Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển Supachai Panitchpakdi: Không nên nôn nóng thúc đẩy tăng trưởng

Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển Supachai Panitchpakdi: Không nên nôn nóng thúc đẩy tăng trưởng
  • Kinh tế châu Á năm 2009 sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 6%

Bên lề Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 2, ông Supachai Panitchpakdi, Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), nguyên Phó Thủ tướng Thái Lan (ảnh), đã chia sẻ với báo giới những nhận định của mình về bức tranh kinh tế toàn cầu và đưa ra nhiều lời khuyên thiết thực cho Chính phủ Việt Nam.

- PV: Trong bối cảnh hiện nay, ông dự đoán như thế nào về một tốc độ tăng trưởng hợp lý cho VN trong năm 2009?

Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển Supachai Panitchpakdi: Không nên nôn nóng thúc đẩy tăng trưởng ảnh 1

Ông SUPACHAI PANITCHPAKDI: Tốc độ tăng trưởng suy giảm đang là vấn đề của kinh tế toàn cầu. Ngay cả một nền kinh tế lớn mạnh như Mỹ đặt ra kế hoạch cho năm 2008 tăng có 1%, vậy mà với nguy cơ của “đám mây đen” khủng hoảng tài chính, Mỹ có thể chỉ đạt 0,8%, thậm chí thấp hơn. Tốc độ tăng trưởng năm 2008 của châu Á ở mức 6% là khả quan (7% hầu như là điều không thể).

Tình hình này, theo tôi, sẽ tiếp tục trong năm 2009 và tốc độ tăng trưởng trong năm 2009 cũng chỉ khoảng 6%, đó là nếu Trung Quốc và Ấn Độ “trụ” tốt. Chính vì thế mà Việt Nam không nên sốt ruột đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Đi ngược lại một trận cuồng phong là điều không thể và dĩ nhiên là không nên cố gắng làm vậy. Cách khôn ngoan hơn là nương theo chiều gió và chuẩn bị tinh thần, sức khỏe để có thể chạy nhanh hơn, xa hơn khi trời yên bể lặng trở lại.

- Ông có thể nói cụ thể hơn những điều mà, theo ông, Chính phủ Việt Nam nên làm lúc này?

Dành thời gian để cải thiện hạ tầng, giảm thâm hụt thương mại và đưa tỷ giá về mức bình thường theo hướng tăng giá trị của đồng Việt Nam. “Neo” giá đồng bản tệ quá lâu là một sai lầm của nhiều nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi năm 1997. Đối với chính sách lãi suất hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng, song những biện pháp thắt chặt tiền tệ không nên thái quá và phải đi kèm với nhiều giải pháp khác nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, chẳng hạn như có thể xem xét cắt giảm một số loại thuế nhất định.

Yếu tố quan trọng không kém là đảm bảo cuộc sống cho người lao động, tuyệt đối tránh tình trạng “lương tăng giá tăng”. Bên cạnh đó, tôi rất tán thành quan điểm của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về việc tìm kiếm các nhà đầu tư đã khẳng định được tên tuổi, thương hiệu làm đối tác chiến lược trong quá trình cổ phần hóa các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước lớn.

Vấn đề của VN hiện nay không phải là thu hút được bao nhiêu vốn đầu tư nước ngoài, mà là chất lượng nguồn vốn, là khả năng hấp thụ nguồn vốn đó để chuyển đổi thành sự tăng trưởng kinh tế và cải thiện điều kiện xã hội. Cho dù khi kinh tế khó khăn, dòng đầu tư có suy giảm thì cũng không quá đáng ngại, bởi các nhà đầu tư nhất định sẽ phải đầu tư vào một khu vực nào đó. Mà xét cho cùng thì châu Á, trong đó có Việt Nam, vẫn là khu vực hấp dẫn bậc nhất! Tương tự đối với vốn đầu tư trong nước, cần có sự xem xét, dịch chuyển vốn đầu tư từ dự án kém sang dự án thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.

- Các nền kinh tế châu Á có thể làm gì để phòng ngừa nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính?

Các thị trường tài chính châu Á nói chung chưa có mức độ hội nhập toàn cầu sâu như châu Âu hoặc Mỹ nên cũng sẽ không phải “gánh” những khoản thua lỗ quá nặng nề. Tôi cho rằng mối quan hệ hợp tác giữa các nền kinh tế cần được tăng cường và đa dạng hóa, không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà cả trong lĩnh vực tài chính tiền tệ. Đơn cử, các nền kinh tế trong khu vực có thể cùng nhau xây dựng và thống nhất áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm toán, minh bạch hóa thông tin tài chính để giảm thiểu rủi ro.

Anh Phương ghi

Tin cùng chuyên mục