Ngày đầu tiên Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ

Trả lời trúng nhưng chưa thuyết phục

ĐB Trần Hoàng Thám (TPHCM): Cần xem xét tổng thể vấn đề quản lý lao động
Trả lời trúng nhưng chưa thuyết phục

Hôm qua, 11-6, Quốc hội bước vào phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Trong ngày chất vấn đầu tiên, các vị Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã lần lượt trả lời chất vấn của các ĐBQH. Phần trả lời của các bộ trưởng khá trúng và cụ thể, nhưng chưa nhận được sự nhất trí cao của ĐBQH.

  • Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH NGUYỄN THỊ KIM NGÂN: Tôi không đùn đẩy trách nhiệm

ĐB Võ Thị Thủy (Bình Định) mở màn chất vấn bằng câu hỏi về lao động nước ngoài (LĐNN) vào Việt Nam trong khi lao động trong nước mất việc làm trầm trọng, trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, LĐNN vào làm việc ở VN là điều tất yếu, miễn là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay, có tới hơn 75.000 LĐNN đang làm việc tại Việt Nam, nhưng chưa tới 40% LĐNN được cấp phép. Nghĩa là hầu hết LĐNN là lao động “chui”.

Để giải quyết tình trạng này, bà Ngân cho rằng phải trên tinh thần đúng pháp luật của VN và trên tinh thần tôn trọng nguyên tắc hợp tác song phương giữa các nước.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) tiếp tục chất vấn: “Tôi không hiểu Bộ trưởng khi nhắc đến 3 bộ Công an, Ngoại giao, Tư pháp là có hàm ý gì, vì quản lý LĐNN là thuộc Bộ LĐTB-XH?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn: “Tôi không đùn đẩy trách nhiệm cho bộ nào cả. Trách nhiệm quản lý lao động là của bộ tôi. Nhưng LĐNN vào Việt Nam bằng nhiều con đường, nên các giải pháp quản lý thì tôi chủ trì, nhưng tôi cũng báo cáo với Thủ tướng và đề xuất phối hợp với các bộ có liên quan. Tôi khẳng định tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ về vấn đề quản lý lao động”.

Cũng về thị trường lao động, ĐB Trần Hoàng Thám (TPHCM) cho rằng, quản lý nhà nước về thị trường lao động còn lỏng lẻo. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nói, đây là điều khó của ngành: “Khó nhất là có tới 70% là lao động phi chính thức. Chỉ có 30% lao động chính thức quản lý được. Lao động phi chính thức có việc làm hay mất, đi đâu, không thể nắm được hết. Sẽ cần phải có thêm thời gian nữa”.

Vấn đề lao động mất việc làm do suy giảm kinh tế cũng đã làm “nóng” phần chất vấn vì rất nhiều ý kiến cho rằng, con số mất việc làm mà Bộ LĐTB-XH đưa ra không tin cậy, quá lạc quan.

Giải đáp điều này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, năm 2008, có trên 60.000 lao động bị mất việc. Từ đầu năm đến nay là 64.000-65.000 người mất việc. Đó là con số chính xác mà cơ quan quản lý nhà nước đưa ra. Những con số cao hơn là do một số chuyên gia đưa ra.

ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) không đồng tình: “Xã hội lo lắng về lao động mất việc nhưng các số liệu Bộ đưa ra luôn vênh nhau. Các làng nghề có khoảng 11 triệu lao động làm việc thường xuyên và không thường xuyên. Theo dự báo có tới 5 triệu lao động làng nghề mất việc. Nhưng quý 1-2009, Bộ nói chỉ có khoảng 30.000 lao động làng nghề mất việc, vậy có đáng tin cậy không?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Con số trên 30.000 lao động làng nghề mất việc là chính xác. Vì lao động làng nghề có đặc thù riêng, lao động làm thường xuyên và lao động nông nhàn làm thêm. Khi làng nghề mất việc làm, lao động nông nhàn trở lại làm việc nông nghiệp. “Nhưng đúng là con số này cũng chưa đầy đủ, vì cũng chỉ có ngần ấy tỉnh thành báo cáo” - bà Ngân nói.

Các ĐBQH cũng dành nhiều bức xúc về vấn đề đào tạo nghề hiện nay. ĐB Nguyễn Lân Dũng cho rằng, đề án đào tạo nghề cho lao động mà Chính phủ đang xây dựng huy động số tiền quá lớn, nhưng vấn đề là dạy ai, ai dạy, dạy cái gì?

Bộ trưởng cho biết: “Đề án kéo dài từ 2009-2020, 12 năm, huy động trên 32.000 tỷ đồng. 12 năm sẽ dạy 12 triệu lao động. Mỗi năm chỉ hơn 7.000 tỷ đồng. Như thế là không nhiều tiền. Thậm chí là quá rẻ. Không nên hạn chế đầu tư cho nông thôn, nông dân”.

  • Bộ trưởng Bộ NN-PTNT CAO ĐỨC PHÁT: Ưu tiên kích cầu khu vực nông nghiệp

Làm thế nào để người nông dân được hưởng lợi nhiều từ gói kích cầu là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.

Các ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), Đỗ Hữu Lâm (Long An), Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đều cho rằng, trong thời gian qua, đời sống nhân dân còn rất khó khăn vì bị động trên thị trường nông sản. Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ làm gì để người nông dân trực tiếp hưởng lợi nhiều hơn từ gói kích cầu tiếp theo?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, chủ trương của Chính phủ luôn ưu tiên cho khu vực nông nghiệp - nông thôn vì khu vực này sẽ đem lại hiệu quả cao cho nền kinh tế. Trong chương trình cho vay ưu đãi hỗ trợ 4% lãi suất, tới nay trong số 336.000 tỷ đồng đã được “rót” vào nền kinh tế thì 18% (khoảng gần 60.000 tỷ đồng) đã được dành trực tiếp cho nông dân vay.

Ngoài ra, Chính phủ còn có một chương trình cho vay không lãi suất riêng cho nông dân để mua máy móc, mua vật tư nông nghiệp và mua vật liệu để xây dựng nhà. Đồng thời trong chương trình đầu tư Chính phủ cũng đã dành một phần rất lớn vốn đầu tư XDCB để đầu tư cho các công trình về nông nghiệp.

Cũng liên quan đến kích cầu nông nghiệp, ĐB Đỗ Hữu Lâm (Long An) chất vấn: ĐBSCL là vựa lúa nhưng đang “khó đủ bề” vì giống không đảm bảo tiêu chuẩn, hạ tầng cơ sở nông thôn thiếu, tiêu thụ khó khăn, liên kết “4 nhà” yếu... Vậy sử dụng gói kích cầu như thế nào để đúng đối tượng, để lúa gạo ĐBSCL sớm trở thành sản phẩm bền vững, xuất khẩu có chất lượng cao?

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: đây là vấn đề rất lớn vì duy trì sản xuất ổn định, hiệu quả lúa gạo vùng này là nền tảng để đảm bảo an ninh lương thực ở nước ta. “Chính phủ hết sức quan tâm. Trong chương trình đầu tư hiện nay, Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo rà soát lại quy hoạch thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu. Chính phủ cũng đã dành vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, trong đó có hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL. Bộ cũng đang tiếp tục làm việc với Ngân hàng Thế giới để xây dựng một chương trình vốn vay lớn để tiếp sức cho nỗ lực này”, Bộ trưởng nói.

ĐB Hoàng Văn Em (Quảng Trị) băn khoăn về tình hình đất nông nghiệp đang bị thu hồi dần để xây dựng các khu công nghiệp, sân golf hoặc chuyển đổi các mục đích sản xuất khác.

ĐB Nguyễn Lân Dũng cũng bức xúc, việc xây dựng nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đã chiếm hết đất “bờ xôi ruộng mật”, thậm chí, còn định xoá bỏ cả Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Moncada thuộc Trung tâm Giống gia súc lớn TƯ để làm sân golf?

Bộ trưởng Cao Đức Phát trấn an: “Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT xây dựng Quy hoạch diện tích đất lúa gắn với an ninh lương thực hướng đến năm 2020-2030 để từ đó, có cơ sở thực hiện chủ trương dồn đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ”.

Đối với việc tại sao đất đai nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dần, ông Phát nói vấn đề này để Bộ TN-MT trả lời.

Phan Thảo – Hàm Yên


  • Bộ trưởng Bộ Công thương VŨ HUY HOÀNG: Chúng tôi không chia nhỏ dự án bauxite

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng được nhiều ĐBQH quan tâm với 2 vấn đề nóng: khai thác bauxite ở Tây Nguyên và tăng giá điện.

Khá ngắn gọn, ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) hỏi: “Theo Nghị quyết 66 năm 2006 của Quốc hội, dự án có vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng trở lên phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tại sao dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên có vốn đầu tư trên 20.000 tỷ đồng lại không được trình Quốc hội?”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích, trong quy hoạch phát triển công nghiệp bauxite nhôm đã được Chính phủ phê duyệt năm 2007 có nhiều dự án như: khai thác bauxite, dự án sản xuất alumin, dự án nhôm, dự án đường sắt, dự án cảng… Các dự án này đều độc lập với nhau. Trong số này, có một số dự án có vốn đầu tư vượt 20.000 tỷ đồng, nhưng dự án khai thác bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ chỉ có vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng nên không thuộc đối tượng dự án trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

“Sau này, các dự án như Đắc Nông 2, hay dự án đường sắt, cảng… vốn đầu tư có thể vượt 20.000 tỷ đồng. Khi đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết chủ trương đầu tư các dự án này” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Cách giải thích này khiến ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) thắc mắc: “Nếu không khai thác bauxite thì đâu có làm đường sắt. Không thể tách các dự án ra như thế để tránh phải trình Quốc hội được!”.

ĐB Nguyễn Đăng Trừng tiếp lời: “Theo tôi, dự án bauxite phải tính tổng thể cả 3 giai đoạn và các dự án trong 3 giai đoạn này gắn chặt với nhau. Các dự án chỉ nhỏ hơn 20.000 tỷ đồng khi Bộ Công thương tách ra”.

Ngoài ra, theo ông Trừng, dự án bauxite có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế, môi trường và đặc biệt là về quốc phòng – an ninh bởi Tây Nguyên là khu vực “nhạy cảm”. Điều này đã được Bộ Chính trị khẳng định. “Do vậy, theo tôi dự án này cần được trình để Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân trần: “Việc chia thành các dự án khác nhau không phải là ý kiến của Bộ Công thương. Chúng tôi không có thẩm quyền để chia nhỏ các dự án. Dự án alumin có thể không có đường sắt mà vẫn hoạt động được, bởi trong quy hoạch nêu ở quy mô ban đầu, khi công suất alumin còn nhỏ thì có thể vận chuyển bằng ô tô. Còn sau này, khi thấy rằng việc sản xuất alumin có hiệu quả thì mới tính đến phương án đường sắt. Nhưng đường sắt không phải là chuyên dụng, mà là hoạt động đa dụng cho vận tải hàng hóa, hành khách khu vực Tây Nguyên”.

Liên quan đến dự án này, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) chất vấn: “Dự án chỉ sản xuất alumin để xuất khẩu chứ không sản xuất nhôm. Vậy điều này có đi ngược với chủ trương hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô hay không?”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, với hàm lượng ô xít nhôm chiếm đến 98,2%, alumin không thể “gọi là quặng thô được”.

Theo Bộ trưởng, chỉ riêng sản xuất alumin, đã phải xây dựng nhà máy với suất đầu tư lên tới 1.000 USD/tấn.

ĐB Phạm Thị Loan vẫn không đồng tình: “Alumin không phải nguyên liệu thô, nhưng cũng không phải là thành phẩm. Vì thế, xuất khẩu alumin là thiệt hại cho đất nước”.

Không chất vấn về bauxite, nhưng ĐB Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu vấn đề nóng không kém: việc tăng giá điện.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ đã xem xét rất thận trọng việc tăng giá điện. Để đưa ra quyết định này, Chính phủ đã tính toán rất kỹ để không gây ảnh hưởng lớn tới người nghèo. Tính đến cuối năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta là 12%, nhưng theo điều tra thì có đến 23% số hộ dùng điện chỉ sử dụng dưới 50kW/tháng. Theo cách tính giá bậc thang của năm 2008 thì trong 100kW đầu tiên, chỉ phải chịu giá khoảng 500 đồng – nên phần này Chính phủ phải bù lỗ. Như vậy, Chính phủ phải bù lỗ cho người nghèo, và cả một số hộ không nghèo. Năm 2009, giá điện tăng lên, nhưng bậc thang từ 51 đến 100kW vẫn tính giá bằng chi phí là 865 đồng/kW.

“Theo đó, người nghèo và cận nghèo chỉ phải trả thêm 2.500 đồng tiền điện một tháng. Nhà nước vẫn phải bù lỗ và bù lỗ đúng đối tượng. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét, nếu có bất hợp lý thì sẽ điều chỉnh trong thời gian tới” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

  • Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu: Cơ chế hỗ trợ lãi suất đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp

Mặc dù không đăng đàn trả lời chất vấn nhưng tại kỳ họp Quốc hội lần này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu (ảnh) đã có ý kiến trả lời ĐBQH các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, đến nay cơ chế hỗ trợ lãi suất đã có tác động tích cực và thiết thực đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất, giúp nhiều DN giảm chi phí vay vốn (giảm 36,6% ở TPHCM; giảm 30% ở Thừa Thiên-Huế; giảm 36,64% ở 72 DN vay vốn NHTM cổ phần Á Châu; giảm 35% đối với các DN chế biến bột cá, vận tải, sản xuất nhựa, cơ khí, chế biến cà phê vay vốn tại Ngân hàng Công thương Việt Nam) và hạ giá thành sản phẩm (giảm 2%-4,65% ở TPHCM; giảm 4% ở Hưng Yên..), duy trì việc làm cho người lao động.

Liên quan đến băn khoăn của ĐBQH về cho vay hỗ trợ lãi suất có thể phát sinh “đảo nợ”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu phân tích: đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN và hộ sản xuất, vòng quay vốn lưu động trong 1 năm khoảng 2 - 4 vòng (từ 3 - 6 tháng/vòng); theo đó, thời hạn trả nợ vay ngân hàng cũng được xác định tương ứng khoảng từ 3 - 6 tháng.

Trong những tháng đầu năm 2009, DN và hộ sản xuất tiêu thụ sản phẩm, trả các khoản vay đến hạn và tiếp tục vay vốn, quay vòng vốn lưu động để sản xuất - kinh doanh và được hưởng hỗ trợ lãi suất theo quy định của pháp luật là hoạt động kinh tế diễn ra bình thường.

Qua 4 tháng cho vay hỗ trợ lãi suất, đến cuối tháng 5-2009, dư nợ vay được hỗ trợ lãi suất của DN, hộ sản xuất khoảng 305.763 tỷ đồng, tương ứng hơn 35% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND của cả hệ thống ngân hàng thương mại. “Như thế vòng quay vốn tín dụng sát với vòng quay vốn lưu động của DN trong điều kiện hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn. Ý kiến cho rằng phần lớn dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất do đảo nợ là không có cơ sở về bản chất kinh tế và chu chuyển vốn sản xuất – kinh doanh của DN, tín dụng ngân hàng” – Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Ngoài ra, cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất hiện hành nghiêm cấm hành vi đảo nợ. Các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm túc việc thẩm định hồ sơ vay vốn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất và quy định về bảo đảm tiền vay, thực hiện kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, thì các hành vi đảo nợ rất khó xảy ra.

Bảo Minh

Đại biểu Trần Hoàng Thám, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM chất vấn tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN
Đại biểu Trần Hoàng Thám, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM chất vấn tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN

Tin cùng chuyên mục