Thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TPHCM của Văn phòng Chính phủ, UBND TPHCM vừa có văn bản số 6063/UBND-DA báo cáo đánh giá tác động nợ công của các dự án đường sắt đô thị (Metro).
Theo UBND TPHCM, nhu cầu vốn giai đoạn 2026-2030 là 22,3 tỷ USD, trong đó nguồn ngân sách thành phố 4,47 tỷ USD; nguồn phát triển TOD 2,71 tỷ USD; nguồn trái phiếu chính quyền địa phương 6,88 tỷ USD; Trung ương hỗ trợ (dự kiến) 6,48 tỷ USD; vốn BT trả chậm 1,76 tỷ USD. Giai đoạn 2031-2035 là 15,15 tỷ USD, trong đó, nguồn ngân sách thành phố 5,77 tỷ USD; phát triển TOD 3,78 tỷ USD; Trung ương hỗ trợ (dự kiến) 3,19 tỷ USD; BT trả chậm: 2,41 tỷ USD.
UBND TPHCM cho rằng, trên cơ sở dự thảo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ), thành phố đã xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 khoảng 62,59 tỷ USD (tương đương 1.502.207 tỷ đồng), bao gồm nhu cầu vốn cho Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM 21,755 tỷ USD (tỷ lệ khoảng 34,76%).
Để đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, TPHCM đề xuất được giữ lại số tăng thu ngân sách Trung ương được hưởng từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố để thực hiện đề án. Dự kiến nguồn thu cho ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị từ việc đấu giá các khu đất dự kiến phát triển TOD bao gồm kinh phí thu được từ bán đấu giá các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý xung quanh các nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2; kinh phí thu được từ bán đấu giá các khu đất sau khi thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xung quanh các nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3, 4, 5…