TPHCM công bố 10 dấu ấn nổi bật ngành giáo dục và đào tạo năm 2023

Trưa 3-1, Sở GD-ĐT TPHCM đã công bố 10 dấu ấn nổi bật của ngành giáo dục và đào tạo TPHCM năm 2023.

Thứ nhất, công tác chuyển đổi số đóng vai trò là nền tảng cơ bản đổi mới giáo dục

Năm 2023 đánh dấu những bước chuyển mạnh mẽ của ngành giáo dục TPHCM trong chuyển đổi số giáo dục. Cụ thể, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành, xác thực với CSDL dân cư quốc gia của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” đạt tỷ lệ 90%.

Từ nền tảng chuyển đổi số đã thực hiện, ngành giáo dục và đào tạo đã áp dụng bản đồ GIS để thực hiện tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn thành phố. Đây được xem là đổi mới quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, công bằng, minh bạch, đảm bảo hiệu quả bố trí học sinh học ở các trường gần nhà, tạo thuận tiện cho phụ huynh đưa đón.

z5032406881158-9183b298edb421760f66be54b0c6a2d4-408.jpg
Triển khai mô hình "Lớp học thông minh" tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức)

Cùng với đó, toàn ngành triển khai phương án dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến cho học sinh tại những nơi có điều kiện khó khăn, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy các bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật theo mô hình Lớp học số; đưa vào sử dụng hệ sinh thái giáo dục thông minh, thư viện thông minh, phòng thí nghiệm thực hành hiện đại, hệ thống quản lý học tập trực tuyến, xây dựng và phát triển học liệu số ở tất cả các môn học thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Hiện nay, toàn ngành phấn đấu thực hiện công trình xây dựng 50 trường học số chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025).

Thứ hai, nâng cao thể lực, tầm vóc giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện

Nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định 641/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030, đáp ứng mục tiêu theo Quyết định 1660/QĐ-TTg của Thủ tướng, giáo dục mầm non thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đổi mới các bài tập vận động.

Năm 2023, Sở GD-ĐT TPHCM đã triển khai thành công sự kiện “Năng lượng mới - cả ngày vui" góp phần nâng cao tầm vóc Việt cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời. Việc đổi mới các hoạt động giáo dục hướng đến phát triển thể chất để trẻ có thể lực tốt, năng lượng tích cực, hướng đến rèn luyện thể chất góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực trẻ một cách toàn diện.

z4969684770384-f3994c2b47e72edcbba6c9feeac81425-434.jpg
Học sinh mầm non tham gia Ngày hội "Năng lượng mới cả ngày vui" được tổ chức tại tất cả cụm chuyên môn trên toàn thành phố

Thứ ba, đổi mới dạy học trong triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Việc triển khai CT GDPT 2018 đã được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, chú trọng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Cụ thể, giáo dục tiểu học đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học lịch sử thông qua các hoạt động phong phú, đa dạng như tổ chức Hội thi nhạc kịch lịch sử bằng tiếng Anh, Ngày hội “Em yêu sử Việt”... giúp học sinh tiếp thu kiến thức lịch sử một cách nhẹ nhàng, vui tươi.

Thứ tư, 100% học sinh THCS được hỗ trợ học phí

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhằm tạo điều kiện để không một học sinh nào bỏ học vì không có khả năng đóng học phí, thành phố triển khai Nghị quyết số 36/2023/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM trong năm học 2023 – 2024.

Trên cơ sở vận dụng chính sách hỗ trợ học phí theo Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND (ngày 11-10-2022) của HĐND TPHCM thực hiện cho năm học 2022 – 2023, Nghị quyết số 36/2023/NQ-HĐND đã có đột phá mới là áp dụng sớm 2 năm so với lộ trình miễn học phí đối với học sinh THCS.

Tổng kinh phí thực hiện miễn học phí cho học sinh THCS là 1.114 tỷ đồng.

Thứ năm, thực hiện "Trường học hạnh phúc" trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố

TPHCM là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bộ tiêu chí gồm 18 tiêu chí được chia làm 03 nhóm tiêu chuẩn về Con người, Dạy học và hoạt động giáo dục, Môi trường.

35bf4a592f2d8773de3c-1224.jpg
Học sinh tiểu học hào hứng tham gia Ngày hội "Em yêu sử Việt" do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức trong học kỳ 1 năm học 2023-2024

Thứ sáu, ngành giáo dục và đào tạo đồng hành cùng doanh nghiệp

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính năm 2023 gắn với Chủ đề năm của thành phố “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và hoàn thiện môi trường đầu tư”, ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp.

Trong đó, lần đầu tiên Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức Hội nghị đối thoại cùng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm lắng nghe doanh nghiệp trình bày những vấn đề đang gặp khó khăn, thắc mắc cần giải đáp về đất đai, đội ngũ, cơ sở vật chất, sử dụng lao động người nước ngoài, chuyên môn trong giảng dạy, thực hiện chế độ chính sách….

Bên cạnh đó, ngành cũng triển khai các giải pháp khác như mở kênh hỏi đáp sau hội nghị đối thoại trên website Sở GD-ĐT TPHCM; mở kênh tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật dành cho doanh nghiệp đầu tư giáo dục; hướng dẫn, tập huấn đầy đủ các quy định hiện hành tạo sự yên tâm đầu tư của các doanh nghiệp.

Thứ bảy, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục

Năm 2023, ngành giáo dục và đào tạo TPHCM triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn với nhiều kết quả tích cực. Đây là một dấu ấn quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bồi dưỡng nhân cách, lối sống cho học sinh, sinh viên thành phố.

Kết quả, 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh một cách trang trọng, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế cả về văn hóa vật thể, phi vật thể, trên không gian mạng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, toàn thành phố có hơn 1.418 mô hình, công trình vật thể trưng bày tại trường học.

Các cơ sở giáo dục vận dụng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm không gian giảng dạy và học tập đối với các bộ môn Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục địa phương, Giáo dục công dân; tổ chức hoạt động học tập, sinh hoạt, trải nghiệm về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đoàn viên, thanh niên trong trường học; hình thành không gian mở để mọi người cùng tìm hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Qua đó, học sinh, sinh viên được giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bồi dưỡng nhân cách, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khát vọng cống hiến, làm người tử tế, có tri thức, góp phần quan trọng trong việc hình thành các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ tám, tuyển dụng viên chức, thu hút nhân tài

Trong năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm tìm kiếm nguồn cán bộ quản lý chất lượng cho cơ sở giáo dục, đồng thời triển khai tuyển dụng viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định hiện hành.

Qua đó, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc được khuyến khích tham gia tuyển dụng với chế độ đãi ngộ, phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng.

Thứ chín, xây dựng xã hội học tập

Trong năm 2023, UBND TPHCM ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” năm 2023 trên địa bàn thành phố và Quyết định 2914/QĐ-UBND về quy định tạm thời chuẩn phổ cập bậc trung học trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023 – 2030.

Đến nay, 100% địa phương đạt chuẩn phổ cập trẻ em 5 tuổi, phổ cập bậc tiểu học mức độ 3, phổ cập bậc trung học cơ sở mức độ 2, phổ cập bậc trung học và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Với chủ đề của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 “Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số”, ngành giáo dục đã lan tỏa đến các cấp chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh phong trào chuyển đổi số, nâng cao vai trò tự học của mỗi người dân thành phố, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức về ý nghĩa của việc học tập suốt đời.

Thứ mười, thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học.

Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM là tổ chức đặc thù cấp tỉnh được thành lập đầu tiên tại TPHCM so với cả nước, có chức năng giúp UBND TPHCM triển khai một số nhiệm vụ về nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong năm 2023, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học thành phố được kiện toàn và mở rộng thành viên tham gia là các trường thành viên thuộc ĐHQG TPHCM và các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Công an, đồng thời đẩy mạnh Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 – 2035 và Đại học chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục