TP Hồ Chí Minh: Kiến nghị đột phá về đổi mới giáo dục

Trong buổi làm việc đầu tháng 6-2016 giữa lãnh đạo thành phố và Bộ GD-ĐT,  Sở GD-ĐT TPHCM đã trình bày những định hướng phát triển ngành giáo dục trên địa bàn và xin Bộ cho phép một số cơ chế đặc thù để triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.
TP Hồ Chí Minh: Kiến nghị đột phá về đổi mới giáo dục

Trong buổi làm việc đầu tháng 6-2016 giữa lãnh đạo thành phố và Bộ GD-ĐT,  Sở GD-ĐT TPHCM đã trình bày những định hướng phát triển ngành giáo dục trên địa bàn và xin Bộ cho phép một số cơ chế đặc thù để triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.

Theo đó, Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa riêng phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT.

Chương trình cấp học sẽ được xây dựng theo hướng mở, trong đó có một số môn học bắt buộc  gồm Văn – Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa là 8 môn trong 1 năm.

Ngoài ra, Sở kiến nghị cho phép học sinh các trường chuyên, lớp chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản.

TP Hồ Chí Minh: Kiến nghị đột phá về đổi mới giáo dục ảnh 1

Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh đã được thực hiện tại TPHCM

Trong bản kiến nghị, Sở GD-ĐT TPHCM cũng mong muốn giao quyền tự chủ 100% cho các trường cao đẳng, trung cấp công lập tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh.

Với đặc thù là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất, có nhiều người lao động từ các nơi đổ về, Sở còn kiến nghị với các bộ liên quan chấp thuận tăng biên chế giáo viên mầm non, để có thể thực hiện được hai ca giữ trẻ cho con công nhân đến 20 giờ 30 và giữ trẻ các ngày cuối tuần.

Sở cũng đặt ra nhiều mục tiêu trong những năm tới. Trong đó, đến cuối năm 2020, 100% các trường học trên địa bàn thành phố đạt chuẩn quốc gia về tiêu chí cơ sở vật chất; có 300 phòng học/10.000 người dân trong độ tuổi từ 3 tuổi đến 18 tuổi (kể cả người dân không có hộ khẩu thường trú hoặc KT3).

Duy trì và nâng cao kết quả đạt được từ đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp trên thành phố, đảm bảo đến năm 2020, 50% học sinh thành phố sau khi tốt nghiệp THPT đạt được trình độ ngoại ngữ có tiếp tục theo học các chương trình đại học, cao đẳng quốc tế, 70% học sinh các cấp đạt được trình độ ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế.

Cũng với mốc cuối năm 2020, tỷ lệ người dân thành phố biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 đạt mức 99,8%. Từ năm 2020, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm đối với người dân thành phố trong độ tuổi đi học. 

THÚY QUỲNH

Tin cùng chuyên mục