TP Hồ Chí Minh: 24 quận, huyện đồng loạt triển khai phân loại rác tại nguồn

UBND TPHCM vừa chỉ đạo các quận huyện đẩy mạnh triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn (PLRTN) trên toàn địa bàn thành phố.
Theo đó, việc triển khai chương trình này sẽ không thực hiện dưới hình thức thí điểm và phải thực hiện có hiệu quả. UBND TP yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện chương trình này của các quận huyện để có phương án điều chỉnh phù hợp, đảm bảo đến năm 2020, các hộ gia đình phải thực hiện được hoạt động PLRTN trước khi chuyển giao cho các đơn vị thu gom rác. 
Không thể mãi thí điểm 
Liên quan đến vấn đề này, UBND TPHCM cho rằng, trong thời gian qua, công tác PLRTN đã được triển khai thí điểm tại các quận 1, 3, 5, 6, 12, Bình Thạnh, Tân Phú… Việc triển khai được thực hiện đa dạng ở các đối tượng chủ nguồn thải khác nhau và lực lượng thu gom rác thải sau phân loại bao gồm lực lượng chính quy và lực lượng thu gom rác dân lập. Đơn cử như tại quận 3, thực hiện PLRTN trên toàn tuyến đường Võ Văn Tần với 693 hộ gia đình, trường học, hộ kinh doanh, cơ sở y tế tham gia. Rác sau khi được chủ nguồn thải phân loại chuyển giao cho lực lượng thu gom rác chính quy là Công ty Dịch vụ công ích quận 3 thu gom chiếm 74%. Số còn lại do lực lượng thu gom rác dân lập chiếm 24%. Tương tự, trường hợp quận 6, trong số gần 5.100 chủ nguồn thải được tuyên truyền, vận động tham gia thực hiện PLRTN, có đến 95% lượng rác sau phân loại do lực lượng thu gom rác dân lập thu gom. Số ít còn lại do lực lượng thu gom rác chính quy thực hiện. Cá biệt ở quận Bình Thạnh, 100% lực lượng thu gom rác thải sau phân loại từ các hộ gia đình là lực lượng thu gom rác dân lập…
TP Hồ Chí Minh: 24 quận, huyện đồng loạt triển khai phân loại rác tại nguồn ảnh 1 Thu gom rác tại một khu cao ốc ở huyện Bình Chánh để đưa đi phân loại, xử lý .  Ảnh: THÀNH TRÍ
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết sở dĩ áp dụng đa dạng các đối tượng chủ nguồn thải tham gia thực hiện PLRTN và đối tượng thu gom cũng linh hoạt (cả lực lượng chính quy và dân lập) nhằm đánh giá khách quan hiệu quả tình hình triển khai thực hiện. Đồng thời, xem xét mức độ phù hợp khi triển khai chương trình tương ứng với hoạt động thu gom rác trên địa bàn thành phố vốn đang có sự xen lẫn phức tạp giữa lực lượng thu gom rác chính quy (chiếm 40%) và lực lượng thu gom rác dân lập (chiếm 60%). 
Kết quả sau 2 năm thực hiện thí điểm chương trình PLRTN tại các quận huyện cho thấy, tùy vào mỗi quận mà có đến 50% - 95% các chủ nguồn thải tham gia PLRTN. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, hoạt động thí điểm PLRTN tại các quận huyện còn nhiều hạn chế. Nhiều người dân chỉ thực hiện khi có sự tuyên truyền, vận động của lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt. Trong khi lực lượng này lại chủ yếu là kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau nên việc tuyên truyền không được thường xuyên. Thậm chí, nhiều người dân còn cho rằng, chương trình chỉ thực hiện thí điểm, theo phong trào, không duy trì dài hơi nên từ chối tham gia. Riêng một số khu vực chung cư cũ, nhà tập thể, khu dân cư có nhà trọ cho thuê khó áp dụng vì không có hệ thống thu gom rác và chủ nguồn thải không ổn định. Chính quyền địa phương cũng chưa có giải pháp quản lý, chính sách hỗ trợ y tế, trang thiết bị lao động, bảo hộ lao động… hiệu quả đối với lực lượng thu gom rác dân lập nên chưa khuyến khích được họ tham gia duy trì chương trình. 

Xóa rào cản “bất hợp tác” 
Trao đổi về kinh nghiệm triển khai PLRTN trên địa bàn quận Tân Phú, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết đơn vị đã triển khai PLRTN tại 6 tuyến đường và 9 lốc chung cư tại quận Tân Phú. Tổng số hộ tham gia lên đến gần 2.000 hộ. Dự án được triển khai từ năm 2013 và đến nay vẫn duy trì 70% - 85% số hộ gia đình tham gia, duy trì và thực hiện bền vững hoạt động PLRTN. Để làm được điều này, yếu tố đầu tiên là phải nhất quán tư tưởng quyết tâm thực hiện chương trình của ban lãnh đạo công ty. Kế đến là chuẩn hóa công tác thu gom. Theo đó, lực lượng thu gom phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị theo phân loại (1 thùng thu gom rác hữu cơ và rác còn lại, 1 thùng thu gom rác vô cơ). Lịch thu gom 2 loại rác đã được người dân phân loại phải xác định phù hợp với thói quen sinh hoạt của đa số người dân tại địa phương và duy trì cố định trong tuần. Hoạt động thu gom phải được thực hiện thường xuyên, tránh để người dân hoài nghi về tính ổn định lâu dài của việc thực hiện dự án, dẫn đến tâm lý hoài nghi và bất hợp tác từ phía người dân. Cuối cùng là công tác tuyên truyền phải được thực hiện định kỳ mỗi tháng 1 lần để gia tăng số hộ chưa tham gia vào dự án cũng như củng cố niềm tin với những hộ đã và đang duy trì tham gia dự án.
“Không thể mãi vẫn thí điểm PLRTN”, đồng chí Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhấn mạnh tại hội nghị triển khai giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Do vậy, đồng chí Lê Văn Khoa chỉ đạo, đến tháng 6-2017, các quận huyện phải đồng loạt triển khai chương trình PLRTN. Cụ thể, UBND các quận huyện lập hệ thống thu gom, vận chuyển đảm bảo thu gom riêng biệt 2 loại chất thải sau phân loại. Các công ty dịch vụ công ích quận huyện cân đối các phương tiện vận chuyển hiện có hoặc đầu tư thêm để đảm bảo vận chuyển riêng 2 loại chất thải sau khi phân loại đến các khu xử lý theo điều phối của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ngoài ra, phải quản lý, kiểm tra, giám sát được các hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện chương trình trên và có kết quả đánh giá chi tiết quá trình thực hiện. Từ đó, tạo cơ sở để xây dựng và áp dụng biện pháp chế tài lực lượng thu gom rác dân lập trong trường hợp lực lượng này không đảm bảo các yêu cầu về trang thiết bị, quy cách thu gom rác theo phân loại. Trường hợp cần thiết, các địa phương phải xây dựng phương án sử dụng lực lượng thu gom rác chính quy thay thế lực lượng thu gom rác dân lập để đảm bảo hiệu quả việc triển khai chương trình PLRTN trên toàn địa bàn thành phố. UBND TP cũng yêu cầu Sở Tài chính có chính sách hỗ trợ tài chính cho các quận huyện để triển khai chương trình trên. 
Có thể thấy, trong tổng số gần 8.000 tấn rác thải phát sinh mỗi ngày trên địa bàn thành phố, có đến 90% phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Nếu chương trình PLRTN thực hiện thành công, 60% tổng lượng rác thải sẽ được tái chế. Như vậy, giảm đáng kể áp lực về quy hoạch diện tích đất lớn để chôn lấp rác, giảm ngân sách chi phí cho xử lý rác thải và đặc biệt, giảm nguy cơ phát sinh ô nhiễm thứ cấp do bãi chôn lấp rác gây ra.

Tin cùng chuyên mục