
Làm cho mạng lưới tuyến xe buýt của TPHCM hoạt động hiệu quả hơn đang là đề tài được triển khai nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa TPHCM và Sở Giao thông Công chính TPHCM.
Xe buýt sẽ không tập trung vào trung tâm thành phố

Giáo sư Phạm Xuân Mai-Trường Đại học Bách khoa TPHCM-chủ nhiệm đề tài đã khẳng định như vậy khi nói về mạng lưới xe buýt trong tương lai mà 2 cơ quan nêu trên đang tập trung nghiên cứu.
Theo ông Mai, với mạng lưới xe buýt hiện nay, hầu hết các luồng tuyến đều “đổ” về khu vực trung tâm thành phố tạo ra áp lực giao thông cho khu vực trung tâm, gây ra kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Đáng lo ngại hơn nữa là thực tế này còn tạo ra tình huống “tuyến trùng tuyến” do toàn thành phố chỉ có vài tuyến đường chính đi về trung tâm, làm cho hiệu quả hoạt động của toàn mạng lưới không được như mong muốn.
Mạng lưới tuyến xe buýt mới mà Trường Đại học Bách khoa và Sở Giao thông Công chính dự định nghiên cứu và nếu được sẽ triển khai áp dụng trong thời gian tới là mạng “vùng và liên kết vùng”. Diễn đạt một cách nôm na là mạng lưới xe buýt sắp tới sẽ không còn tập trung vào khu vực trung tâm thành phố mà được phân bố đều ở các khu vực khác nhau (chủ yếu những nơi tập trung đông dân cư, các đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất…) của thành phố. Từ các khu vực này sẽ có mạng lưới các tuyến nhánh để kết nối. Người dân có thể đi từ điểm A đến thẳng điểm B thay vì (nhiều khi) phải “đánh vòng” qua khu vực trung tâm thành phố như hiện nay.
Bên cạnh việc tổ chức lại luồng tuyến, việc “trùng lắp tuyến” cũng sẽ được xem xét lại. Theo ông Lê Trung Tính, vấn đề này hiện cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Ông Tính nêu ra một bằng chứng, trên tuyến xe buýt Bến xe quận 8 đi Thủ Đức, nhiều chuyên gia của Pháp đã đề nghị mở thêm một tuyến buýt nhanh từ Công viên Chiến Thắng ở đường Hoàng Văn Thụ đi Bến xe miền Đông.
Tuyến này thực chất là một đoạn nhỏ của tuyến Bến xe quận 8 đi Thủ Đức. Thế nhưng, các chuyên gia Pháp lập luận rằng, tuyến buýt nhanh sẽ tạo thêm một dịch vụ đi lại nhanh chóng cho người dân. Người dân nếu có nhu cầu đi gấp thì có thể sử dụng xe buýt nhanh và điều này chỉ làm tăng sự hấp dẫn của xe buýt trong mắt người dân. Do vậy, theo ông Tính, sau này khi sắp xếp lại luồng tuyến xe buýt, những luồng tuyến trùng lắp theo hướng “tích cực” cũng sẽ được xem xét theo hướng… tích cực.
Phải hạn chế xe cá nhân
Ông Mai có thái độ khá cứng rắn khi nói về vấn đề này. Ông Mai giải thích: “Diện tích mặt đường có hạn, nếu không hạn chế xe cá nhân thì xe công cộng sẽ không thể phát triển”. “Thậm chí cả khi thành phố có xe điện, metro cùng nhiều hình thức vận tải công cộng hiện đại khác mà nói về mức độ tiện dụng thì xe cá nhân vẫn tiện dụng hơn. Do vậy, nếu cứ biện bạch rằng xe công cộng chưa tiện dụng để khoan hạn chế xe cá nhân thì thành phố sẽ phải đối mặt dài dài với ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, ông Mai nói.
Cũng theo ông Mai, chính vì vậy mà trong đề tài nghiên cứu “Làm cho mạng lưới xe buýt của TPHCM hoạt động hơn” ông cũng sẽ “nói” đến việc hạn chế xe cá nhân và xem đó là điều kiện quan trọng cho sự phát triển của vận tải hành khách công cộng thành phố.
Phòng Quản lý Vận tải thuộc Sở Giao thông Công chính cũng đang triển khai một cuộc hội thảo về hạn chế xe cá nhân như là một động thái chuẩn bị cho việc tổ chức lại hoạt động vận tải công cộng thành phố.
Tuy nhiên, đó là chuyện của tương lai. Trước mắt, Sở Giao thông Công chính đã thống kê được 7 đoạn đường có từ 7-12 tuyến xe buýt trùng lắp. Thế nhưng, cự ly trùng lắp ngắn, từ 200m-1.300m trên các tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bạch Đằng… hoặc các cửa ngõ ra, vào thành phố như đường Trường Chinh, Kinh Dương Vương, Đinh Bộ Lĩnh… Còn các đơn vị vận tải thì phản ánh có 12 tuyến trùng lắp, trong đó có 4 tuyến có độ trùng lắp dưới 30%, 8 tuyến có độ trùng lắp từ 30%-45%. Thế nhưng, sự trùng lắp này lại tập trung chủ yếu ở các tuyến đường độc đạo. Như vậy, số tuyến có thể điều chỉnh được không nhiều, khoảng 1-2 tuyến.
6 tháng đầu năm 2008: Vận chuyển được 215 triệu lượt hành khách Sở Giao thông Công chính TPHCM cho biết, tổng sản lượng hành khách vận chuyển của toàn khối vận tải hành khách công cộng thành phố 6 tháng đầu năm 2008 là khoảng 215 triệu lượt người với bình quân 1,18 triệu lượt người/ngày. So với cùng kỳ năm 2007 tăng 24,7% và đạt 51,2% so với kế hoạch vận chuyển của 420 triệu lượt người của năm 2008. Trong đó, tổng lượng hành khách xe buýt là 162,3 triệu lượt người, chiếm 75,4% và taxi là 52,8 triệu lượt hành khách. |
AN NHIÊN-LÊ TRUNG