TPHCM: Hơn 40 dự án trường học đưa thêm vào hoạt động

Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, dự kiến ngày 5-9-2023 tới đây, toàn thành phố sẽ có 27 dự án trường học đưa vào sử dụng với 441 phòng học xây mới.

Chiều 28-8, Sở GD-ĐT TPHCM đã có báo cáo về công tác chuẩn bị năm học mới 2023-2024.

Tuyển sinh đầu cấp hoàn thành hơn 98%

Theo đó, tính đến ngày 28-8, tổng học sinh lớp 1 ra lớp là 121.754 học sinh trên tổng số 124.037 trẻ thống kê toàn thành phố, chiếm tỷ lệ 98,1%.

Tương tự, tổng học sinh lớp 6 ra lớp là 144.347/145.449 học sinh, chiếm tỷ lệ 99,2%.

Riêng đối với tuyển sinh lớp 10, tổng số học sinh hoàn thành nhập học tại các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố là 71.051/96.334 học sinh đăng ký tham gia Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024.

Theo lý giải của Sở GD-ĐT TPHCM, số lượng học sinh còn lại là những học sinh đã đăng ký học tại các trường quốc tế, trường ngoài công lập, không tiếp tục ở lại TPHCM mà trở về quê học tập.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) trong ngày tựu trường

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) trong ngày tựu trường

Riêng đối với bậc THPT, số lượng học sinh còn lại là những học sinh chọn các loại hình trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng, trung cấp nghề.

Hơn 40 dự án trường học đưa thêm vào hoạt động

Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, dự kiến ngày 5-9-2023 tới đây, toàn thành phố sẽ có 27 dự án trường học đưa vào sử dụng với 441 phòng học xây mới.

Trong đó, số phòng học mới lần lượt ở các cấp học cụ thể là: mầm non có 68 phòng học (tăng thêm 68 phòng); tiểu học có 197 phòng học (tăng thêm 117 phòng); THCS có 88 phòng học (tăng thêm 39 phòng) và các loại hình khác là 88 phòng học (tăng thêm 58 phòng).

Dự kiến sau ngày 5-9-2023, thành phố sẽ đưa thêm vào sử dụng 21 dự án với 231 phòng học mới.

Trước đó, tính đến tháng 8-2023, TPHCM đã đạt 294 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi).

Năm học 2023-2024, thành phố vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, đồng thời thực hiện mục tiêu phấn đấu giảm sĩ số học sinh/lớp và tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày.

Hiện nay, về tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, bậc học mầm non và cấp THPT cơ bản đáp ứng được mục tiêu phấn đấu 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, đối với bậc học tiểu học và cấp THCS, khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phấn đấu 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, thành phố gặp nhiều khó khăn.

Tính đến cuối năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học là 80,66% và cấp THCS là 76,03%.

Trong đó, nhiều quận, huyện có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp (dưới 50%) gồm quận 12, Tân Phú, Bình Tân (đối với bậc tiểu học) và quận 12, Tân Bình (cấp THCS).

Nỗ lực tuyển dụng giáo viên

Để chuẩn bị cho năm học 2023 – 2024, ngành giáo dục thành phố cần tuyển 4.717 giáo viên. Trong đó, cấp mầm non cần tuyển 1.051 giáo viên, tiểu học cần tuyển 1.667 giáo viên, cấp THCS cần tuyển 1.748 giáo viên và cấp THPT cần tuyển 251 giáo viên.

Tính đến ngày 28-8, Sở GD-ĐT TPHCM đã hoàn thành tuyển dụng đợt 1 với 165 người trúng tuyển vị trí giáo viên.

Ứng viên tham gia tuyển dụng viên chức giáo dục do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức

Ứng viên tham gia tuyển dụng viên chức giáo dục do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức

Bên cạnh đó, 12 quận, huyện đã hoàn thành tuyển dụng viên chức năm học 2023-2024 gồm các quận 1, 3, 7, 8, 12, Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Cần Giờ, Củ Chi và Hóc Môn với tổng số 1.243 ứng viên trúng tuyển giáo viên.

Một số địa phương khác đang trong thời gian thực hiện quy trình tuyển dụng chờ báo cáo kết quả gồm TP Thủ Đức, quận 4, 5, 6, 10, 11, Bình Thạnh và Gò Vấp.

Sở GD-ĐT TPHCM nhận định, nguồn tham gia tuyển dụng chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng đối với các bộ môn tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Đảm bảo 100% học sinh có sách giáo khoa

Tính đến ngày 28-8, cả hai bậc tiểu học và trung học đều đảm bảo 100% học sinh được cung ứng sách giáo khoa năm học 2023 – 2024:

Riêng đối với học sinh khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Công viên văn hóa Đầm Sen thực hiện chương trình “Sách trao tay, tặng ngay vé cổng”, vận động được 21.217 bộ sách giáo khoa để tặng học sinh khó khăn.

Học sinh tìm mua sách giáo khoa đầu năm học mới

Học sinh tìm mua sách giáo khoa đầu năm học mới

Ngoài ra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng trao tặng 10.200 bộ sách giáo khoa mới (bậc tiểu học 5.500 bộ, THCS 3.300 bộ và THPT 1.400 bộ) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các đơn vị trường học tổ chức lễ khai giảng trên tinh thần ngắn gọn, kéo dài trong khoảng 45 phút gồm các phần: văn nghệ chào mừng; nghi thức đón học sinh đầu cấp; chào cờ; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; báo cáo và cắt băng khánh thành (đối với trường mới); đọc thư của Chủ tịch nước; diễn văn khai giảng của hiệu trưởng; đánh trống khai trường; tặng hoa chúc mừng; khen thưởng, trao học bổng (nếu có) và bế mạc chương trình.

Sau phần "lễ", nhà trường tổ chức phần "hội" để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh.

Tùy theo từng cấp học, phần "hội" sẽ có chương trình và đặc thù riêng.

Đơn cử, đối với bậc mầm non, trường học tổ chức Ngày hội “Bé vui đến trường” trong đó tập trung các hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú phù hợp từng đơn vị; tận dụng các không gian để bố trí các hoạt động như trò chơi vận động, các hoạt động phát triển thẩm mỹ, trò chơi dân gian, xem xiếc, múa rối… tạo không khí vui tươi phấn khởi cho trẻ.

Đối với giáo dục phổ thông (tiểu học, THCS, THPT), các trường đảm bảo 100% học sinh tham dự Lễ khai giảng.

Trường hợp các trường không đủ điều kiện thì phải đảm bảo 100% học sinh đầu cấp và cuối cấp tham dự phần "lễ" nhưng phải đảm bảo 100% học sinh được tham dự phần "hội" chào đón năm học mới sau phần "lễ".

Tin cùng chuyên mục