Tham gia cùng đoàn còn có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, lãnh đạo Sở Xây dựng…
Tại buổi gặp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nêu ra những thách thức của TPHCM, nhất là về ngập nước, kẹt xe và gia tăng dân số.
“TPHCM sẽ khó duy trì tốc độ phát triển cao nếu không xử lý được ngập và gia tăng dân số”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ và cho biết, TPHCM sẽ có chương trình đảm bảo hạn chế sự gia tăng dân số. Song, về ngập úng, đặc biệt TPHCM còn gặp phải tình trạng lún mặt đất thì việc tìm hiểu kinh nghiệm để “sống chung” là rất cần thiết và cấp bách.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, tiềm năng hợp tác giữa TPHCM và Hà Lan còn rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh như ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là lĩnh vực chính mà TPHCM mong muốn thúc đẩy hợp tác với Hà Lan. Qua đó, TPHCM mong muốn tìm hiểu cách thức Hà Lan giải quyết vấn đề này, không những là kinh nghiệm đã qua mà còn là chiến lược trong vòng 20-30 năm tới.
Ngoài ra, TPHCM mong muốn tìm hiểu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, xây dựng và phát triển khu đô thị sáng tạo, xử lý vấn đề môi trường (như biến rác thải thành năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm không khí). Đặc biệt, là việc phát triển Cần Giờ - nơi chiếm khoảng 30% diện tích của TPHCM nhưng TPHCM chưa có chiến lược phát triển khu vực vừa đảm bảo bảo tồn thiên nhiên, vừa góp phần gia tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế TPHCM.
Đáp lại, ông Roald Lapperre, Thứ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan (MIW) bày tỏ, sự hợp tác giữa MIW và TPHCM sẽ có ý nghĩa, đóng góp cho quan hệ song phương giữa Hà Lan và Việt Nam.
Về chương trình chống ngập, ông Roald Lapperre, nhận xét MIW có nhiều chương trình hợp tác với TPHCM và mức độ ngày càng tăng. Ngoài ra, về tình trạng lún mặt đất, Hà Lan cũng đã đối diện trong nhiều năm qua và có nhiều kinh nghiệm xử lý. Do đó, ông Roald Lapperre kỳ vọng đây sẽ là một lĩnh vực hợp tác làm sâu sắc hơn trong hợp tác song phương giữa MIW và TPHCM nói riêng và giữa Hà Lan với Việt Nam nói chung.
Ông Roald Lapperre, Thứ trưởng MIW cũng khẳng định, Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ TPHCM đốt rác thành điện, giải quyết ô nhiễm không khí và cũng hỗ trợ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông cho TPHCM. Song, ông Roald Lapperre đề xuất TPHCM đẩy mạng phát triển giao thông đường thủy, nối từ TPHCM về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; hình thành các tuyến đường giao thông vành đai trong vùng kinh tế của TPHCM.
Mục tiêu của MoU này là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên nước phục vụ cả nhu cầu nước sinh hoạt gia đình và công nghiệp, có tính đến nguồn nước mặt, nước mưa và nước ngầm.
Theo thỏa thuận, 2 bên cùng nhau nghiên cứu thực trạng hệ thống cấp nước của TPHCM và đề xuất một dự án cụ thể với các điều lệ tham chiếu cho việc triển khai này. Hai bên ký kết cùng nhau xây dựng các cách thức để đảm bảo công tác bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước cho một khu vực cụ thể.
Tiếp sau đó, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM (đại diện UBND TPHCM) và bà Liz van Duin, Vụ trưởng phụ trách Chính sách về Nước, Đất đai và Hàng hải (Vụ trưởng thuộc MIW - đại diện MIW) đã ký tuyên bố chung về việc thực hiện chương trình hợp tác công tư chống ngập bền vững cho TPHCM.
Tuyên bố chung nhấn mạnh đến kế hoạch cần thiết để đạt được các mục tiêu của MoU.
* Tiếp đó, cũng tại thành phố La Hay, sáng cùng ngày (giờ Hà Lan), đoàn cán bộ cấp cao của TPHCM đã chào xã giao bà Sigrig Kaag, Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác Phát triển Hà Lan.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng gặp lại bà Bộ trưởng Sigrig Kaag. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề cập đến các thách thức của TPHCM và đề xuất nhận được sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực trong quản lý nước, xử lý rác thải; đồng thời mong muốn nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ trong giải quyết tình trạng lún mặt đất. Đặc biệt, TPHCM mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Hà Lan trong việc quy hoạch, phát triển Cần Giờ theo mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Sigrig Kaag nhận xét giữa Hà Lan và TPHCM có một số điểm tương đồng về đường thuỷ, quản lý cảng, phát triển nông nghiệp… nên mong muốn, sau chuyến đi này, giữa TPHCM và Hà Lan có các chương trình hợp tác cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho cả 2 bên.
Bà Sigrig Kaag cũng đề nghị Việt Nam gia nhập liên minh quốc tế về Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu. Đây là cách thức quan trọng để Việt Nam thể hiện là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Ngày 11-4, Sở Xây dựng TPHCM và Tổng Lãnh sự quán Hà Lan ký ghi nhớ về sáng kiến hợp tác công tư cho kế hoạch chống ngập bền vững toàn TPHCM. Mục tiêu của MoU này là tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực quản lý tích hợp tài nguyên nước và thích ứng biến đổi khí hậu bằng cách xây dựng Sáng kiến hợp tác công tư cho đề án chống ngập bền vững cho TPHCM. Một tổ chức (gồm các nhà phát triển, nhà thầu, nhà tư vấn, viện nghiên cứu và tổ chức tài chính Việt Nam/Hà Lan) sẽ hỗ trợ TPHCM thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi cho các dự án thuộc lĩnh vực thoát nước, chống ngập Trong đó, “hệ thống chống ngập tích hợp cho TPHCM” là một dự án điển hình cho các thành phố châu thổ khác trên thế giới đang phải đối mặt với các vấn đề tương tự như TPHCM và các dự án khác được triển khai thông qua mô hình đối tác công tư - PPP. Đề xuất này bao gồm một cơ chế tài chính sáng tạo cho một dự án chống ngập thông qua quan hệ đối tác công tư, với nhiều nguồn thu nhập tạo ra doanh thu. Đây là một đề xuất mới cho Việt Nam và được coi là sáng tạo trên toàn thế giới. |