TPP và ngành chăn nuôi

Hội nhập và tự do hóa thương mại, tham gia vào “sân chơi” thị trường chung là một xu thế tất yếu của các quốc gia, nhưng gần đây nhiều chuyên gia kinh tế đều chung nhận định: Khi tham gia vào TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) sẽ là cơ hội cho các ngành như dệt may, da giày vốn là lợi thế của Việt Nam nhưng lại là thách thức rất lớn cho ngành chăn nuôi vốn đã có nhiều rủi ro, kém sức cạnh tranh của chúng ta.
TPP và ngành chăn nuôi

Hội nhập và tự do hóa thương mại, tham gia vào “sân chơi” thị trường chung là một xu thế tất yếu của các quốc gia, nhưng gần đây nhiều chuyên gia kinh tế đều chung nhận định: Khi tham gia vào TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) sẽ là cơ hội cho các ngành như dệt may, da giày vốn là lợi thế của Việt Nam nhưng lại là thách thức rất lớn cho ngành chăn nuôi vốn đã có nhiều rủi ro, kém sức cạnh tranh của chúng ta.

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu gần 11 triệu tấn thức ăn chăn nuôi với kim ngạch nhập hơn 3 tỷ USD (xuất khẩu gạo không bù lại được nhập khẩu nguyên liệu cho ngành chăn nuôi). Nhiều năm qua, sản phẩm chăn nuôi liên tục đối mặt nguy cơ rớt giá, bán dưới giá thành, chỉ một đợt dịch là nông dân thua lỗ nặng. Có lẽ hiện tại những người nông dân cũng như doanh nghiệp chưa cảm nhận được những khó khăn khi thực phẩm ngoại ồ ạt vào Việt Nam nhưng thời gian từ nay đến năm 2016 chẳng còn bao lâu. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát lo lắng nói trong một hội nghị về tái cơ cấu chăn nuôi rằng nhìn trên bản đồ thế giới, các sản phẩm của tự do hóa thương mại sẽ phủ khắp nhiều quốc gia, châu lục. Khi TPP có hiệu lực, thịt gia cầm của Thái Lan sẽ vào Hà Nội và TPHCM với giá rẻ ngang sản phẩm do chúng ta bán. Nếu hàng rào thuế suất bị dỡ bỏ, thịt ngoại sẽ vào Việt Nam còn nhiều hơn hiện nay. Trong năm 2014, chỉ riêng về thịt gia cầm, Việt Nam đã nhập 95 triệu USD, chiếm gần 50% kim ngạch nhập khẩu thịt các loại. Theo dự báo sau TPP, lượng thịt heo của Mỹ sang Việt Nam sẽ tăng gấp 43,2 lần năm 2014, từ 2,3 triệu USD lên 100 triệu USD/năm.

Một trại nuôi heo ở Phước Long, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Thái Bằng

Theo các chuyên gia kinh tế, khi gia nhập TPP, các doanh nghiệp nhập khẩu và nước xuất khẩu thực phẩm sẽ tranh thủ được thời cơ vàng do nguồn hàng có giá rẻ và dồi dào nhưng trực tiếp người nông dân, các chủ trại và doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ bị yếu thế, lép vế ngay trên thị trường. Ngành chăn nuôi của Việt Nam lâu nay vốn đã không có nhiều sản phẩm để xuất khẩu, tạo sự cân bằng với các ngành hàng khác như lâm sản, thủy sản qua đó thúc đẩy nâng cao giá trị tăng trưởng của nông nghiệp, nhưng tới đây còn thua trắng ngay trên “sân nhà” do sản phẩm làm ra không cạnh tranh nổi với thực phẩm, nông sản ngoại.

Chọn một hướng đi cho ngành chăn nuôi ngay từ bây giờ là giải pháp sống còn khi Việt Nam chính thức tham gia TPP. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của báo chí, đại diện ngành chăn nuôi cũng như các bộ liên quan chỉ nói chung chung rằng sẽ chuẩn bị các giải pháp để ứng phó khi “thịt, trái cây, rau củ, sữa TPP” vào thị trường nước ta nhưng giải pháp đó là gì vẫn chưa được định hình rõ. Thậm chí ngay cả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp - trong đó có tái cơ cấu ngành chăn nuôi để cứu nguy cho sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã thực hiện được 2 năm, nhưng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng thừa nhận, nhiều địa phương còn rất mơ hồ, không hiểu tái cơ cấu là cần phải làm những công việc gì, cách tổ chức ở nhiều nơi còn chậm chạp, chưa có chuyển biến rõ rệt.

Câu chuyện TPP và ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay như một nút thắt chưa được hóa giải. Trong một số hội thảo về tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi vào TPP mới đây, đã có một số chuyên gia gợi mở giải pháp khi cho rằng chúng ta khó có thể cạnh tranh với thực phẩm, nông sản các nước ở những sản phẩm chính như thịt gà, heo, bò… nhưng trên thực tế thị trường cũng như thói quen tiêu dùng trong nước vẫn ủng hộ các sản phẩm đặc sản với lợi thế riêng và thực phẩm sạch... để đầu tư phát triển. Đó chính là cánh cửa, nói đúng hơn là lối thoát cho ngành chăn nuôi Việt Nam khi bước vào TPP.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục