TPHCM: Nguy cơ bùng phát dịch tả

Cơm bụi, hàng rong - thủ phạm
TPHCM: Nguy cơ bùng phát dịch tả

Trong khi 2 ca mắc bệnh tả chưa kịp bình ổn thì hôm qua (9-4), BV Bệnh nhiệt đới TPHCM lại xác định thêm một trường hợp nữa dương tính phẩy khuẩn tả. Đó là một nam sinh viên tên T. (ngụ phường 7, quận 5, TPHCM), nhập viện ngày 6-4 trong tình trạng mất nước, nôn ói, tiêu chảy liên tục. Khai thác bệnh sử được biết trước đó sinh viên này đã ăn cơm bụi ở khu vực Cầu Bông, quận Bình Thạnh, sau khi ăn một ngày thì bị tiêu chảy.

Bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM sáng 9-4. Ảnh: Tg.LÂM

Bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM sáng 9-4. Ảnh: Tg.LÂM

Cơm bụi, hàng rong - thủ phạm

Bệnh nhân T. đang được điều trị tại khoa Nhiễm A BV Bệnh nhiệt đới TPHCM và đã qua cơn nguy kịch, không còn tiêu chảy liên tục, đã bù được nước.

Theo T., buổi trưa ngày 5-4 có cùng các bạn đi ăn ở một quán cơm bụi với thức ăn gồm cơm, canh chua, thịt heo kho… Sau khi ăn thì có biểu hiện đau bụng lâm râm, sang ngày hôm sau tiêu chảy không kiểm soát được. “Cứ 2 phút lại đi cầu một lần, toàn phân nước lỏng. Người mệt mỏi và khát nước. Sợ quá nên gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu”, T. cho biết…

Tại khoa Nhiễm A của BV Bệnh nhiệt đới trong những tuần qua cũng tiếp nhận rất nhiều ca tiêu chảy, trong đó nhiều trường hợp tiêu chảy cấp. Một bác sĩ của khoa nói bệnh của hầu hết các bệnh nhân tương tự nhau là tiêu chảy không kiểm soát, mất nước. Phần lớn bệnh nhân trước khi khởi bệnh đều ít nhiều có ăn, uống ở các quán vỉa hè, hàng rong.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với trường hợp với 2 mẹ con nữ bệnh nhân được xác định mắc bệnh tả trước đó (ngụ ở chung cư Bùi Minh Trực, P6, Q8) do đã ăn thức ăn của một hàng rong bán trước cổng trường Hồng Bàng.

Qua điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế dự phòng TP, người bán hàng rong trước đó đã bị mắc bệnh tiêu chảy không loại trừ đã bị mắc dịch tả và đã làm lây truyền vi khuẩn tả sang thức ăn.

Tại buổi giao ban y tế 24 quận, huyện ngày 8-4 vừa qua, dịch tả trở thành vấn đề “nóng” được lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng các quận huyện bàn thảo. Nhiều ý kiến cho rằng, thời tiết nắng nóng kéo dài đang là một trong những tác nhân tạo điều kiện phát sinh vi khuẩn tả.

“Thức ăn, đồ uống dễ ôi thiu, nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm đang là những nguồn phát sinh vi khuẩn tả”, một vị đại biểu cho biết.

BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng khẳng định, thức ăn hàng rong, vỉa hè không đảm bảo vệ sinh do thiếu nước rửa, hứng nắng bụi được xem là thủ phạm gây ngộ độc và không loại trừ những người buôn bán không nấu chín thức ăn khiến khuẩn tả vẫn sinh sôi, lây truyền.

Khẩn trương giám sát nguồn nước sinh hoạt

Khuẩn tả nhanh chóng phát tán trong môi trường nước và truyền bệnh nếu người dân không “ăn chín, uống sôi”, đó là nhận định được các chuyên gia y tế đưa ra. Chính vì vậy, giám sát nguồn nước sinh hoạt đang trở nên bức thiết.

Tại buổi họp giao ban y tế nói trên, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM yêu cầu các địa phương tiếp tục đến địa bàn cư ngụ của các bệnh nhân mắc tả để triển khai các biện pháp chống dịch. Đồng thời, Sở Y tế cũng đã có văn bản gởi các ban ngành liên quan, triển khai chiến dịch phòng chống bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả vào tháng 4 và tháng 5-2010 (những tháng mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi để  vi khuẩn đường ruột phát triển, đặc biệt là tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả).

Theo đó, các quận huyện sẽ tăng cường những biện pháp truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, sử dụng nguồn nước đã được khử khuẩn; tăng cường giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; kiểm tra tất cả các nguồn nước sinh hoạt, đặc biệt là những khu vực trọng điểm có nguy cơ ô nhiễm cao nhằm phòng chống dịch bệnh lây lan do nguồn nước.

Như vậy, TPHCM đã xuất hiện 3 ca bệnh tả đầu tiên trong năm 2010 và được dự báo có nguy cơ lây lan rộng.

BS Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế cho biết, giám đốc sở đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng TP phát động đợt cao điểm phòng ngừa dịch tả nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa của người dân. Đồng thời các đơn vị y tế dự phòng cũng phải có kế hoạch phòng ngừa cho địa bàn mình, chuẩn bị đủ các cơ số thuốc, hóa chất để diệt khuẩn khi cần thiết.

Tường Lâm

TS-BS Lê Mạnh Hùng

TS-BS Lê Mạnh Hùng

Tin cùng chuyên mục