Ngày 21-7, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cùng các sở ngành đã thị sát dọc kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ thuộc dự án cải thiện môi trường nước và cảng Phú Định.
Xử lý nghiêm lấn chiếm sông rạch
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM báo cáo tại buổi thị sát, đến 31-10 dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 1 sẽ hoàn thành các hạng mục. Hiện nay còn một vài công đoạn cuối như nạo vét lòng kênh, xây dựng bờ kè, trồng cây xanh. Dự án đã góp phần giải quyết ngập nước, xử lý ô nhiễm lưu vực Bắc kênh Tàu Hũ - Bến Nghé thuộc các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, trong đó gần 1.000 tỷ đồng vốn đối ứng ngân sách TP.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu ban quản lý khẩn trương hoàn thành các phần việc còn lại với việc đảm bảo chất lượng công trình.
Cảng sông Phú Định là cảng sông lớn nhất hiện nay trên địa bàn TP nằm ở khu vực đi về các tuyến sông Cần Giuộc - Chợ Đệm - Bến Lức - Long An, kênh Đôi quận 8 TPHCM. Đây là vị trí rất thuận lợi xuất phát từ TPHCM đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bằng 3 tuyến đường thủy.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu đơn vị chủ quản, Tổng Công ty Vận tải cơ khí Sài Gòn (Samco) phối hợp cùng UBND các quận 5, 6, 8 và các sở ngành phối hợp khai thác hiệu quả. Thực hiện tốt nhiệm vụ di dời bến bãi, kho hàng trong nội thành ra ngoại thành; tập trung mạng lưới cảng, bến bãi trên địa bàn TP về một mối để đáp ứng hàng hóa lưu thông từ miền Tây lên TPHCM, tiến tới xây dựng cảng sông Phú Định trở thành điểm du lịch trên sông. Các quận liên quan hạn chế hoặc các tuyến kênh lớn sẽ cấm luôn các phương tiện thủy vào sâu nội thành nhằm bảo vệ dòng sông tránh hiện tượng sạt lở, đưa ghe thuyền vào cảng, không để bà con cập ghe dọc mé sông dẫn đến hiện tượng lấn chiếm bờ sông. Riêng dọc các tuyến kênh, các quận huyện không được để người dân lấn chiếm, nếu có phải giải quyết ngay.
Kết nối đường sông
Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé (đi qua các quận 1, 4, 5, 6, 8) từng là kênh giao thương một thời gắn liền với lịch sử phát triển của TPHCM. Trải qua thời gian dài bị người dân lấn chiếm, dòng kênh bị ô nhiễm và lấp đầy, nay tuyến kênh này đã dần hồi sinh nhờ các dự án chỉnh trang, nạo vét, thu gom và xử lý nước thải. Sau khi đại lộ Đông Tây đưa vào sử dụng chạy dọc tuyến kênh, việc chỉnh trang, giải tỏa nhà trên kênh rạch thuộc các quận 1, 4, 5, 6, 8 sẽ làm tăng thêm giá trị kinh tế - xã hội của tuyến kênh đi qua các quận này.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu Lực lượng Thanh niên xung phong TP triển khai thực hiện tuyến du lịch và Sở GTVT nhanh chóng khai thác giao thông thủy dọc tuyến kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, thậm chí kết nối đi Cần Giờ. “Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé nằm dọc đại lộ Đông Tây, đi qua nhiều công trình cổ của TP, nối thông về miền Tây Nam bộ thông qua cảng sông Phú Định. Đây không chỉ là ưu thế về cảnh quan, môi trường, du lịch mà còn là một tuyến giao thông thủy quan trọng kết nối TPHCM với các tỉnh miền Tây” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Tại buổi thị sát, Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương hoàn chỉnh thiết kế đô thị các quận có các tuyến kênh trên làm sao kết hợp được cả giao thông đường thủy và đường bộ. Riêng quận 8 quy hoạch và xây dụng các công trình trong tương lai phải đẹp hơn, hiện đại hơn. Đó phải là những công trình xây dựng có giá trị kiến trúc hàng trăm năm, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc của Việt Nam.
Quốc Hùng - Lương Thiện