TPHCM - tỉnh Tây Ninh: Kiến nghị sớm quy hoạch vùng để thúc đẩy phát triển

(SGGP).- Tại hội nghị sơ kết chương trình hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội giai đoạn 2007 - 2013 và triển khai kế hoạch hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội giai đoạn 2014 - 2020 giữa TPHCM với tỉnh Tây Ninh tổ chức sáng 1-3 ở TPHCM, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh Võ Văn Phuông đề xuất TPHCM cùng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương sớm triển khai quy hoạch vùng để Tây Ninh được nằm trong sự phát triển chung của TPHCM.
TPHCM - tỉnh Tây Ninh: Kiến nghị sớm quy hoạch vùng để thúc đẩy phát triển

(SGGP).- Tại hội nghị sơ kết chương trình hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội giai đoạn 2007 - 2013 và triển khai kế hoạch hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội giai đoạn 2014 - 2020 giữa TPHCM với tỉnh Tây Ninh tổ chức sáng 1-3 ở TPHCM, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh Võ Văn Phuông đề xuất TPHCM cùng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương sớm triển khai quy hoạch vùng để Tây Ninh được nằm trong sự phát triển chung của TPHCM.

“Được như vậy, những tỉnh còn nghèo khó như Tây Ninh mới có điều kiện vươn lên”, đồng chí Võ Văn Phuông nêu ý kiến và cho biết, thời gian qua việc kêu gọi đầu tư vào Tây Ninh vẫn “án binh bất động”, các hợp tác vẫn còn chung chung, chưa có lộ trình.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thủy ký kết hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2014 - 2020. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thủy ký kết hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2014 - 2020. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo báo cáo của 2 địa phương, từ năm 2007 đến tháng 2-2014, có 82 doanh nghiệp của TPHCM đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với 101 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 17.020 tỷ đồng. Trong đó, có 49 dự án đang hoạt động với số vốn đăng ký trên 7.863 tỷ đồng; 19 dự án đang triển khai, vốn đăng ký trên 4.167 tỷ đồng; 30 dự án đang trong giai đoạn triển khai, vốn đăng ký trên 4.167 tỷ đồng... Đặc biệt, 2 địa phương cũng đã thực hiện nhiều dự án về thương mại, như: Saigon Co.op đã đầu tư 2 siêu thị lớn tại tỉnh Tây Ninh, tổ chức các phiên chợ “hàng Việt về nông thôn”...

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, TPHCM đã hỗ trợ Tây Ninh đầu tư nhiều công trình quan trọng, như: Dự án đường vòng quanh Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam với tổng mức đầu tư 33,5 tỷ đồng, trong đó TPHCM đã hỗ trợ 5 tỷ đồng; dự án nâng cấp mở rộng hương lộ 12 có tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng, trong đó TPHCM hỗ trợ 9 tỷ đồng. TPHCM cũng hỗ trợ 11 tỷ đồng đầu tư nâng cấp đường vào Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam; hỗ trợ hơn 26,5 tỷ đồng đầu tư nâng cấp đường Lộc Phước - Sông Lô dài 4,4km. Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn đã cung cấp 23 xe buýt các loại với tổng giá trị gần 29 tỷ đồng cho Tây Ninh phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Bên cạnh đó, TPHCM và tỉnh Tây Ninh cũng hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực, như: y tế, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông, phát thanh và truyền hình, văn hóa, thể thao và du lịch, công nghiệp - thương mại, khoa học và công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, ngân hàng...

Tại hội nghị, đại diện các sở ngành tỉnh Tây Ninh kiến nghị TPHCM tăng cường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh; hỗ trợ tỉnh xây dựng nguồn rau an toàn, phát triển đàn bò sữa, phát triển ngành công nghệ cao... Bên cạnh đó, tỉnh cũng mong muốn TPHCM hỗ trợ phát triển hợp tác du lịch, nhất là xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Tây Ninh cũng mong muốn TPHCM có cơ chế đào tạo nguồn nhân lực về ngành y tế bổ sung nguồn nhân lực y tế đang thiếu tại Tây Ninh; mong muốn TPHCM giúp tỉnh Tây Ninh về xử lý ô nhiễm môi trường...

Mặc dù đạt được những thành quả hợp tác như trên, nhưng lãnh đạo 2 địa phương cùng nhìn nhận, kết quả hợp tác này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của 2 địa phương. Đồng tình với đề xuất của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho rằng, các cơ quan của 2 địa phương cần có định hướng chung về quy hoạch vùng, liên kết kinh tế, phát triển hạ tầng giao thông, hợp tác về sản xuất sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi…

Trước phát biểu của doanh nghiệp TPHCM cho rằng vẫn còn những khó khăn, rào cản khi đầu tư vào tỉnh Tây Ninh, theo đồng chí Lê Thanh Hải, phải tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp trong nước phát triển vì nếu không, trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất cơ hội phát triển trên sân nhà. Đồng chí Lê Thanh Hải cũng gợi ý 2 địa phương đẩy mạnh hợp tác sản xuất, mở rộng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Campuchia.

Tại hội nghị, lãnh đạo TPHCM và tỉnh Tây Ninh đã ký kết Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2014 - 2020. Cụ thể, trong giai đoạn 2014 - 2020, TPHCM và tỉnh Tây Ninh xác định hợp tác toàn diện về kinh tế - xã hội là nhiệm vụ chiến lược lâu dài nhằm phát huy lợi thế của mỗi địa phương, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập; đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục