- BP đã tốn 1,6 tỷ USD dọn dầu tràn
Hãng AFP đưa tin, vào ngày 14-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến công du khu vực đang bị “thủy triều đen” tấn công trên vịnh Mexico.
Đây là chuyến công du thứ 4 của Tổng thống Obama đến khu vực này sau vụ nổ làm chìm giàn khoan ở ngoài khơi vịnh Mexico, nhằm mục đích đánh giá, xem xét ảnh hưởng của sự cố dầu loang đối với các vùng ven biển thuộc bang Mississippi, Alabama và Florida.
Sau chuyến thị sát, ông Obama sẽ có một bài phát biểu trên truyền hình để thông báo cho người dân Mỹ về biện pháp giải quyết đối với sự cố này.
Vụ tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ bắt đầu vào ngày 20-4 với vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon khiến 11 công nhân thiệt mạng. Vết dầu loang kể từ khi mới phát hiện chỉ dài 3,2 km, rộng 1m, tại hòn đảo giáp ranh giữa bang Mississippi và bang Alabama, nay đã kéo dài hơn 200km với gần 100 triệu lít dầu tràn. Thậm chí, các chuyên gia của một công ty năng lượng Mỹ dự đoán, dầu sẽ tiếp tục bị rò rỉ cho đến tháng 12 năm nay, nếu các biện pháp khắc phục mới của BP không đem lại hiệu quả thực sự.
Tập đoàn năng lượng BP của Anh đã sử dụng các robot để lắp đặt các máy cảm biến dưới biển sâu nhằm đánh giá chính xác hơn lượng dầu đang đổ ra biển, đồng thời lên các kế hoạch đáp ứng yêu cầu của Chính phủ Mỹ. BP cho biết sẽ kiểm soát thêm 1,5 triệu lít dầu mỗi ngày bắt đầu từ ngày 15-6 bằng cách dẫn dầu lên một hàng rào gỗ nổi đặc biệt được lắp đặt trên một giàn khoan, sau đó đốt số dầu đó.
Hiện BP đang hút khoảng 2,4 triệu lít dầu mỗi ngày, nhưng hàng trăm ngàn lít “vàng đen” vẫn tiếp tục tràn ra biển. BP có kế hoạch sử dụng những tàu chở dầu lớn hơn, những đoạn ống có khả năng nổi một cách linh hoạt hơn và một nắp chặn dầu cố định gắn trên giếng dầu để tăng cường khả năng ngăn chặn “thủy triều đen”. Các công cụ ngăn chặn dầu tràn đã sẵn sàng đưa vào hoạt động trước trung tuần tháng 7 tới.
BP cho biết, tổng chi phí để giải quyết các sự cố tràn dầu từ cuối tháng 4 cho đến nay đã vượt qua con số 1,6 tỷ USD. Chưa kể đến những thiệt hại hàng chục tỷ USD, do giá cổ phiếu của tập đoàn này đã giảm xuống 49% trong những tuần giao dịch trên thị trường chứng khoán vừa qua.
BP hiện đang chịu sức ép từ Chính phủ Mỹ, yêu cầu phải lập một quỹ tài chính để giải quyết hậu quả của vụ tràn dầu đối với các khu vực liên quan. Dự kiến vấn đề này sẽ được các bên bàn thảo trong cuộc gặp giữa chính quyền liên bang Mỹ và đại diện BP ngày 16-6 tới.
P.Nam
Thông tin liên quan |
- Mỹ điều tra hình sự vụ chìm giàn khoan - Mỹ: Khóa miệng giếng để ngăn dầu tràn |