Tổng thống Mỹ Barack Obama tái khởi động quan hệ với châu Phi

Ngày 29-6, Tổng thống Barack Obama đến Nam Phi, điểm dừng chân thứ hai của người đứng đầu Chính phủ Mỹ trong lịch trình công du châu Phi kéo dài 8 ngày, từ 26-6 đến 3-7. Trước đó, ông Obama đã đến Senegal và điểm dừng chân sau Nam Phi là Tanzania. Giới truyền thông Mỹ nhận định chuyến công du này gặp nhiều khó khăn bởi lẽ, sức hút của ông Obama đối với châu lục này đang nhạt dần so với thời điểm đắc cử năm 2008.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tái khởi động quan hệ với châu Phi

Ngày 29-6, Tổng thống Barack Obama đến Nam Phi, điểm dừng chân thứ hai của người đứng đầu Chính phủ Mỹ trong lịch trình công du châu Phi kéo dài 8 ngày, từ 26-6 đến 3-7. Trước đó, ông Obama đã đến Senegal và điểm dừng chân sau Nam Phi là Tanzania. Giới truyền thông Mỹ nhận định chuyến công du này gặp nhiều khó khăn bởi lẽ, sức hút của ông Obama đối với châu lục này đang nhạt dần so với thời điểm đắc cử năm 2008.

Những trở ngại đầu tiên

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Obama tới châu lục này kể từ khi tái cử nhiệm kỳ hai năm 2012 và là chuyến thăm thứ hai kể từ khi chính thức lên cầm quyền năm 2009. Dừng chân tại Nam Phi, ông Obama đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ với cựu Tổng thống Nelson Mandela và hy vọng ông sớm bình phục. Hiện nay, mọi quan tâm của đất nước Nam Phi đang đổ dồn về sức khỏe ông Mandela đã khiến chuyến thăm của ông Obama càng trở nên mờ nhạt.

Ông Obama trong chuyến thăm Senegal.

Ông Obama trong chuyến thăm Senegal.

Theo New York Times, trong chuyến thăm này, Tổng thống Obama sẽ đề xuất một số sáng kiến về thương mại và y tế, kêu gọi đầu tư cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp của châu Phi. Tuy nhiên, sự quan tâm thật sự của Tổng thống Obama đối với châu Phi vẫn còn là hoài nghi lớn trong suy nghĩ người dân nơi đây, khi mà trong suốt nhiều năm qua, Mỹ đã để Trung Quốc vượt lên dẫn đầu về đầu tư. Theo hãng tin Reuters, nếu so với các thời Tổng thống Mỹ trước đây, có thể nói ông Obama đã tự đánh mất nhiều cơ hội tại châu Phi. So sánh từ hoạt động của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, trong 8 năm cầm quyền, ông Clinton đã thăm 10 quốc gia châu Phi và đã ký Luật Phát triển và cơ hội của châu Phi (AGOA), trong đó dỡ bỏ các hạn chế thương mại đối với hơn 6.000 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ từ 35 quốc gia châu Phi.

Còn dưới thời của ông George W. Bush, số nước châu Phi được đón tiếp vị Tổng thống thứ 43 của Mỹ lên tới con số 11. Ngoài ra, ông Bush cũng thúc đẩy hỗ trợ trực tiếp cho chương trình y tế được phát động vào năm 2003, nhằm giúp đỡ 4 triệu người châu Phi chống lại dịch HIV/AIDS, thành lập cơ quan viện trợ nước ngoài có nhiệm vụ cung cấp viện trợ của Mỹ cho các nước châu Phi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về quản lý hiệu quả.

Đến những năm ông Obama cầm quyền, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng vọt từ mức 10 tỷ USD năm 2000 lên 200 tỷ USD năm 2012. Trung Quốc còn đầu tư mạnh tay vào châu lục này với số tiền lên tới hơn 75 tỷ USD và cứ 5 năm một lần, Bắc Kinh lại tổ chức Hội nghị Trung - Phi quy tụ gần 50 nhà lãnh đạo châu Phi để thúc đẩy quan hệ với châu lục này. Bên cạnh đó việc Mỹ lúc nào cũng áp đặt cái gọi là tiêu chuẩn dân chủ nhân quyền kiểu Mỹ đã cản trở sự hiện diện của các doanh nghiệp Mỹ tại châu Phi.

        Nỗ lực giành lại vị thế

Lý giải cho sự thiếu quan tâm của Chính phủ Mỹ vào châu Phi trong những năm qua, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học George Washington, David Shinn - từng là Đại sứ Mỹ ở Ethiopia và Burkina Faso, nói rằng cuộc khủng hoảng tài chính, việc dốc toàn lực cho việc chấm dứt hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan đã cắt giảm rất nhiều chính sách can dự châu Phi trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama.

Tuy có lơ là nhưng ông Obama được ghi nhận đã can thiệp vào cuộc khủng hoảng Sudan khi cử một đặc phái viên đến châu lục này để giúp tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Nam Sudan vào năm 2011. Năm 2012, ông Obama cũng đã mời các nhà lãnh đạo châu Phi đến dự Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại trại David để thảo luận an ninh lương thực. Chương trình này hiện đang được thực hiện tại 20 quốc gia, trong đó có Senegal và Tanzania là hai nước mà ông Obama đến thăm trong chuyến công du châu Phi.

Trước khi ông Obama lên đường tới châu Phi, chính phủ của ông Obama đã kịp điều chỉnh chính sách đối với châu lục này. Đó là việc bổ nhiệm bà Linda Thomas - Greenfield làm Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề châu Phi và cựu Thượng nghị sĩ Russ Feingold vào vị trí Đặc phái viên ở vùng Hồ Lớn, bao gồm Uganda, Rwanda, Burundi và CHDC Congo. Cộng thêm những cam kết mang lại thúc đẩy tăng cường kinh tế, Washington hy vọng chuyến thăm sẽ tái khởi động quan hệ hợp tác tích cực giữa Mỹ với châu Phi, nơi được Mỹ đánh giá sẽ nổi lên thành khu vực phát triển nhanh và mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ.

THANH HẰNG (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục