TPHCM là đầu tàu của đầu tàu các vùng kinh tế trọng điểm

Từ năm 1997, Chính phủ có chủ trương chia các vùng kinh tế để liên kết phát triển thì đây là vùng kinh tế động lực của cả nước, là đầu tàu cả nước và khu vực, giữ vai trò đầu tàu nối với các khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó, hạt nhân là TPHCM, một trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á về tài chính - thương mại - du lịch, đồng thời là trung tâm chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực cao, công nghệ logistics...
Hạ tầng giao thông cửa ngõ phía Tây TPHCM kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: CAO THĂNG
Hạ tầng giao thông cửa ngõ phía Tây TPHCM kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: CAO THĂNG

Sáng 6-5, tại Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; cùng các bộ, ngành và lãnh đạo 8 tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang) đã dự Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN).

8 tỉnh, thành góp gần 1/2 GDP cả nước

Với phương châm nhìn thẳng vào khiếm khuyết để giải quyết vấn đề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rõ: “Trước tình hình liên kết còn lỏng lẻo, nên hội nghị hôm nay cần làm rõ mọi hạn chế để giúp vùng phát triển bền vững hơn”.

“Bộ KH-ĐT phải đẩy mạnh quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, theo hướng tháo gỡ quy hoạch, phân cấp mạnh mẽ. Bộ Tài chính xây dựng chính sách xây dựng phân bổ ngân sách cho phù hợp với đóng góp của địa phương. Bộ GTVT tập trung đầu tư giao thông tổng thể phát triển hạ tầng, đảm bảo công khai, minh bạch hấp dẫn cho nhà đầu tư; khởi công cho được sân bay Long Thành trong nhiệm kỳ này; hoàn thành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Bộ Công thương phải xây dựng logistics, phát triển năng lượng mặt trời, xây dựng đô thị thông minh...”
TPHCM là đầu tàu của đầu tàu các vùng kinh tế trọng điểm ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Vùng KTTĐPN chỉ có 8/63 tỉnh, thành với dân số chiếm 21% và diện tích tự nhiên chiếm 9,2% cả nước, nhưng hàng năm đóng góp đến 45% GDP, thu ngân sách chiếm 42% số thu cả nước, xuất khẩu hàng năm trên 40% tổng kim ngạch cả nước. Từ năm 1997, Chính phủ có chủ trương chia các vùng kinh tế để liên kết phát triển thì đây là vùng kinh tế động lực của cả nước, là đầu tàu cả nước và khu vực, giữ vai trò đầu tàu nối với các khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó, hạt nhân là TPHCM, một trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á về tài chính - thương mại - du lịch, đồng thời là trung tâm chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực cao, công nghệ logistics...

Như các đại biểu nhận xét, TPHCM là đầu tàu của vùng đầu tàu trong số 4 vùng của cả nước. TPHCM giúp vùng trở thành vùng công nghiệp trọng yếu lớn nhất cả nước, tập trung các ngành công nghiệp mũi nhọn, hội tụ đủ lợi thế về phát triển công nghiệp dịch vụ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nói: “Hôm nay mời các lãnh đạo địa phương, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp về đây tập trung xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tháo gỡ các ách tắc, khó khăn để vùng phát triển bền vững đúng với tiềm năng vốn có. Làm sao để vùng KTTĐPN phát triển đúng hướng, là đầu tàu kéo cả nước đi lên”. Trong đó, để tạo thành sức mạnh, vai trò đầu tàu của TPHCM là tạo được sự liên kết mạnh, phát huy thế mạnh của từng tỉnh trong vùng.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐPN, báo cáo kết quả điều phối vùng thời gian qua là đã triển khai xây dựng dữ liệu chung về hệ thống kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, thông tin doanh nghiệp, kết nối chuyên đề sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa TPHCM với các tỉnh.

Cụ thể, đã xây dựng chuỗi sản phẩm sạch, bình ổn hàng hóa thiết yếu, truy xuất nguồn gốc, kết nối cung cầu hàng hóa (đã có 169 doanh nghiệp tham gia giới thiệu nông, thủy, hải sản)… Thế nhưng, việc liên kết chủ yếu dựa trên sự thỏa thuận chứ không có hệ thống pháp lý đủ mạnh, hoàn thiện về thể chế vùng.

Do vậy, đồng chí Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Ban chỉ đạo phối hợp xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ ngành địa phương. Thành lập tổ gồm các chuyên gia chuyên trách, các tỉnh để tham mưu Thủ tướng trong việc thực hiện chủ trương, đường lối nhất quán, minh bạch, bổ sung cho nhau giữa các địa phương, bộ ngành và cho thành lập quỹ hội đồng vùng.

TPHCM là đầu tàu của đầu tàu các vùng kinh tế trọng điểm ảnh 2 Cửa ngõ phía Đông TPHCM kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: CAO THĂNG

Điểm nghẽn: giao thông!

“TPHCM thu 27% cho ngân sách nhưng chi chỉ bằng 5,2% ngân sách cả nước. Ước tính cả vùng chi khoảng 15% là không bền vững, khi mà đóng góp số thu đến 42%. Hậu quả ngắn hạn thấy rõ, như về giao thông chỉ đầu tư bằng 10km đường/km² thì 50 năm nữa mới đủ đường đi... Do vậy, Trung ương cần xem xét lại việc phân bổ ngân sách cho đầu tư một cách tương ứng, ít nhất cũng bằng 25%-30% ngân sách thì mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế bền vững trong tương lai”.
TPHCM là đầu tàu của đầu tàu các vùng kinh tế trọng điểm ảnh 3
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân
Nhìn nhận lại các khó khăn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận việc chưa có người điều phối vốn, nên ngay cả việc kết nối hạ tầng giao thông cũng chưa phát huy hết lợi thế sẵn có của vùng. Chẳng hạn, cảng Cái Mép Thị Vải đến giờ chỉ khai thác được 50% công suất thiết kế, chưa thật sự là trung tâm logistics. Việc kết nối đầu tư còn rời rạc, thu hút đầu tư thiếu đồng bộ, đầu tư trùng lắp, chưa hỗ trợ dự án liên kết vùng...

Qua đó, các đại biểu cũng cho rằng, điểm “nghẽn” lớn nhất của vùng chính là vấn đề cơ sở hạ tầng, cụ thể là giao thông. Đồng chí Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, kiến nghị triển khai nhanh chóng, đồng bộ dự án cảng Long Thành, đồng thời sớm có hướng dẫn nhanh Luật Quy hoạch để đẩy nhanh tiến độ các dự án, liên kết vùng.

Tương tự, đồng chí Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cũng cho biết, Long An là cầu nối phát triển giữa 2 vùng (Long An thuộc Vùng KTTĐPN nhưng lại là cửa ngõ khu vực đồng bằng Sông Cửu Long), là nơi trung chuyển hàng hóa, nhưng giao thông luôn bị tắc nghẽn. Cụ thể, điểm kết nối quốc lộ 50, quốc lộ 1 tắc nghẽn liên tục, dù đã có quy hoạch nhưng vẫn chưa thực hiện được. Giao thông đường thủy cũng khó khăn vì sông bị lấp. Do vậy, cần sự điều phối mạnh mẽ hơn để mở rộng, nâng cấp hạ tầng.

Vấn đề giao thông trở nên “nóng” hơn, khi doanh nghiệp phải gánh chịu hậu quả, bị hạn chế sức cạnh tranh. “Logistics chiếm đến 21% chi phí của doanh nghiệp - con số này cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực”, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết. Do vậy, các doanh nghiệp đề nghị cần phải cải thiện logistics, tăng tính liên kết vùng, vận chuyển hàng hóa chung, xây dựng kho vận lớn, giảm ách tắc giao thông thì sẽ hấp dẫn nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

“Giao thông phát triển đến đâu thì kinh tế phát triển theo đến đó và hiện nay giao thông chính là điểm nghẽn lớn nhất của khu vực”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận.

Cụ thể, hàng không, sân bay quá tải, cảng biển thiếu kết nối; nhiều cảng nằm sát trung tâm gây tắc nghẽn giao thông đường bộ, giao thông đường bộ thì đến… đường cao tốc cũng tắc nghẽn!

Do vậy, đồng chí Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ GTVT đang quy hoạch xây dựng sân bay Tân Sơn Nhất đủ sức đón 50 triệu khách/năm. Sân bay Long Thành đang khẩn trương chuẩn bị tháng 10 báo cáo Quốc hội thống nhất thì đầu 2021 triển khai xây dựng. Các dự án đường thủy nội địa đang được nghiên cứu đưa vào đầu tư bằng vốn ODA. Bộ cũng đang nghiên cứu xây dựng đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao, đường từ TPHCM về Cần Thơ, đường trên cao trong nội ô, các tuyến vành đai 3, 4...

Tập trung vào công nghiệp và dịch vụ

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc đầu tư vào các ngành sản xuất, nghiên cứu phát triển chưa rõ nét, chưa đạt mục tiêu cạnh tranh quốc tế. Để phát triển đô thị thông minh, cần tăng cường hơn nữa ngành dịch vụ mới nổi như mạng 5G, thanh toán không dùng tiền mặt... “Còn liên kết vùng là để các địa phương phát huy thế mạnh của mình, dựa trên lợi thế so sánh của từng địa phương. Bởi muốn duy trì tăng trưởng và tăng trưởng nhanh - bền vững, cần có hành động tập thể là liên kết vùng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói. Nếu có cơ chế điều phối, mỗi địa phương phát huy được lợi thế thì sẽ không xảy ra việc dân đổ vào TPHCM, sẽ giảm áp lực dân di cư đến TPHCM.

Đồng ý với việc phân công và phát huy thế mạnh từng địa phương, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng, nếu làm tốt công tác liên kết vùng, phát huy thế mạnh địa phương, trong đó TPHCM với thế mạnh chiếm 80% cơ sở đào tạo, dạy nghề thì các tỉnh chỉ cần liên kết đào tạo, mà không cần xây quá nhiều trường đại học, dạy nghề ở các tỉnh nữa. Ngược lại, nếu liên kết vùng, mở các bệnh viện ở tỉnh thì sẽ phục vụ kịp thời yêu cầu bà con tại chỗ, bà con không cần đến TP chữa bệnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, cần hướng đến các yếu tố đổi mới sáng tạo để tạo ra sự bứt phá. Trong đó, đổi mới sáng tạo trong nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng.

Thế nhưng, theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Quân, trong số lao động đã qua đào tạo, chỉ 1/3 là có chứng chỉ; hầu hết lao động di cư chưa qua đào tạo, nên cần đào tạo lại để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng chí Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh, phát triển công nghiệp là then chốt, mà tập trung là công nghiệp công nghệ cao, sau đó là dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, đồng chí cũng lưu ý, dù tập trung phát triển kinh tế nhưng phải chú ý đến văn hóa, con người, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Không chấp nhận rác thải, không chấp nhận công nghiệp lạc hậu, đảm bảo quốc phòng an ninh, thì mới phát triển bền vững.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng kiến nghị chính phủ sớm hoàn thiện quy hoạch vùng (đất, nước, logistics); rà soát tiêu chí phân bổ ngân sách cho vùng, vùng đóng góp ngân sách cao thì phải tăng phân bổ ngân sách tương ứng để phát triển bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Cần có cơ chế rõ ràng, minh bạch

Tôi đánh giá cao vai trò điều phối của TPHCM trong kết nối giao thông, xây dựng dữ liệu kết nối… Hiện vùng còn nhiều lợi thế nhưng chưa khai thác hết. Cơ chế chính sách cho phát triển chưa đột phá, chưa rõ về quyền lợi, trách nhiệm; sự liên kết manh mún, mạnh ai nấy làm, cạnh tranh hạn chế lẫn nhau, kết nối chiến lược quy hoạch còn nhiều bất cập, trùng lặp. Để phát triển liên kết vùng, từ nay đến năm 2020 phải thành lập ban điều phối. Cần thống nhất quan điểm để liên kết các tỉnh khác ở phía Nam một cách thống nhất. Gắn kết giữa các địa phương trong thu hút đầu tư, đào tạo, giải quyết việc làm, phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghiệp chế biến, chế tạo. Thu hút đầu tư cần có chọn lọc, tập trung công nghệ cao, chất lượng cao.

Bộ KH-ĐT phải đẩy mạnh quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, theo hướng tháo gỡ quy hoạch, phân cấp mạnh mẽ. Bộ Tài chính xây dựng chính sách xây dựng phân bổ ngân sách cho phù hợp với đóng góp của địa phương. Bộ GTVT tập trung đầu tư giao thông tổng thể phát triển hạ tầng, đảm bảo công khai, minh bạch hấp dẫn cho nhà đầu tư; khởi công cho được sân bay Long Thành trong nhiệm kỳ này; hoàn thành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Bộ Công thương phải xây dựng logistics, phát triển năng lượng mặt trời, xây dựng đô thị thông minh...

