
Tổng thống Mỹ George Bush ngày 1-3 bắt đầu chuyến công du 3 nước khu vực Nam Á là Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan. New Delhi đã được xếp vào danh sách các thủ đô thế giới mà một tổng thống Mỹ cần phải đến thăm. Quan hệ chín muồi hơn giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ tăng cường vị thế một cường quốc thế giới của Ấn Độ.

Tổng thống Mỹ George W. Bush (bên trái) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh
Về chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ G.W. Bush, bình luận trên các báo lớn của Mỹ cho rằng chuyến thăm này sẽ có tác động chiến lược đến quan hệ Mỹ-Ấn và địa vị quốc tế của Ấn Độ.
Theo kế hoạch, mục đích chính của chuyến thăm lần này sẽ là thỏa thuận chia sẻ công nghệ hạt nhân dân sự giữa Mỹ với Ấn Độ. Đây được coi là một bước đột phá lớn vì hồi năm 1998 Mỹ từng kêu gọi áp dụng lệnh trừng phạt quốc tế sau khi Ấn Độ thử quả bom hạt nhân đầu tiên.
Ngoài cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, ông Bush sẽ gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự biến chuyển trong thái độ của Mỹ - coi Ấn Độ là một nền kinh tế mà họ không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, người Ấn lại chẳng mấy mặn mà với kế hoạch trên như Nhà Trắng mong đợi. Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin đồng minh thuộc liên minh cánh tả của Thủ tướng Singh có kế hoạch biểu tình phản đối chuyến thăm của ông Bush.
Bài phát biểu dự kiến của ông Bush thay vì được đọc tại Nghị viện Ấn Độ, nơi Tổng thống B.Clinton từng phát biểu trong chuyến thăm hồi năm 2000, đã phải chuyển địa điểm sang một trong những pháo đài lịch sử tại New Delhi sau khi các nghị sĩ đe dọa sẽ chất vấn ông Bush. Đặc biệt vấn đề chia sẻ công nghệ hạt nhân của Mỹ với Ấn Độ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ.
Theo những điều kiện để ký thỏa thuận, Mỹ yêu cầu Ấn Độ phải tách biệt rõ ràng hơn giữa các chương trình hạt nhân quân sự và dân sự. Nhưng người Ấn thì phản đối một vài điểm liên quan tới chi tiết này vì nó đụng chạm tới vấn đề chủ quyền quốc gia.
Những điểm liên quan là: những lò phản ứng hạt nhân nào của Ấn Độ sẽ được coi là công trình hạt nhân dân sự để Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thanh sát; hệ thống làm giàu uranium do Ấn Độ tự nghiên cứu có bị thanh sát hay không; ngoài những lò phản ứng hạt nhân ra, các trạm nghiên cứu và các công trình liên quan tới hạt nhân có bị thanh sát hay không. Như vậy, để tìm được tiếng nói chung trong mọi vấn đề, nhất là công nghệ hạt nhân, Mỹ và Ấn Độ vẫn cần thời gian để cân nhắc.
VIỆT ANH