lẫn cộng đồng quốc tế. Khoảng 40 triệu cử tri Philippines đã đi bỏ phiếu để bầu ra một tân tổng thống, một phó tổng thống, 12 thượng nghị sĩ, 287 hạ nghị sĩ và khoảng 17.000 quan chức địa phương. |
ĐỖ VĂN