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Tăng phân bổ ngân sách cho đầu tư để phát triển bền vững

Vùng chỉ có 8 tỉnh, thành nhưng đóng góp GDP đến 45%, đóng góp ngân sách 42%. Thế nhưng, sự phát triển của vùng giống như đang “dùng” đường, nhà có sẵn. Do vậy, muốn phát triển bền vững thì phải tăng đầu tư vào hạ tầng kinh tế của vùng. Hiện hoạt động đầu tư của vùng đang chậm lại. Nếu muốn “đầu ra” (đóng góp ngân sách - PV) cao thì “đầu vào” (đầu tư hạ tầng - PV) phải cao tương đối. Đến lúc chúng ta phải xem lại đầu tư ngân sách cho vùng là bao nhiêu. Ví dụ như TPHCM thu 27% cho ngân sách nhưng chi chỉ bằng 5,2% ngân sách cả nước. Ước tính cả vùng chi khoảng 15% là không bền vững, khi mà đóng góp số thu đến 42%. Hậu quả ngắn hạn thấy rõ, như về giao thông chỉ đầu tư bằng 10km đường/km² thì 50 năm nữa mới đủ đường đi. Trong khi đó, số doanh nghiệp/km² cao gấp 6 lần số doanh nghiệp trung bình cả nước; sản phẩm GDP/km² cao gấp 5 lần trung bình cả nước nên nguy cơ tắc nghẽn là đương nhiên. Do vậy, Trung ương cần xem xét lại việc phân bổ ngân sách cho đầu tư một cách tương ứng, ít nhất cũng bằng 25%-30% ngân sách thì mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Vùng - phải chính danh về mặt pháp lý

Chúng ta phải có cách nhìn nhận lại vai trò Vùng KTTĐPN. Không phải nhìn vào việc đóng góp GDP nhiều mà bỏ qua những thách thức sắp tới, vì nếu chúng ta không giải quyết vấn đề phát triển của vùng này thì khó tạo cơ chế đột phá. Tuy nói là vùng nhưng không có một thể chế phát triển được chính danh về mặt pháp lý nên việc điều hành hầu như không thể. Hiện nay, chúng ta có thể chế Ban chỉ đạo phát triển vùng, gần đây là Hội đồng vùng nhưng nó chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện chứ không phải là điều hành, ra quyết định. Cho nên cần có một cơ chế được vận hành độc lập để bảo đảm tính chủ động, sáng tạo trong việc phát triển vùng.

Vì thế, tôi đề xuất về tiến độ dài hạn, cần có thể chế phát triển vùng. Thể chế phải tạo động lực, không được mờ nhạt. Chính phủ trong những năm tới, cần đề xuất với Quốc hội, với Đảng phải có cách tiếp cận dứt khoát về mặt thể chế vùng, nếu để tình trạng như hiện nay thì không giải quyết được vấn đề gì. Trong giai đoạn thể chế vùng chưa được ổn định thì phải có một số giải pháp: Thứ nhất, cần phân cấp, phân quyền cho địa phương theo cách mới, cấp phải đi với quyền mới bảo đảm được sự sáng tạo, tính chủ động và mới điều hành được, chứ như hiện nay cấp thì có rồi, nhưng quyền chưa đủ, cấp có mà không quyền thì không thể làm được gì. Thứ hai, lập tổ tư vấn phát triển vùng và cách tiếp cận đủ mạnh để nếu có những vấn đề vùng giải quyết không thấu đáo thì đề xuất lên Trung ương, Chính phủ giải quyết. Thứ ba, cần có lực lượng kết nối vùng về mặt doanh nghiệp và nhất là phải có thể chế cho các doanh nghiệp tư nhân trong vùng vì đây là lực lượng chủ đạo của quốc gia.

TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM: Muốn phát triển vùng, phải có đường liên vùng

Hiện nay tất cả đường cao tốc, đường vành đai hầu như chúng ta chưa làm được bao nhiêu so với quy hoạch, chỉ mới là đường vành khuyên chứ chưa phải đường vành đai. Mà muốn phát triển vùng thì phải có đường cao tốc liên vùng, phải xây dựng hệ thống metro giao thông liên kết - nếu chỉ từng tỉnh thì sẽ không bao giờ phát triển được. Vì thế, tôi kiến nghị chúng ta cần tập trung giải quyết giao thông và phải có sự phân chia rõ ràng. Cụ thể, phần giao thông quốc gia thì Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm có lộ trình; phần thuộc giao thông vùng thì các vùng cùng ngồi lại để tính toán phương án. Bên cạnh đó, cách điều phối hiện nay không hiệu quả, bây giờ phải có một bộ phận chuyên trách tham mưu cho lãnh đạo điều phối vùng thì mới có việc để làm. Có như vậy, chúng ta mới giải quyết vấn đề vùng một cách tổng thể và từng bước phát triển.

Tôi cũng mong Chính phủ sắp tới khi triển khai Luật Quy hoạch mới cần lồng ghép chính sách vùng mang tính động lực. Nếu chúng ta cứ phân bổ kinh phí theo tỉnh, cơ cấu kinh tế tỉnh khép kín như hiện nay thì kinh tế vùng khó phát triển.

CHẾ HÂN - THU HƯƠNG (ghi)

Tin cùng chuyên mục